Thứ 4, 13/11/2024, 06:59[GMT+7]

Sẵn sàng ứng phó với tình huống mới của dịch Covid-19

Thứ 3, 18/02/2020 | 16:30:03
2,497 lượt xem
Tính đến ngày 17/2, Thái Bình chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19. 18/18 trường hợp nghi nhiễm đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Dù vậy, công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn được thực hiện chặt chẽ với tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống mới của dịch.

Bệnh nhân được cách ly theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Nhi.

Chủ động phòng dịch

Hiện nay, việc quản lý nguồn lây được coi là giải pháp hàng đầu trong việc phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Điều này đã được Ban Chỉ đạo tỉnh phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra khẳng định tại cuộc họp thống nhất một số nội dung về công tác phòng, chống dịch. Bởi vậy, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu ngành Y tế phải tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương nắm chắc số người nước ngoài trở về từ vùng có dịch, chủ động lập hồ sơ, phân loại để quản lý, theo dõi, cách ly y tế và phải có giải pháp kiểm soát người Việt Nam từ vùng có dịch về Thái Bình, coi các trường hợp trong và ngoài nước đi về từ vùng có dịch như nhau và có kịch bản cho từng trường hợp cụ thể. 

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, ngành Y tế đã phối hợp với các ngành: Công an, Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, rà soát đồng thời giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo dõi chặt những người trở về từ vùng dịch. Những đối tượng đi về từ vùng dịch có biểu hiện ho, sốt... được cách ly tại các bệnh viện, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Trường hợp lao động là người nước ngoài đi về từ vùng dịch được cách ly theo dõi tại doanh nghiệp. Những trường hợp đi từ vùng có dịch về thăm thân, chưa có các biểu hiện ho, sốt... địa phương theo dõi, quản lý, cách ly tại gia đình.

Song song với việc kiểm soát nguồn lây, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Đường dây nóng của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện và các bệnh viện đã được thiết lập. Nhờ đó, nhiều người dân đã được hướng dẫn cách phòng, chống dịch đồng thời cung cấp thông tin về những trường hợp nghi nhiễm tại khu dân cư nơi mình sinh sống cho ngành Y tế. Các ngành: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện việc cấp khẩu trang miễn phí cho học sinh phổ thông, giáo viên, sinh viên, người bệnh và bán giá hỗ trợ là 2.000 đồng/chiếc (giá ban đầu là 7.000 đồng/chiếc) cho người chăm sóc người bệnh, du khách tại các di tích.

Tại các địa phương, việc phun khử trùng bằng Cloramin B tại các nơi đông người như: chợ, trường học, trạm y tế xã, UBND xã đã được thực hiện. Nhiều đoàn thể, đơn vị và các tổ chức cá nhân còn phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Hệ thống đài phát thanh cơ sở tăng cường thời lượng tuyên truyền để người dân có thể nắm bắt thông tin về dịch bệnh ở nhiều khung giờ.

Các doanh nghiệp ở huyện Thái Thụy tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Sẵn sàng khi có dịch xảy ra

Theo nhận định của ngành Y tế, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Số ca nhiễm và người tử vong vì dịch bệnh tăng nhanh mỗi ngày và chưa biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc. Tính đến ngày 17/2, Việt Nam đã có 16 trường hợp mắc Covid-19. Tại Thái Bình dù chưa có người mắc Covid-19 nhưng nguy cơ lây nhiễm luôn tiềm ẩn bởi số lượng người nước ngoài, người đi làm từ vùng dịch trở lại sau tết trên địa bàn tỉnh đông với hàng trăm người. Vì thế, các giải pháp phòng, chống dịch tiếp tục được triển khai ở mức độ cao hơn so với tình hình thực tế. Hiện nay, việc phòng, chống dịch đang được thực hiện ở tình huống 2 song có thể sẽ nâng lên ở tình huống 3 nếu có dịch xảy ra trên địa bàn. 

Ngành Y tế đã thống nhất các giải pháp phòng, chống dịch cũng như việc tổ chức diễn tập cấp tỉnh khi có dịch Covia-19 xảy ra… để tham mưu cho tỉnh. Các bệnh viện ngoài tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19 cho cán bộ, y, bác sĩ sẽ thực hiện diễn tập từ việc tiếp nhận bệnh nhân đến cách ly, điều trị... Cùng với đó, 24 đội thường trực với 300 cán bộ, y, bác sĩ thuộc các đội cơ động, phản ứng nhanh sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch, thực hiện hỗ trợ các địa phương, đơn vị khi có dịch xảy ra. Chuẩn bị cơ sở vật chất thu dung, điều trị cho người bệnh, cùng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Khu khám điều trị chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa, Trường Quân sự tỉnh với quy mô khoảng 220 giường bệnh cũng đã được huy động, thực hiện cách ly người có nguy cơ nhiễm trở về từ vùng dịch.

Cùng với đó, việc quản lý nguồn lây từ những người đi về từ vùng dịch vẫn đang được quản lý, cách ly theo dõi chặt chẽ tại các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú và tại các gia đình. Ban chỉ đạo các huyện, thành phố vẫn đang phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan vào cuộc tích cực, thường xuyên rà soát, kiểm tra các trường hợp trở về từ vùng dịch, có nguy cơ lây nhiễm. Những trường hợp từ vùng dịch về có biểu hiện ho, sốt... sẽ được cách ly, theo dõi trong thời gian 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Sau 14 ngày nếu không có dấu hiệu của dịch bệnh sẽ được kiểm tra lại sức khỏe để có thể trở lại làm việc bình thường. Công tác kiểm tra, giám sát vẫn đang được các cấp, ngành, địa phương thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời chỉ ra những hạn chế, lơ là trong phòng, chống dịch để có phương án giải quyết cũng như chấn chỉnh kịp thời.

Các biện pháp pháp phòng, chống dịch đã được đưa ra; kịch bản phòng chống dịch cho từng tình huống được xây dựng; tinh thần "chống dịch như chống giặc" đã được thực hiện từ tỉnh tới cơ sở song để có thể đẩy lùi dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng cần có vai trò không nhỏ của mỗi người dân. Thông qua việc đeo khẩu trang khi ra ngoài, đến nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; rèn luyện thể dục, thể thao; không vứt khẩu trang, xả rác bừa bãi; không đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh... là người dân đã chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19.


Hoàng Lanh