Thứ 7, 23/11/2024, 20:18[GMT+7]

Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp

Thứ 4, 22/01/2020 | 15:24:51
3,518 lượt xem
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thời gian qua, Thái Bình tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được hướng dẫn tận tình.

Đột phá từ “5 tại chỗ”
Là người thường xuyên đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh làm các thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh cho công ty, anh Vũ Đình Đức, quản lý Trung tâm Thương mại Vincom Thái Bình rất vui mừng khi Trung tâm triển khai thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo phương án “5 tại chỗ”. Theo anh Đức, việc này đã góp phần rút ngắn từ 2 - 3 ngày cho một quy trình thủ tục và việc không trực tiếp vào phòng làm việc của chuyên viên các sở, ngành đã tránh được những phiền hà không đáng có cho người dân và doanh nghiệp. Anh Đức mong muốn tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục phát huy kết quả đạt được, lựa chọn cán bộ đủ năng lực chuyên môn, có tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục tại đây.

Cùng chung ý kiến với anh Đức, chị Phùng Thị Thu Hà, cán bộ Công ty Thiên Nam, tỉnh Nam Định cho biết: Tôi thường xuyên đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình để làm thủ tục chứng minh nguồn gốc hàng hóa cho Công ty. Tôi đánh giá rất cao việc giải quyết TTHC theo phương án “5 tại chỗ” mà Trung tâm đang triển khai. Điều này đã cho thấy quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Bình trong xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, vì nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ ngày 1/10/2019, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh triển khai giải quyết TTHC theo phương án “5 tại chỗ” đối với các thủ tục được thực hiện tại Trung tâm gồm: tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả đều được thực hiện ngay tại Trung tâm. Quá trình giải quyết các TTHC tại Trung tâm được bộ phận kiểm tra, giám sát gồm các cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh giám sát từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả bằng biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch, tránh những phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp. Theo đồng chí Hà Tiến Thăng, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh: Khi thực hiện giải quyết TTHC theo phương án “5 tại chỗ”, chúng tôi nhận được phản hồi rất tích cực từ người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp. Mọi người đều rất hài lòng, gần như không có bức xúc. Đối với cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm, tuy công việc có bận rộn hơn song ai cũng phấn khởi vì giúp người dân thuận tiện hơn khi đến giải quyết TTHC, từ đó củng cố thêm niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư.

Đến nay, việc giải quyết TTHC theo phương án “5 tại chỗ” cũng đã được thực hiện tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện từ ngày 1/11/2019. Số lượng TTHC đăng ký giải quyết theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện đều đạt trên 80%, cao hơn nhiều so với yêu cầu của Chính phủ (đối với cấp tỉnh là 60%, cấp huyện là 30%). Các TTHC đều được giải quyết nhanh chóng, nhiều thủ tục thời gian giải quyết rút ngắn hơn so với quy định nên nhận được sự hài lòng và đánh giá cao của người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Theo đồng chí Khổng Minh Đức, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ: Trong năm 2019, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, góp phần tổ chức thực hiện hiệu quả công tác CCHC. Tỉnh đã hoàn thành thiết lập thử nghiệm Cổng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện đã cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh 466 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên/1.598 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 (trong đó có 68 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4). Riêng Sở Thông tin và Truyền thông đã giải quyết trực tuyến mức độ 3 trở lên 100% thủ tục được giao thực hiện, trong đó có 4 thủ tục mức độ 4, không nhận hồ sơ giấy. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện triển khai kết nối liên thông Cổng dịch vụ công trực tuyến với hệ thống tiếp nhận và trả kết quả bưu chính công ích của VNPOST để sẵn sàng hỗ trợ tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên toàn tỉnh. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện sử dụng chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để thực hiện xác thực văn bản điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội qua mạng và kê khai thuế điện tử góp phần giảm chi phí trong hoạt động do trước đây phải mua và sử dụng 3 chứng thư số khác nhau. Trong năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được cấp hơn 800 chứng thư số cho cá nhân các bác sĩ để ký số bệnh án điện tử; 125 hiệu trưởng các trường học thuộc huyện Thái Thụy đã được cấp chứng thư số để thực hiện ký số văn bản điện tử nâng tổng số chứng thư số đã cấp tính đến nay là 4.075 chứng thư số, trong đó chứng thư số của tổ chức là 2.403; chứng thư số cho cá nhân là 1.672. Hiện nay, tỉnh đã hoàn thành việc kết nối liên thông văn bản ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã và kết nối liên thông với Chính phủ. Toàn tỉnh có 39/39 cơ quan hành chính nhà nước (cấp tỉnh, huyện) đã áp dụng và thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; có 8 xã hoàn thành xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động; 58 xã hoàn thành việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015.

Đồng chí Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ cho biết thêm: Cũng trong năm 2019, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện rà soát đơn giản hóa thành phần hồ sơ và cắt giảm ổn định 50% thời gian giải quyết các thủ tục so với quy định hiện hành của Nhà nước, tạo thuận lợi, giảm đáng kể thời gian và chi phí vật chất cho người dân và doanh nghiệp. Công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; luân chuyển vị trí công tác của cán bộ, công chức, nhất là các vị trí công việc thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp và người dân được chú trọng thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Nhờ vậy, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh những năm qua liên tục được cải thiện so với giai đoạn trước (tăng 6 bậc so với năm 2015); chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công liên tục nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có kết quả cao nhất cả nước.

Những đột phá CCHC trong thời gian qua không chỉ giúp Thái Bình thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 mà còn góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Anh Đào