Thứ 7, 23/11/2024, 18:09[GMT+7]

Nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ vững mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

Thứ 3, 14/01/2020 | 07:58:00
2,884 lượt xem
Ngày 15/1, Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thái Bình lần thứ X chính thức khai mạc. Trước thềm Đại hội, phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch Hội VHNT Thái Bình về kết quả của nhiệm kỳ vừa qua và những nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ tới.

Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tổ chức triển lãm giới thiệu tác phẩm.

Phóng viên: Thưa bà, nhiệm kỳ vừa qua được đánh giá là một nhiệm kỳ có nhiều biến động và khó khăn trong công tác tổ chức của Hội VHNT tỉnh. Xin bà cho biết công tác tổ chức, phát triển và bồi dưỡng hội viên nhiệm kỳ vừa qua được thực hiện như thế nào?

Bà Nguyễn Ánh Tuyết: Hội VHNT Thái Bình hiện đang có 293 hội viên, sinh hoạt ở 8 chi hội. Mặc dù nhiệm kỳ qua có nhiều khó khăn trong công tác tổ chức nhưng chúng tôi vẫn quan tâm đến mọi phong trào của Hội, quan tâm đến quyền lợi của hội viên, ưu tiên cho sự sáng tạo của hội viên. Công tác phát triển hội viên đặc biệt được coi trọng. Hội chú trọng đến công tác giới thiệu nhân tố mới, những nhân tố trẻ, có tài năng, có trình độ để bồi dưỡng kết nạp hội viên. Ngoài ra, Hội còn tạo điều kiện thuận lợi giới thiệu với các hội chuyên ngành trung ương xét kết nạp những hội viên có đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã kết nạp được 94 hội viên mới thuộc 8 chi hội chuyên ngành. Các chi hội hoạt động hiệu quả, đạt được nhiều thành tựu dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Hội.

Cùng với công tác phát triển đội ngũ, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên cũng luôn được đặt lên nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong nhiệm kỳ qua, bên cạnh sự phát hiện, tập hợp và bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tác cho hội viên, Hội thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao nhận thức chính trị cho hội viên thông qua việc phối hợp tổ chức triển khai, quán triệt học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới toàn thể hội viên; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, các hội thảo, trại sáng tác. Tạp chí Văn nghệ Thái Bình thường xuyên tuyên truyền, đăng tải  các tác phẩm về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Những hoạt động trên giúp cho hội viên hiểu rõ quan điểm, định hướng của Đảng về VHNT từ đó có lập trường tư tưởng vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có trách nhiệm với việc tìm tòi, sáng tạo VHNT cũng như tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội, góp phần vào việc phát triển VHNT của tỉnh và cả nước. Trong những năm qua, hội viên của Hội không có hiện tượng lợi dụng tự do sáng tác để theo đuổi những khuynh hướng, những quan điểm lệch lạc trái với đường lối văn nghệ của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hội luôn giữ vững vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, lực lượng quan trọng của Đảng, của nhân dân. Mỗi hội viên của Hội vừa là văn nghệ sĩ vừa là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng.
Hội trải qua nhiều biến động và khó khăn nên hội viên đều nóng lòng đón chờ Đại hội để bước sang một nhiệm kỳ mới với những đổi mới cả trong công tác hội và sáng tạo VHNT.

Phóng viên: Mặc dù công tác tổ chức Hội có nhiều biến động song đời sống văn học, Hội VHNT Thái Bình vẫn được đánh giá là một Hội mạnh về nhiều phương diện so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Xin bà cho biết về kết quả hoạt động chuyên môn của Hội?

