Thứ 7, 23/11/2024, 12:39[GMT+7]

Để Tết không thành “thảm họa” với người bệnh đái tháo đường

Thứ 7, 25/01/2020 | 15:09:04
1,219 lượt xem
Trong một ngày, người bệnh đái tháo đường chỉ nên ăn 1-2 miếng mứt dừa, mứt bí, nhấm nháp vài hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ cười, uống khoảng nửa lon bia…

Người bệnh đái tháo đường cần chuẩn bị tinh thần và có kế hoạch ăn uống cho bản thân trước khi đón Tết.

Vào ngày giờ giấc sinh hoạt thay đổi, người bệnh đái tháo đường nên cố gắng đảm bảo ăn theo giờ nhất định, tránh bỏ bữa. Thời gian đến bữa ăn kéo dài có thể dẫn đến hạ đường huyết. Vì vậy, bệnh nhân cần lưu ý, có thể ăn tạm thứ gì đó như một quả quýt nhỏ, hay một chiếc bánh quy trong khi chờ đợi.

Bên cạnh đó cần lưu ý giữ chế độ ăn (số lượng thực phẩm) không bị thay đổi nhiều so với ngày thường, tránh ăn nhiều quá hoặc ăn ít quá. Các bữa ăn của người bệnh luôn cần đủ 4 nhóm thực phẩm: nhóm bột đường, nhóm đạm, nhóm béo, rau và hoa quả.

Theo TS. BS Nghiêm Nguyệt Thu, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một số món ăn truyền thống trong ngày Tết như xôi, bánh chưng có chứa nhiều chất bột đường. Người bệnh cần lưu ý chỉ ăn vừa đủ, giữ lượng chất bột đường ổn định trong các bữa ăn, không nên ăn nhiều. Nếu ăn 1 phần 8 chiếc bánh chưng, non nửa bát xôi thì lượng tinh bột tương đương với khi ăn 1 lưng bát cơm tẻ.

Các món ăn như măng, chả, giò xào, thịt đông có nhiều chất béo, nên ăn số lượng vừa phải.

Súp lơ, su hào trong bát canh bóng, miếng măng, dưa hành hoặc các loại nộm đều là những món ăn ngon chế biến từ rau. Rau có tác dụng giúp cho tinh bột trong bữa ăn hấp thu chậm hơn. Trong ngày Tết ăn các món giò, chả, thịt các loại, người bệnh nên tăng cường ăn nhiều rau.

Ngày Tết có nhiều loại hoa quả ngon, nhưng người bệnh nên ăn hạn chế theo lời khuyên của bác sĩ tư vấn, không nên uống nước ép hoa quả có đường.

Ngoài ra, mứt bí, mứt dừa, táo và các loại bánh, kẹo là những món đồ ăn của ngày Tết phổ biến song chúng có nhiều đường, sẽ làm đường máu tăng nhanh. Vì thế, người bệnh chỉ nên ăn 1-2 miếng/ngày.

Với các loại hạt như hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ cười…. chỉ nến nhấm nháp vui vẻ. Những món ăn này cung cấp chất béo, có nhiều năng lượng do vậy nên ăn số lượng ít, tránh thừa năng lượng.

Đặc biệt chú ý vấn đề rượu, bia ngày Tết. Trong một ngày, người mắc bệnh đái tháo đường có thể uống khoảng 200ml bia (nửa lon bia), hoặc 70ml rượu vang (1 ly rượu nhỏ). Nếu uống rượu nếp tự nấu hoặc rượu mạnh như Vodka 40 độ cồn thì chỉ có thể uống khoảng 1 chén con 30ml.

Lưu ý rằng đây là số lượng trong một ngày, cho nên nếu uống nhiều lần thì phải chia nhỏ số lượng. Chỉ uống rượu bia sau khi đã ăn được một lúc. Nếu uống rượu bia say có nguy cơ bị hạ đường huyết.

Đồng thời cũng cần tránh rơi vào trạng thái kém vận động, nên duy trì các hoạt động thể lực ở mức có thể đi bộ khi thăm hỏi, chúc Tết, hoặc tận dụng thời gian chú ý vận động. Ngược lại, đối với một số người, ngày Tết lại bị vận động nhiều quá như lễ chùa,… thì nên ăn đủ và có thể ăn nhiều hơn một chút. Bên cạnh đó, mang theo thức ăn phòng bị hạ đường máu như hoa quả, bánh kẹo, hoặc hộp sữa.

Theo vtv.vn