Thứ 7, 23/11/2024, 05:34[GMT+7]

Thành phố: Trả lại sự trong lành cho các dòng sông

Thứ 7, 19/10/2024 | 07:31:57
3,159 lượt xem
Thời gian gần đây, một số dòng sông trên địa bàn thành phố Thái Bình nước có màu đen đục, hôi thối, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân và môi trường đô thị.

Nước sông Đoàn Túc màu đen đặc, đoạn qua địa bàn phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình. Ảnh chụp sáng ngày 7/10/2024.

Người dân bức xúc

Theo phản ánh của người dân thì từ cuối tháng 9/2024, sông Vĩnh Trà đoạn chảy qua địa bàn các phường Quang Trung, Kỳ Bá, Lê Hồng Phong nước đã chuyển màu đen, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. 

Bà Nguyễn Thị Oanh, tổ 6, phường Kỳ Bá chia sẻ: Chúng tôi đã sống chung với tình trạng ô nhiễm sông Vĩnh Trà suốt nhiều năm nay. Đặc biệt, vào mùa hanh khô, mùi hôi từ sông bốc lên không thể chịu nổi. Nước sông đổi màu đen đặc, không những làm mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Sông Bạch chảy qua địa bàn phường xã Phú Xuân cũng thường xuyên có màu đen. 

Ông Nguyễn Đức Nam, tổ 2, xã Phú Xuân lo lắng nếu tình trạng ô nhiễm kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khu vực xung quanh, đặc biệt là trẻ em và người già. Nhiều người dân sinh sống tại phường Tiền Phong cũng gặp phải tình trạng tương tự khi sống gần sông Đoan Túc. Sông Đoan Túc thuộc hệ thống thoát nước thành phố, điểm đầu là cống Nhân Thanh chảy qua các tổ dân phố của phường Tiền Phong, cụm công nghiệp Phong Phú ra điểm cuối đấu với sông Bạch tại cầu Mùa, phường Phú Khánh. Đây là nguồn tiếp nhận nước thải sinh hoạt của nhân dân phường Tiền Phong, nước thải của một số cơ sở sản xuất đang hoạt động trong cụm công nghiệp Phong Phú chưa đấu nối về khu trung chuyển nước thải cụm công nghiệp. Mực nước sông Đoan Túc có thời gian cao hơn mực nước sông Trà Lý nên khó khăn cho việc lấy nước từ sông Trà Lý để thau rửa nước sông từ cống Nhân Thanh là nguyên nhân gây tình trạng nước sông Đoan Túc bị ô nhiễm có màu đen, mùi hôi ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của người dân. 

“Mùi hôi từ sông Đoan Túc không thể chịu được, nhất là vào buổi chiều khi nhiệt độ lên cao. Nhà tôi chỉ cách sông 5m, thường xuyên phải đóng kín cửa suốt ngày để tránh mùi thối. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình mà còn khiến chúng tôi rất lo ngại về sức khỏe lâu dài” - bà Quách Thị Tâm, tổ 5, phường Tiền Phong bức xúc.

Nước sông Vĩnh Trà chuyển màu đen, mùi hôi thối, đoạn qua địa phận bàn phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình. Ảnh chụp chiều ngày 4/10/2024.

Cần giải pháp bền vững

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Để bảo đảm xử lý lượng nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn, thành phố Thái Bình đã thực hiện dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước thải sinh hoạt. Với chiều dài gần 21km tuyến đường ống được đặt tại các cửa xả nằm hai bên bờ các dòng sông trên địa bàn thành phố, công suất 10.000m3/ngày đêm, hệ thống đã thu gom và xử lý nước thải cho 8 phường nội thành là Bồ Xuyên, Đề Thám, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Hồng Phong, Kỳ Bá, một phần phường Tiền Phong và Trần Lãm. Hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt đi vào hoạt động từ tháng 12/2016 đã giúp giảm thiểu tình trạng xả thải trực tiếp ra sông, ngăn ngừa ô nhiễm và cải thiện rõ rệt chất lượng nước tại nhiều điểm nóng về môi trường. Nước thải từ các khu dân cư sau khi được thu gom sẽ được dẫn về nhà máy xử lý nước thải trung tâm, nơi các quy trình lọc và xử lý tiên tiến được áp dụng để loại bỏ các chất gây hại trước khi nước được xả ra môi trường. Việc xây dựng hệ thống này không chỉ góp phần bảo vệ các dòng sông mà còn là một trong những bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển đô thị bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cùng với đó, hàng năm UBND thành phố đã dành nguồn ngân sách thường xuyên thực hiện các hoạt động khơi thông, nạo vét lòng sông và thu gom rác thải trên các tuyến sông lớn nhỏ. Đây là công tác định kỳ giúp bảo đảm dòng chảy thông suốt, hạn chế tình trạng bồi lắng, tắc nghẽn và bảo vệ hệ sinh thái ven sông. Ngoài ra, công tác thu gom rác thải ven bờ và trên mặt sông đã giảm thiểu tình trạng rác trôi nổi, giúp giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm thêm cho nguồn nước. Thành phố hiện có 8 dòng sông được quy hoạch giữa lòng thành phố, với tổng chiều dài trên 18km. Tất cả các con sông đều đã được thành phố đầu tư chỉnh trang, xây kè lát mái và hai bên bờ sông được trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh, đẹp. Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình đảm nhiệm việc vớt rác, làm cỏ taluy ở thành sông. Tuy nhiên, sau gần 8 năm vận hành, công suất của nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đã không đáp ứng được thực tế lưu lượng nước thải sinh hoạt thải ra môi trường.

Theo quan sát của phóng viên Báo Thái Bình, sáng ngày 7/10 thì tình trạng ô nhiễm trên sông Vĩnh Trà đã được khắc phục. UBND thành phố Thái Bình đã chủ động vào cuộc thau rửa, trả lại môi trường trong lành cho người dân sống quanh khu vực sông. Nhưng để tất cả các dòng sông nội đô không còn tình trạng ô nhiễm thì rất cần các giải pháp bền vững. Từ việc đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nạo vét dòng sông, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xả thải trái phép đến việc nâng cao ý thức cộng đồng, đều cần được thực hiện đồng bộ và lâu dài.

Đức Dũng