Bà Nguyễn Ánh Tuyết: Tuy gặp rất nhiều khó khăn, các văn nghệ sĩ vẫn phát huy tinh thần tự chủ, năng động, sáng tạo, say mê sáng tạo nghệ thuật góp phần quan trọng vào thành quả trong sáng tác VHNT của Hội VHNT Thái Bình.
Hàng năm, chúng tôi phối hợp với các nhà trường, các huyện, Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức ngày Thơ Việt Nam rất chất lượng và hiệu quả. Chúng tôi tổ chức cho tất cả các chi hội chuyên ngành, Ban Chấp hành đi thâm nhập thực tế (mỗi năm 9 chuyến). Tổ chức những trại sáng tác, cử hội viên tham gia các trại sáng tác do Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tổ chức rất thành công. Tổ chức các cuộc triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật của khu vực và trung ương, khuyến khích triển lãm của các nghệ sĩ trẻ và cá nhân. Hội  luôn động viên hội viên tham gia các cuộc thi sáng tác về những đề tài nóng hổi thiết thực, mang ý nghĩa chính trị lớn, nhiều tác giả đã đoạt giải thưởng cao.
Hoạt động chuyên môn của Hội, của các chi hội, hoạt động sáng tạo của các văn nghệ sĩ luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, sự chỉ đạo của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, bám sát hơi thở của đời sống xã hội để sáng tạo ra nhiều tác phẩm VHNT đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân; bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương Thái Bình.
Nhiệm kỳ vừa qua, các nghệ sĩ trong 8 chuyên ngành đã nhận được nhiều giải thưởng của trung ương và địa phương trao tặng. Đã có 4 nghệ sĩ được tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nhiều nghệ sĩ được tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nhiều tác giả được kết nạp vào các hội chuyên ngành trung ương. Nhiều nghệ sĩ được tặng bằng khen, giấy khen, huy chương của các cấp, các ngành. Đã có 96 tác phẩm đạt giải thưởng mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn giai đoạn 2002 - 2012 được trao cho các tác giả thuộc 8 chuyên ngành. 60 văn nghệ sĩ được nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp VHNT. Chi hội Văn học đã có 60 tập sách được xuất bản; Chi hội Mỹ thuật tham gia 6 lần triển lãm khu vực tại các tỉnh trong nhiệm kỳ, hội viên chi hội đã có hơn 130 tác phẩm được trưng bày, nhiều tác phẩm được chọn vào vòng chấm giải và gặt hái được các giải thưởng cao. Chi hội Dân gian xuất bản gần 20 đầu sách. Chi hội Nghệ sĩ sân khấu và biểu diễn đã dựng nhiều vở đạt huy chương vàng, bạc và các huy chương, giải thưởng của diễn viên, nhạc công. Chi hội Âm nhạc sáng tác nhiều ca khúc đạt giải thưởng cao. Chi hội Phát thanh - Truyền hình với hàng trăm tác phẩm về các chuyên đề phục vụ nhân dân. Chi hội Kiến trúc sư với hàng loạt các công trình kiến thiết làm thay đổi diện mạo các làng quê, thị trấn và thành phố. Chi hội Nhiếp ảnh với những cuộc triển lãm phong phú, chất lượng với hàng trăm bức ảnh nghệ thuật  có giá trị. Những thành tựu trên là kết quả sự lao động sáng tạo miệt mài của đội ngũ văn nghệ sĩ, đóng góp đáng kể của VHNT Thái Bình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tham gia trại sáng tác tại Thanh Hóa.

Phóng viên: Những điều còn trăn trở trong nhiệm kỳ vừa qua là gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Ánh Tuyết: Nhiệm kỳ vừa qua, số lượng tác phẩm công bố khá nhiều nhưng những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, của thời đại.
Đội ngũ người sáng tác trong tỉnh có tuổi đời cao trong khi đó việc kết nạp bổ sung người trẻ có trình độ chuyên môn tốt, có tâm huyết với nghề, công tác bồi dưỡng đội ngũ kế cận còn nhiều bất cập.
Sự thiếu vắng những người làm công tác lý luận phê bình có trình độ chuyên môn cao đã tạo sự mất cân đối nghiêm trọng giữa hai mảng sáng tác và phê bình.
Các chuyên ngành chuyên môn hoạt động chưa đồng đều, có chi hội chưa tự giác tổ chức được những hoạt động mang tính đột phá mà còn trông chờ thụ động vào sự chỉ đạo của Hội.
Nguyên nhân có một phần do trong nhiệm kỳ qua có nhiều sự thay đổi, điều chuyển cán bộ quản lý lãnh đạo Hội làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành. Ban Chấp hành chưa hoạch định được những chủ trương, chính sách lâu dài cho sự phát triển chung của Hội. Một phần do khả năng sáng tạo của hội viên chưa đồng đều, thiếu sự bứt phá vươn lên.

Phóng viên: Những nhiệm vụ trọng tâm cần đặt ra trong nhiệm kỳ tới là gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Ánh Tuyết: Nhiệm vụ trọng tâm  của Hội VHNT đặt ra trong nhiệm kỳ tới là đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Bình phải tập trung trí tuệ, lực lượng, phát huy dân chủ, đoàn kết, không ngừng nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu lý luận phê bình để có nhiều tác phẩm VHNT xứng tầm với công cuộc đổi mới, hội nhập của quê hương, đất nước, đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHNT của nhân dân, góp phần tuyên truyền, giáo dục đạo đức xã hội. Để làm được điều đó, Hội VHNT Thái Bình cần tập trung bồi dưỡng, giáo dục ý thức chính trị, bồi dưỡng chuyên môn, lý tưởng thẩm mỹ, tạo điều kiện  cho văn nghệ sĩ trẻ phát huy năng lực, sở trường của mình. Có cơ chế, chính sách đúng đắn nhằm thu hút nhân tài, phát huy sự năng động sáng tạo của người nghệ sĩ. Tổ chức tốt việc kết nạp bổ sung lực lượng kế cận và giới thiệu văn nghệ sĩ cho các hội trung ương. Hội phải trở thành mái nhà chung, phải xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong Ban Chấp hành và toàn thể hội viên, xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc. Phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Trong nhiệm kỳ tới, Hội VHNT Thái Bình rất mong nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác tổ chức cán bộ cũng như sự đầu tư phù hợp cho việc sáng tác, nghiên cứu để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển VHNT đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!


Trần Hương
         
   (thực hiện)