Thứ 4, 13/11/2024, 06:48[GMT+7]

Smartphone tầm trung tiến bộ nhanh hơn hàng cao cấp

Thứ 6, 28/02/2020 | 15:34:41
1,157 lượt xem
Khoảng cách giữa smartphone trung cấp và cao cấp ngày càng bị thu hẹp khi công nghệ mới liên tục xuất hiện trên dòng sản phẩm tầm trung.

Nhờ vi xử lý cải tiến, smartphone tầm trung có hiệu năng không thua kém flagship ra từ vài năm trước. Ảnh: Cnet.

Smartphone tầm trung hiện là sự lựa chọn phổ biến của người dùng phổ thông. Ngoài mức giá dễ tiếp cận, smartphone trung cấp còn có những bước nhảy vọt về công nghệ, thậm chí đổi mới nhiều hơn cả sản phẩm cao cấp hơn 18 tháng qua. Trong danh sách 10 mẫu smartphone bán chạy nhất năm 2019 của Omdia, một nửa thuộc về phân khúc tầm trung và bình dân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thành công của smartphone tầm trung, một phần do ngành công nghiệp đã tiệm cận giới hạn. Trong giai đoạn công nghệ mới chưa hoàn thiện và giá "flagship" ngày một leo thang, smartphone tầm trung sở hữu các tính năng cao cấp đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết, đặc biệt khi xét trên ba khía cạnh quan trọng gồm thời lượng pin, chất lượng camera và hiệu năng thiết bị.

Theo Android Authority, các đại diện tiêu biểu của phân khúc trung cấp trong năm 2019 là Pixel 3a, OnePlus 7T, Asus ZenFone 6 (2019), Realme X2 Pro và các thành viên của "gia đình" Motorola One.

Vi xử lý tầm trung mở đường cho những thay đổi lớn

Vi xử lý là một trong những yếu tố tạo nên sự thay đổi rõ rệt ở phân khúc smartphone tầm trung. Hiện tại, Qualcomm, Samsung và MediaTek ưu tiên dùng lõi CPU ARM Cortex A76 hay A77 hiệu năng cao và hạn chế bớt lõi CPU Cortex A53 hay A55 công suất thấp trên dòng chip tầm trung. Trong đó, lõi Cortex A76 và A77 cũng xuất hiện trên vi xử lý hàng đầu.

Bên cạnh đó, dòng chip tầm trung được cải thiện về khả năng xử lý đồ họa để hỗ trợ nhu cầu giải trí di động tốt hơn. Năm ngoái, Qualcomm đã giới thiệu thế hệ chip chơi game chuyên dụng như Snapdragon 730G và 765G, tương thích với nền tảng Snapdragon Elite Gaming độc quyền.

Thực tế, chip tầm trung hiện nay có thể đạt hiệu năng ngang ngửa dòng vi xử lý cao cấp từ vài năm trước. Ví dụ, Snadragon 765G đạt điểm benchmark AnTuTu cao hơn cả Snapdragon 845 ra năm 2018.

Hơn nữa, dòng chip tầm trung đã mở đường cho các tính năng cao cấp xuất hiện trên smartphone tầm trung như hỗ trợ nhiều camera độ phân giải cao, màn hình sắc nét, quay video 4K. Đi kèm là công nghệ kết nối Wi-Fi, Bluetooth mới nhất và tương thích mạng LTE.

Trong năm 2020, vi xử lý của smartphone tầm trung còn tích hợp modem 5G. Cả Snapdragon 765G, Exynos 980 và Deminsity 800 đều có hiệu năng ấn tượng và thiết kế dành riêng cho smartphone 5G giá phải chăng. Nói cách khác, smartphone trung cấp không còn bị kìm hãm bởi hạn chế về công nghệ.

Khả năng chụp ảnh tuyệt vời

Tương tự hiệu năng, các nhà sản xuất chú trọng nâng cấp chất lượng camera trên sản phẩm tầm trung. Google Pixel 3a là ví dụ điển hình cho smartphone trung cấp có khả năng chụp ảnh tuyệt vời. Về cơ bản, chất lượng ảnh chụp bằng Pixel 3a tương đương Pixel 3 nhờ dùng chung cảm biến Sony 12,2 megapixel khẩu f/1.8, và không quá kém Pixel 4. Thứ duy nhất phải đánh đổi là thời gian chờ thuật toán xử lý lâu hơn, nhưng chi phí mà người dùng phải bỏ ra chỉ bằng một nửa.

