Vững bước dưới cờ Đảng quang vinh (Kỳ 5)
Kỳ 5: Cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược
Từ năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Thái Bình bắt tay vào công cuộc lao động trong hòa bình với những nhiệm vụ đặt ra hết sức khó khăn: khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh và thiên tai liên tiếp; xây dựng nền tảng vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội và quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; tham gia xây dựng, củng cố vững chắc hậu phương lớn miền Bắc và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; chi viện tối đa sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thái Bình luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, trở thành điểm sáng của miền Bắc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đi đầu trên nhiều lĩnh vực, là minh chứng thuyết phục về tính đúng đắn đường lối của Đảng qua việc quán triệt nghiêm túc, vận dụng cụ thể và sáng tạo tại địa phương. Kinh tế phát triển tương đối toàn diện, điển hình là trong nông nghiệp. Tính đến năm 1975, tổng sản lượng lương thực tăng gấp 2 lần, chăn nuôi tăng gần 3 lần so với năm 1954. Quan hệ sản xuất mới được xây dựng và củng cố. Đời sống văn hóa - xã hội phát triển mạnh mẽ. Cơ sở vật chất kỹ thuật được kiến thiết một bước cơ bản, làm thay đổi hẳn diện mạo nông thôn nghèo nàn, lạc hậu trước đây.
Ngay trong khói lửa chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lực lượng lao động nam giới được huy động cho chiến trường, lao động còn lại ở địa phương từ 70 - 75% là nữ nhưng Thái Bình luôn dẫn đầu năng suất lúa toàn miền Bắc, là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất bình quân 5 tấn/ha năm 1966, 6 tấn/ha năm 1972, 7 tấn/ha năm 1974. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu và chi viện cho chiến trường, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình vinh dự được đón Bác Hồ về thăm vào các năm 1958, 1962, 1966. “Quê hương năm tấn” là niềm tự hào, là biểu tượng về tinh thần nỗ lực thi đua sản xuất nông nghiệp của cả miền Bắc khi đó. Với tinh thần “Thái Bình dốc lòng chi viện cho tiền tuyến”, mặc dù chỉ chiếm 5% diện tích canh tác của miền Bắc nhưng Thái Bình luôn đóng góp cho Nhà nước từ 10 - 12% tổng lượng lương thực huy động của miền Bắc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tự hào vì đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thái Bình đã huy động cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến; trên 21 vạn người con ưu tú của quê hương đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, là tỉnh có tỷ lệ người tham gia quân đội so với dân số cao nhất miền Bắc (18%); chi viện trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm, đóng góp gần 1,8 triệu ngày công cho tiền tuyến. 34.403 người con Thái Bình đã anh dũng hy sinh, 32.500 người đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường, gần 34.000 người bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin. Rất nhiều người con ưu tú của Thái Bình đã ghi những mốc son chói lọi như: đồng chí Bùi Quang Thận cắm cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Anh hùng phi công Phạm Tuân...
Sau khi dựng lên cái gọi là sự kiện Vịnh Bắc Bộ (ngày 5/8/1964), đế quốc Mỹ đã lấy cớ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Đối với Thái Bình, chúng đã hai lần thực hiện phá hoại bằng đường không, đường thủy với tổng số 1.015 ngày: lần thứ nhất bắt đầu từ ngày 13/8/1965 đến ngày 31/8/1969; lần thứ hai từ ngày 16/4/1972 đến ngày 27/12/1972. Chúng đã sử dụng 7.783 lần chiếc máy bay các loại đánh vào 1.606 mục tiêu, trong đó mục tiêu dân cư chiếm 53% (80% số xã của tỉnh bị đánh phá), dội xuống 2.425 tấn bom đạn các loại, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã lãnh đạo nhân dân vừa bảo đảm sản xuất vừa tổ chức công tác phòng không, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tập thể, tính mạng và tài sản của nhân dân, đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Chỉ trong thời gian ngắn (từ ngày 5/8/1964 đến tháng 2/1965), toàn tỉnh đã đào đắp hàng triệu hầm hố các loại; sơ tán các cơ quan tỉnh, huyện, xí nghiệp, trường học... về 123 xã và 2 vạn dân thị xã Thái Bình trong vùng trọng điểm về các làng xã của tỉnh; chia 564 trường học thành 1.425 trường nhỏ, 206 cửa hàng thành 601 cửa hàng, 78 kho hàng thành 802 kho. Tổ chức chặt chẽ hệ thống phòng không “dân phòng” nhân dân, bao gồm: báo động máy bay, cứu thương, cứu sập, cứu hỏa, bảo đảm giao thông, bảo đảm trị an...; tăng cường các lực lượng bám trụ, cơ động súng máy phòng không. Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo đánh trả địch bằng đường không, các cấp ủy đảng, chính quyền đã chỉ đạo xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc chống biệt kích, tập kích, đánh phá bằng đường biển và chống chiến tranh mở rộng của đế quốc Mỹ. Với phong trào “Toàn dân đánh giặc”, quân và dân Thái Bình đã anh dũng đánh trả 1.064 trận tấn công bằng không quân, hải quân của giặc Mỹ; bắn rơi 44 máy bay các loại; bắn cháy 4 tàu chiến khi chúng đánh phá ven biển Tiền Hải; bắt sống 2 giặc lái, diệt 1 giặc lái.
