Thứ 4, 13/11/2024, 06:42[GMT+7]

Người Thái Bình ở K4 anh hùng

Thứ 2, 23/12/2019 | 10:04:37
2,712 lượt xem
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, các cựu chiến binh K4 anh hùng lại hội ngộ tại gia đình cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Mạnh Hùng, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) cùng nhau ôn lại ký ức một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Những người lính K4 trở về cùng nhau ôn lại kỷ niệm chiến trường năm xưa.

Tiểu đoàn bộ binh 804 mang mật danh K4 do Bộ Quốc phòng thành lập ngày 30/4/1964. Khi vào chiến trường Thừa Thiên Huế, đơn vị trở thành tiểu đoàn chủ công của lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế. Lúc đầu thành lập, K4 có 590 cán bộ, chiến sĩ bổ sung từ 25 tỉnh, thành trong cả nước.

Nhớ lại những năm tháng chiến đấu hào hùng cùng đồng đội trên mỗi chiến hào đỏ lửa, CCB Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 804 chia sẻ: Năm 1972, tôi cùng hơn 200 chiến sĩ người Thái Bình tăng cường vào K4. Chúng tôi trực tiếp chiến đấu tại huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Khi đó, Hiệp định Paris đang trong giai đoạn đàm phán căng thẳng, nhiệm vụ của K4 là giữ vững địa bàn giáp ranh từ đồi La Hy (Hương Thủy) tới Dinh Lộc (Phú Lộc); đồng thời, bảo vệ đường dây về các vùng sâu trên tuyến chốt Nam - Bắc đường 14 có một số điểm tranh chấp giữa ta và địch để tạo lợi thế đàm phán cho phía ta. Cũng trong thời gian này, K4 được giao nhiệm vụ thực hiện mũi tấn công binh vận; tổ chức gặp trực tiếp đối phương, vừa hòa hoãn, vừa làm công tác tuyên truyền chính sách hòa hợp dân tộc của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam với các hoạt động như làm nhà hòa hợp, gặp trao đổi trực tiếp, tổ chức bữa cơm hòa hợp, văn nghệ hòa hợp...

Với tình yêu Tổ quốc, K4 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở thành nỗi ám ảnh của quân thù. CCB Nguyễn Trọng Tâm, quê ở huyện Đông Hưng, hiện đang cùng gia đình sinh sống ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) nhưng năm nào cũng thu xếp công việc để về gặp mặt anh em, đồng đội. Ông Tâm bồi hồi nhớ lại: Ngày 20/6/1973, tôi được đơn vị giao nhiệm vụ chỉ huy một tiểu đội giữ cao điểm 273, trong khi 2 tiểu đoàn của địch bao vây, tấn công liên tục. Bị địch cô lập, thức ăn, nước uống cạn kiệt nhưng với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chúng tôi đã kiên cường chống trả quyết liệt với địch để bảo vệ điểm cao; đồng thời, phải dùng nõn chuối non thay nước và lương khô ít ỏi cầm cự một tuần liền cho tới khi được lệnh rút lui an toàn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đồng đội thương vong quá nửa, bản thân tôi cũng bị thương nặng phải lui về tuyến sau.

17 năm anh dũng, kiên cường chiến đấu trên khắp các chiến trường ở Thừa Thiên Huế, K4 đã có gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có gần 200 người con quê hương Thái Bình. Chiến tranh đã lùi xa, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được đẩy mạnh nhưng đến nay nhiều ngôi mộ liệt sĩ còn chưa đầy đủ và chính xác danh tính. Trong các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều ngôi mộ chỉ ghi được dòng chữ: K4 - Liệt sĩ vô danh. Nhiều liệt sĩ vẫn còn nằm lại chiến trường năm xưa nay đã là những ruộng vườn tốt tươi cây trái, để lại nỗi niềm thương nhớ cho người thân, đồng đội hôm nay. May mắn trở về sau cuộc chiến, CCB Phan Duy Lương, quê xã Nguyên Xá (Đông Hưng) vẫn đau đáu trong lòng khi còn đó những đồng đội đã anh dũng hy sinh sau bao nhiêu năm vẫn chưa tìm được hài cốt hay phần mộ còn lẫn vào hàng nghìn ngôi mộ có tên và không tên. Ông Lương chia sẻ: Đầu năm 1974, tình hình chiến sự đang trong giai đoạn cam go. Tại điểm cao 273, sau thời gian dài giằng co, chiến đấu với địch, đơn vị tôi hy sinh rất nhiều, do điều kiện chiến đấu gian khổ, ác liệt nên việc chôn cất phải bảo đảm nhanh chóng, bí mật. Mỗi đồng đội ngã xuống chỉ có tấm vải tăng khâm liệm... Khi hòa bình lập lại, chúng tôi có cùng với thân nhân gia đình đồng đội trở lại chiến trường để tìm hài cốt các anh nhưng do thời gian, địa hình, địa vật thay đổi nên công việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn.

Các CCB K4 thăm hỏi, động viên đồng đội lúc ốm đau, bệnh tật. 

K4 hoàn thành nhiệm vụ và giải thể năm 1981, nhiều người phục viên, xuất ngũ về quê, có người quyết định ở lại, chọn Thừa Thiên Huế là quê hương thứ hai của mình. 11 năm chiến đấu, bám trụ liên tục từ năm 1964 đến 30/4/1975, K4 đã tiêu diệt trên 14.000 tên địch, diệt và làm thiệt hại 3 tiểu đoàn, 18 đại đội và 3 đoàn bình định, phá hủy 275 xe quân sự, trong đó có 176 xe tăng và xe bọc thép, 19 khẩu pháo, 3 kho xăng; bắn rơi 20 máy bay, thu 179 súng các loại; đồng thời, cùng  quân dân địa phương giải phóng hàng vạn người dân, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng trong tỉnh Thừa Thiên Huế. Ghi nhận những chiến công vang dội của K4 vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, K4 đã được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 9/1975.

Tiểu đoàn K4 anh hùng tự hào đã góp phần cùng với nhân dân cả nước chiến đấu và chiến thắng, viết nên khúc khải hoàn đại thắng mùa xuân năm 1975,  non sông nối liền một dải, “Bắc Nam sum họp một nhà”. Những chàng trai năm xưa tuổi đôi mươi, gác lại những ước mơ, hoài bão, xung phong trong đội quân K4 vào chiến trường, nay người còn người mất nhưng mỗi năm, mỗi lần họ lại tề tựu bên nhau, gặp gỡ, sẻ chia, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm chiến trường một thời không thể nào quên.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, song tinh thần chiến đấu dũng cảm, phẩm chất cao đẹp của những người lính năm xưa luôn là tấm gương sáng, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay cần phải sống xứng đáng hơn với thế hệ cha ông đi trước.

Nguyễn Thơi