Thứ 7, 23/11/2024, 14:05[GMT+7]

Nói không với túi nilon

Thứ 3, 20/08/2019 | 08:52:01
1,559 lượt xem
Túi nilon là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường bậc nhất, nhưng việc sử dụng túi nilon vẫn diễn ra rất phổ biến. Thói quen này đã vô tình gây hại đến sức khỏe con người và môi trường sống, bởi vậy, dần loại bỏ túi nilon là một việc làm cần thiết.

Túi nilon được sử dụng phổ biến tại các siêu thị.

Tràn ngập túi nilon

Với ưu điểm bền, gọn nhẹ, dễ sử dụng, giá rẻ nên túi nilon có mặt ở khắp mọi nơi. Không thể phủ nhận sự tiện ích mà túi nilon mang lại trong sinh hoạt hàng ngày. Người tiêu dùng đi chợ mua một vài món hàng nhỏ hay nhiều món chỉ cần lấy túi nilon đựng về. Dần dần sử dụng túi nilon trở thành một thói quen khó bỏ. Túi nilon phổ biến đến mức nó có mặt ở khắp mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ mọi ngõ ngách của những quán cóc ven đường đến những khu trung tâm thương mại, những chợ lớn nhỏ. Sự tiện dụng của nó khiến cho cả người mua và người bán đều quen thuộc và thật khó có thể thay đổi được thói quen này. 

Mỗi lần đi chợ, chị Nguyễn Thị Huệ, tổ 2, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình thường mang về rất nhiều đồ đựng trong những chiếc túi nilon. Từ thịt, cá, rau, quả, đồ ăn chế biến sẵn cho đến những đồ gia vị như chanh, hành, ớt... mỗi loại được đựng trong một chiếc túi nilon khác nhau, thậm chí, những đồ tươi sống như cá, tôm... còn được đựng bởi 2 - 3 chiếc túi nilon. 

Khi được hỏi sao chị không mang làn đi chợ, chị Huệ cho biết: Giờ không mấy ai dùng làn nữa. Tranh thủ hết giờ làm vào chợ mua đồ luôn, mua gì là có túi đựng nấy, rất thuận tiện. Vẫn biết tác hại của túi nilon, vừa không bảo đảm sức khỏe vừa gây hại cho môi trường nhưng do sự tiện dụng của nó nên rất khó để không sử dụng. 

Bà Ngô Thị Khuy, bán rau gia vị chợ Hải sản (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Túi nilon có đặc tính nhẹ, dai, bền, đựng được nhiều loại hàng hóa lại dễ sử dụng nên cả người mua lẫn người bán đều thích dùng. Đặc biệt giá thành túi nilon khá rẻ, chỉ 20.000 - 30.000 đồng/kg, dùng cả tuần mới hết nên tất cả các tiểu  thương đều sẵn sàng lồng vài ba túi nilon vào món đồ khi khách hàng có nhu cầu.

Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường

Vì sự tiện ích mà túi nilon được tận dụng và sử dụng rộng khắp, từ các chợ cho đến các cửa hàng; từ hàng tươi sống, hàng khô đến quầy thức ăn chế biến sẵn... Trong túi rác của bất cứ gia đình nào cũng có vài chiếc túi nilon. Túi nilon không tái sử dụng được nên dễ bị vứt bỏ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, là một trong những nguyên nhân gây hại cho sinh vật, làm thoái hóa đất và gây ô nhiễm không khí. Trong quá trình xử lý, tái chế, túi nilon còn phát sinh những khí thải độc hại gây ảnh hưởng trực tiếp lên môi trường và sức khỏe con người. Với những tác hại đó, việc hạn chế, tiến tới loại bỏ thói quen sử dụng túi nilon trong sinh hoạt là vô cùng quan trọng và cấp thiết. 

Để hạn chế việc sử dụng túi nilon, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đoàn thể tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường bằng cách thay đổi thói quen sử dụng túi nilon. Nhiều mô hình tuyên truyền về tác hại của túi nilon, vận động người dân hạn chế sử dụng túi nilon, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đã phát huy hiệu quả. Điển hình như mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon thay bằng làn nhựa đi chợ” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Thái Bình. Tham gia mô hình, các chị em được tìm hiểu về tác hại của túi nilon và kinh nghiệm sử dụng các vật dụng thay thế túi nilon. Từ đó từng bước hạn chế và từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon, thay vào đó sẽ dùng làn nhựa, túi vải... khi đi chợ. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã tổ chức cấp miễn phí 4.430 làn nhựa cho cán bộ, hội viên các phường, xã.

Chính phủ đã phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu của chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt cộng đồng; thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp kinh tế là trọng tâm kết hợp với giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giải pháp khoa học công nghệ. UBND tỉnh cũng đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng túi thân thiện với môi trường; thực hiện hiệu quả chương trình “Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường” từ nay đến năm 2020.

Việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon của người dân không thể thực hiện được trong ngày một, ngày hai mà cần phải có thời gian. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, ngay từ bây giờ, mỗi chúng ta nên tự giác hạn chế, tiến tới loại bỏ thói quen sử dụng túi nilon để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và góp phần bảo vệ môi trường sống trong lành.


Minh Nguyệt

  • Từ khóa