Chủ nhật, 24/11/2024, 01:42[GMT+7]

Hơn 20 đội cơ động, phản ứng nhanh của ngành Y tế sẵn sàng khi có dịch

Thứ 6, 07/02/2020 | 15:03:48
1,411 lượt xem
Phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện trong việc thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra khi có yêu cầu là nhiệm vụ của các đội cơ động, phản ứng nhanh; Sở Y tế đã quyết định thành lập đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại các đơn vị y tế. Các đội đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Khu vực cách ly tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đã có hơn 20 đội cơ động phản ứng nhanh được thành lập trong toàn ngành. Ngoài đội thường trực chống dịch do đồng chí Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế làm đội trưởng, 3 phó giám đốc làm đội phó với các tổ như: tổ chuyên môn; tổ thông tin, tổng hợp báo cáo và tổ hậu cần, các bệnh viện cũng thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch. Mỗi bệnh viện từ huyện đến tỉnh có từ 1 – 3 đội, các đội thực hiện nhiệm vụ rộng hơn không chỉ ở đơn vị mà sẽ sẵn sàng chi viện cho các tuyến.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 3 đội phản ứng nhanh đã được thành lập. Bác sĩ Nguyễn Trung Tuyến, Trưởng khoa Truyền nhiễm, đội phó đội phản ứng nhanh số 1 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, bệnh viện cũng đã thành lập 3 đội phản ứng nhanh. Nhiệm vụ của các đội là nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhân, chăm sóc, điều trị trong điều kiện hoàn toàn cách ly đồng thời trực tiếp xuống tuyến dưới hỗ trợ chuyên môn. Thành viên tham gia đội ngoài bác sĩ, nhân viên khoa truyền nhiễm còn có các bác sĩ ở nhiều khoa khác như tim mạch, hồi sức cấp cứu... Đến thời điểm này, các thành viên của đội phản ứng nhanh đều đã sẵn sàng vào cuộc tham gia phòng, chống dịch.

Ở các huyện, thành phố và các bệnh viện đa khoa ngoài công lập, bệnh viện Trường Đại học Y Dược Thái Bình, mỗi bệnh viện cũng đã thành lập một đội cơ động phản ứng nhanh. Theo đó, mỗi đội sẽ có khoảng 5 người gồm: lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ hồi sức cấp cứu, bác sĩ truyền nhiễm, điều dưỡng cấp cứu hoặc truyền nhiễm và 1 lái xe. Các đội trang bị 1 xe ô tô cứu thương hoặc có thể huy động các trung tâm vận chuyển cấp cứu trên địa bàn tỉnh. Trên xe cứu thương có các phương tiện hồi sức cấp cứu và phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử, diệt khuẩn...

Bác sĩ Phạm Tín Trung, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư chia sẻ: Để phòng chống dịch, Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch đồng thời ra quyết định thành lập tổ cấp cứu lưu động, phản ứng nhanh với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Tùy theo tình huống dịch, tổ cấp cứu lưu động phản ứng nhanh với dịch bệnh sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình. Cụ thể, đội phòng chống dịch thường trực và các tổ cơ động, phản ứng nhanh sẵn sàng triển khai hoạt động khi phát hiện bệnh nhân mắc viêm đường hô hấp do nCoV gây ra hoặc được phát hiện tại địa phương khác nhưng chưa phát hiện bệnh nhân trên địa bàn huyện. Trong tình huống phát hiện bệnh nhân trên địa bàn huyện nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ, các tổ cơ động, phản ứng nhanh sẽ xuống hỗ trợ các địa phương xử lý.

Hiện nay, số lượng người mắc và tử vong do nCoV gây ra đang tăng mỗi ngày tại Trung Quốc và có nguy cơ lây lan sang Việt Nam. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, sự triển khai đồng bộ của ngành Y tế trong đó có sự chủ động, tích cực của các đội phản ứng nhanh các đơn vị y tế, Thái Bình quyết tâm phát hiện sớm, khoanh vùng, bao vây xử lý dịch kịp thời, hạn chế ảnh hưởng xấu nhất do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Cùng với các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương, mỗi người dân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, thực hiện theo tinh thần Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Hoàng Lanh