Ghi nhận những đóng góp của Thái Bình trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng quân và dân trong tỉnh: - 6 Huân chương Quân công; - 185 Huân chương Chiến công; - 322 Huân chương Kháng chiến; - 207 Huân chương Lao động; - 46 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; - 12.896 gia đình quân nhân được tặng Bảng vàng danh dự; - Nhiều đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng nghìn bà mẹ được phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”... |
Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những người con quê hương Thái Bình đã anh dũng chiến đấu trên khắp các chiến trường, tự hào đã góp phần cùng nhân dân cả nước chiến đấu và chiến thắng, viết nên khúc khải hoàn đại thắng mùa xuân năm 1975, non sông nối liền một dải, “Bắc Nam sum họp một nhà”. 45 năm đã qua kể từ chiến thắng mùa xuân năm 1975, những người lính Cụ Hồ năm xưa khi trở về với đời thường vẫn nhớ và kể cho con cháu mình nghe quá khứ hào hùng của thế hệ cha ông. Và họ luôn sống trong những ký ức đẹp của một thời tuổi trẻ đánh giặc cứu nước để hôm nay tiếp tục giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thi đua xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp, đàng hoàng hơn như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư Giai đoạn 1954 - 1975, hưởng ứng phong trào “3 sẵn sàng”, “3 đảm đang”, tôi cùng các thành viên Đội thủy lợi Quang Trung đã hăng hái, bền bỉ ngày đêm đào, vác đất trên khắp các công trường sông Kiến Giang, sông Lân, đê sông Hồng, sông Trà Lý... Những năm tháng đó, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, tôi và các anh chị em trong Đội thủy lợi vượt qua mưa bom bão đạn, luôn động viên nhau thi đua lao động sản xuất, tạo ra lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam. Bản thân tôi với những cải tiến kỹ thuật giúp tăng năng suất lao động lên hơn 300% đã vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ. Đó là thời hào hùng của quân và dân Thái Bình đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, kiên quyết đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn.Bà Bùi Thị Nga, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình Tôi là thành viên Đại đội dân quân tự vệ tập trung pháo cao xạ 37mm thị xã Thái Bình thực hiện nhiệm vụ chủ động bắn máy bay Mỹ bảo vệ cầu Bo, các mục tiêu chính trị đầu não của tỉnh, của thị xã Thái Bình trên tuyến quốc lộ 10 và hiệp đồng chặt chẽ với các đại đội thuộc Tiểu đoàn 54 pháo 37mm của lực lượng chủ lực cùng lực lượng tầm thấp thực hiện tốt các phương án tác chiến. Ngày 19/8/1972, hai tốp máy bay F4H của Mỹ bay dọc theo sông Trà Lý, đến gần địa phận thị xã thì dàn hàng ngang và tách làm hai để tấn công vào khu vực cầu Bo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và ngã tư An Tập. Tôi cùng các chiến sĩ trong đơn vị đã bắn hạ thành công một chiếc máy bay F4H của địch, tạo nên chiến thắng lịch sử cho Đại đội dân quân tự vệ tập trung pháo cao xạ 37mm Thái Bình. Chiến tích bắn rơi máy bay Mỹ đã tạo động lực giúp nhiều cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hăng hái thi đua lao động sản xuất và chiến đấu, góp phần vào chiến thắng của dân tộc. |
(còn nữa)
Nhóm phóng viên
Tin cùng chuyên mục
- Tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả 05.11.2024 | 14:15 PM
- Chống lãng phí - Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm 30.10.2024 | 15:58 PM
- Triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác tuyên giáo 30.09.2024 | 17:56 PM
- Nhiều giải pháp sáng tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền đại hội Đảng các cấp 28.09.2024 | 18:29 PM
- Thành phố: Phổ biến Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị cho đội ngũ báo cáo viên 24.07.2024 | 16:49 PM
- Thành phố: Tổng giá trị sản xuất tăng 5,7% 09.07.2024 | 16:10 PM
- Khai giảng lớp thứ nhất bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV 09.07.2024 | 09:02 AM
- Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới 04.07.2024 | 08:58 AM
- Giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác định giá tài sản 02.07.2024 | 17:14 PM
- Đảng ủy Công an tỉnh: Tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng 06.06.2024 | 17:45 PM
Xem tin theo ngày
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương