Thứ 7, 23/11/2024, 16:13[GMT+7]

Năm cải tiến được mong chờ trên smartphone 2020

Thứ 6, 24/01/2020 | 10:39:47
1,352 lượt xem
Những nâng cấp về trợ lý ảo, công nghệ sinh trắc học như nhận diện vân tay, khuôn mặt... hứa hẹn giúp smartphone thực sự thông minh.

Công nghệ nhận diện đa vân tay. Ảnh: Isorg.

Sinh trắc học

Từ khi iPhone X ra đời, Apple dẫn đầu về công nghệ nhận diện khuôn mặt trên điện thoại. Tuy nhiên, nhận diện vân tay vẫn được yêu thích và được đánh giá an toàn hơn. Samsung và một số nhà sản xuất thiết bị Android đã đặt cảm biến vân tay dưới màn hình, giúp điện thoại không cần tốn diện tích cho cảm biến này.

Trong khi đó, Isorg, một startup Pháp khác, lại mang đến giải pháp biến toàn bộ màn hình smartphne thành bộ đọc vân tay. Thay vì dùng một cảm biến siêu âm như trên Galaxy S10, Isorg sử dụng cảm biến quang học, không chỉ hoạt động toàn màn hình mà còn có thể nhận diện nhiều vân tay cùng lúc. Công nghệ này có tính bảo mật cao vì việc người dùng cài đặt điện thoại nhận diện cùng lúc 2-3 vân tay sẽ khó bị qua mặt hơn chỉ một như hiện nay.

Phím vô hình

Sự phổ biến của 5G đòi hỏi điện thoại phải trang bị thêm nhiều ăng-ten. Tuy nhiên, chất liệu kim loại, thường được dùng làm vỏ máy, lại chặn sóng ăng-ten nên các hà sản xuất phải lựa chọn nhựa hoặc kính. Họ cũng dần loại bỏ các phím bấm vật lý để máy trông liền mạch hơn. Dù vậy, một số người cảm thấy bất tiện khi thiếu các nút bấm, thậm chí vẫn trung thành với những chiếc iPhone đời cũ chỉ vì chúng có nút Home.

WSJ cho rằng bên cạnh phím ảo, các nhà thiết kế cần nghĩ đến các phím bấm vật lý nhưng vô hình mà người dùng không nhìn thấy để không ảnh hưởng tới ngoại hình của máy, giống như giải pháp của một start-up có tên UltraSense Systems. Họ phát triển những chip siêu nhỏ, nằm bên dưới bề mặt điện thoại và sử dụng siêu âm để nhận diện ngón tay. Chip có thể đóng vai trò như phím điều khiển camera với các chức năng như chụp selfie khi bấm nhanh một lần, quay video khi bấm hai lần và mở thư viện ảnh bằng cách nhấn lâu hơn một chút. Chúng cũng có thể được trang bị quanh viền máy để người dùng điều khiển khi chơi game. 

Daniel Goehl, Giám đốc kinh doanh của UltraSense, cho biết các chip có thể được bổ sung phản hồi xúc giác, như rung, hay có tiếng click, mỗi khi tay người dùng chạm vào các nút để họ biết vị trí của chúng ở đâu. 

Ngụy trang thân máy

OnePlus đang nổi lên như là một thương hiệu Trung Quốc giá rẻ nhưng lại đầy sáng tạo, đổi mới. Tại CES, họ giới thiệu một điện thoại dạng concept giúp loại bỏ "quái vật ba mắt" trên điện thoại.

Các ống kính ẩn đi nhờ OnePlus sử dụng màng che. Ảnh: EnGadget. 

Trong khi smartphone ngày càng mỏng đi, số lượng camera phía sau lại nhiều lên, dày lên và to lên. OnePlus đã sử dụng tấm màng siêu mỏng che camera sau. Ở trạng thái bình thường, phần màng này sẽ đóng lại với chế độ bán trong suốt hoặc trong suốt hoàn toàn. Khi kích hoạt camera, các tấm màng cũng mở theo với tốc độ chỉ 0,7 giây. Người dùng cũng có thể mở màng lọc theo ba mức trong chế độ chụp Pro. 

Cảm giác điện tử

Điện thoại đã phản hồi lại một số tương tác của người dùng, chẳng hạn iPhone sẽ rung khi nó không nhận diện được khuôn mặt. Công ty Pháp Hap2U đã phát triển một nguyên mẫu điện thoại với màn hình xúc giác. Mục tiêu của họ là giúp người dùng lấy lại cảm giác "vật lý" mà họ từng có khi sử dụng bàn phím cứng. Thay vì rung toàn bộ điện thoại, thành phần điện tử dưới màn hình sẽ nhận diện sự tiếp xúc của ngón tay để phản hồi tại các vị trí cụ thể.

Phóng viên Katherine Bindley của WSJ cho biết, khi dùng thử bàn phím ảo nằm ở phần dưới màn hình của điện thoại Hap2Phone tại CES 2020, cô cảm thấy như đang chạm vào các phím bấm siêu mỏng. Hap2U chỉ xây dựng nguyên mẫu chứ không kinh doanh điện thoại. Họ dự định bán công nghệ này cho các nhà sản xuất để đưa vào smartphone thời gian tới.

Trợ lý ảo

Các trợ lý ảo như Siri, Alexa đã trở nên phổ biến, nhưng chúng chỉ hoạt động khi có kết nối Internet. Kể cả khi thực hiện một tác vụ đơn giản, như thiết lập thời gian, câu lệnh của người dùng cũng phải được gửi lên cloud để diễn giải.

Công ty sản xuất chip Syntiant đang phát triển một dòng chip mới, tách trí tuệ nhân tạo, cụ thể là học sâu (deep learning), khỏi đám mây. Nó không chỉ giúp tiết kiệm băng thông và thời lượng pin, mà còn cung cấp một lớp bảo vệ thiết bị. Người dùng muốn xây dựng một mối quan hệ với trợ lý ảo, chứ không cần xây dựng mối quan hệ với cả những người tại công ty sở hữu trợ lý ảo đó. "Dù tìm đường đi hay hỏi về thời tiết vẫn cần đến kết nối Internet để tra cứu thông tin, chẳng có lý do gì mọi thứ người dùng nói với trợ lý ảo trên điện thoại lại phải đưa hết lên cloud", Kurt Busch, CEO Syntiant, nói. Các trợ lý ảo vẫn được "đào tạo" trên cloud và nhận các bản cập nhật để cải thiện.

Theo vnexpress.net