Chủ nhật, 10/11/2024, 05:35[GMT+7]

Tháng 1, CPI tăng cao nhất trong 7 năm gần đây

Thứ 4, 29/01/2020 | 16:39:35
1,313 lượt xem
Sáng 29/1, Tổng cục Thống kê cho biết, Tết Nguyên đán Canh Tý rơi vào tháng 1/2020 nên nhu cầu mua sắm, đi lại của người dân tăng cao.

Ảnh minh họa.

Điều này đã khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2020 tăng 1,23% so với tháng 12/2019 và tăng 6,43% so với tháng 1/2019. Đây là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây.

So với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đều tăng giá. Cụ thể là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất là 2,29%. Tiếp đến là nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,47%. Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,92%; giao thông tăng 0,69%. Đồ uống và thuốc lá tăng 0,65%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,25%... Riêng bưu chính viễn thông giảm 0,03%.

Tổng cục Thống kê cho hay, giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chủ yếu làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2020 cao; trong đó, nhóm thực phẩm tăng cao nhất ở mức 2,6%.

Bên cạnh đó, giá thực phẩm tăng làm cho nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng  2,26% so với tháng trước. Nhu cầu đi lại và bảo dưỡng phương tiện cuối năm tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng và bảo dưỡng phương tiện lần lượt tăng 1,78% và 0,42%.

Cùng với đó, vào tháng cuối năm nhu cầu sửa chữa nhà cửa cũng tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,64%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,71%.

Giá xăng, dầu điều chỉnh tăng ngày 31/12/2019 và giảm vào ngày 16/1/2020, bình quân tháng 1/2020 giá xăng dầu tăng 1,29% so với tháng trước.

Giá gas thế giới tháng 1/2020 tăng từ mức 447,5 USD/tấn lên mức 577,5 USD/tấn tăng 130 USD/tấn, theo đó, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 48.000 đồng/bình 12kg, tăng 14,08% so với tháng 12/2019.

Tuy nhiên, bên cạnh các nguyên nhân làm CPI tăng, còn có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 1/2020 như: thời tiết ở các tỉnh phía Bắc chuyển lạnh nên nhu cầu tiêu dùng điện giảm làm cho giá điện sinh hoạt giảm 0,38%.

Một số mặt hàng điện tử giảm giá do các doanh nghiệp giảm giá để kích thích tiêu dùng nhằm thu hồi vốn trong những ngày giáp Tết như: giá ti vi giảm 0,28%; đầu DVD giảm 0,37%; máy giặt giảm 0,29%; điện thoại di động giảm 0,17%.

Bên cạnh đó, một số loại rau tươi đang vào vụ thu hoạch rộ, nguồn cung dồi dào nên giá giảm như: bắp cải giảm 7,32%, su hào giảm 7,53%; cà chua giảm 8,54%, khoai tây giảm 4,01%, đỗ quả giảm 5,11%...

Cũng trong tháng 1, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, bình quân đến ngày 22/01/2020 giá vàng thế giới ở mức 1.553,69 USD/ounce tăng 5,1% so với tháng trước. Giá vàng thế giới tăng do một số yếu tố như đàm phán Mỹ - Triều Tiên về hạt nhân, Anh rời khối Liên minh châu Âu vào tháng tới, căng thẳng giữa Mỹ và Iran... Do đó, nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao làm cho giá vàng tăng. Bình quân tháng 1/2020, giá vàng trong nước tăng 4,37% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 4,32 triệu đồng/chỉ.

Trong tháng 1, đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm nhẹ do ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Iran. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng được nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, nên tỷ giá giữa VND và USD tháng 1/2020 khá ổn định, giá USD bình quân ở thị trường tự do tháng 1/2020 ở quanh mức 23.222 VND/USD.

Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 1/2020 tăng 0,76% so với tháng trước, tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 1/2020, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động lạm phát chung chủ yếu do các yếu tố phi tiền tệ như: giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu, giá một số dịch vụ tăng do nhu cầu cuối năm tăng.

Cung cầu giá cả trong kiểm soát

Cùng ngày 29/1, Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, tình hình cung cầu giá cả thị trường trước và trong Tết nguyên đán Canh Tý cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản công tác điều hành giá trong dịp trước Tết do Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước về giá đề ra.

Theo Cục quản lý giá, tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt tươi, đồ phục vụ cúng lễ chỉ tăng theo quy luật vào các ngày cận Tết, một vài ngày đầu năm mới và đã dần trở lại bình thường vào ngày 5, 6 Tết. Tại các Siêu thị, trung tâm thương mại, mức giá cơ bản được giữ ổn định; đối với cửa hàng trực thuộc của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường, doanh số bán ra tăng cao so bình thường. Một số dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống có mức tăng nhẹ vào các ngày đầu năm.

Theo báo cáo của các địa phương, nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán về cơ bản đủ cung cấp cho thị trường, chủ yếu đến từ hệ thống chăn nuôi nhỏ và các công ty chăn nuôi lớn. Do đó, không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và tăng giá đột biến như những tháng trước Tết.

Bên cạnh đó, một số địa phương xác định các nhóm hàng thực phẩm được người dân ưu tiên sử dụng thay thế cho thịt lợn như: thịt gia cầm; thịt trâu, bò, ngựa; thủy hải sản tươi sống, đông lạnh... tương đối dồi dào. Bởi, hoạt động chăn nuôi các mặt hàng này đang tăng trưởng tốt có giá bán tương đối hợp lý, phù hợp với khả năng thu nhập, chi trả của đại đa số người dân góp phần ổn định giá thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán.

Về cơ bản, giá cước vận chuyển hành khách bằng ôtô ổn định trong dịp Tết, nhiều bến xe lượng khách vắng hơn mọi năm do thời gian nghỉ trước Tết dài nên người dân dễ dàng chủ động việc đi lại hơn, cũng như các nhà xe đã chủ động tăng chuyến vào các thời điểm cao điểm trước Tết để đảm bảo đủ nhu cầu đi lại của người dân.

Tại một số tỉnh vào giai đoạn cao điểm Tết, một số tuyến có mức phụ thu từ 20-60% tùy từng tuyến và từng thời điểm để để tăng cường chuyến và bù đắp chi phí phương tiện chạy rỗng một chiều. Các doanh nghiệp vận tải cơ bản tuân thủ các quy định về niêm yết giá và bán đúng giá vận chuyển hành khách đã đăng ký, kê khai. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tăng giá vé chui, tăng giá bất hợp lý trong các ngày Tết.

Theo Cục quản lý giá Bộ Tài chính, sau Tết là thời điểm của Lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm có khả năng sẽ có xu hướng tăng.

Để tiếp tục bình ổn thị trường tháng sau Tết và quý I/2020, Cục quản lý giá cho biết, tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp. Đồng thời, thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả thị trường sau Tết nhất là đối với mặt hàng thịt lợn, dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, tết; thực hiện chế độ báo cáo giá thị trường sau Tết theo quy định.

Đặc biệt, không thực hiện điều chỉnh giá trong quý 1/2020 đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá; trường hợp điều chỉnh phải có phương án giá cụ thể, tính toán mức độ tác động vào CPI, trên cơ sở đó báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt thận trọng.

Theo baochinhphu.vn