Tất nhiên, flagship luôn có ưu điểm về chất lượng camera, nhưng sự chênh lệch ngày càng được smartphone trung cấp thu hẹp, đến mức người dùng phải phóng từng điểm ảnh để tìm ra sự khác biệt. Một phần bởi công nghệ nhiếp ảnh di động phát triển, ống kính tele và góc rộng trở nên phổ biến trên các sản phẩm tầm trung.

iPhone 11 Pro Max, Realme X2 Pro và Xiaomi Mi Note 10. Ảnh: Soyacincau. 

Pixel 3a cũng không phải là smartphone duy nhất chụp ảnh đẹp và không quá đắt. Sự gia tăng về số lượng cảm biến độ phân giải cao giúp cải thiện đáng kể khả năng chụp ảnh trên smartphone trung cấp, kể cả ở điều kiện lý tưởng hay thiếu sáng. Ví dụ, Xiaomi Mi Note 10 giá 610 USD là smartphone đầu tiên trên thế giới trang bị cảm biến 108 megapixel. Với cụm 5 camera, Mi Note 10 có thể ghi lại những bức ảnh chi tiết hơn Google Pixel 4 vào ban đêm.

Ngoài ra, có thể kể đến Realme X2 Pro với camera 64 megapixel, OnePlus 7T với camera 48 megapixel, Xiaomi Mi 9T với camera 48 megapixel. Android Authority đánh giá, tất cả smartphone tầm trung này đều đáp ứng tiêu chí về mức độ chi tiết, khả năng tái tạo màu sắc và chụp đêm. Việc kết hợp công nghệ ghép điểm ảnh (pixel binning) giúp chúng trở thành những mẫu smartphone chụp ảnh đẹp nhất trong tầm giá dưới 1.000 USD.

Sự lựa chọn đa dạng và vừa túi tiền

Bước vào năm 2020, smartphone giá "mềm" với thiết kế đẹp, hiệu năng ổn và camera đủ dùng không còn quá xa lạ. Quan trọng là xu hướng này không chỉ dừng lại ở phân khúc tầm trung.

Đã qua rồi thời kỳ thiết bị rẻ hơn bị bỏ rơi hoặc cập nhật phần mềm chậm, kể từ khi hàng loạt smartphone trung cấp xuất xưởng cùng Android 9 Pie vào đầu năm 2019 (một số vẫn nằm trong danh sách nâng cấp Android 10).

Nhiều nhà sản xuất đã lên kế hoạch ra mắt smartphone tầm trung kèm phiên bản Android mới nhất năm nay. Trong đó, các sản phẩm của Motorola và Nokia, hai công ty trung thành với Android gốc, sẽ phù hợp với người không thích biến thể Android bị bên thứ ba chỉnh sửa.

Các mẫu smartphone tầm trung cũng sở hữu thiết kế bắt mắt. Ảnh: Pocket. 

Smartphone tầm trung cũng đang bắt kịp xu hướng công nghệ mới rất nhanh. Ví dụ, màn hình 120 Hz đã có sẵn trên OnePlus 7T, Realme X2 Pro và Oppo Reno 3 Pro, trước khi Samsung công bố bộ ba Galaxy S20. Ngoài chất lượng gia công tốt, smartphone tầm trung cũng có thiết kế đẹp với mặt lưng màu "gradient" bắt mắt.

Nếu người dùng dư dả về tài chính và muốn trải nghiệm tính năng mới, flagship với bộ thông số kỹ thuật "khủng" dĩ nhiên là sự lựa chọn hàng đầu. Nhưng thiết bị tầm trung hiện có đủ khả năng đảm bảo nhu cầu cơ bản như lướt web, dùng ứng dụng yêu thích, thi thoảng chụp ảnh... không thua kém smartphone giá trên 1.000 USD.

Trải nghiệm người dùng được cho là điểm mấu chốt để đánh giá bất kỳ sản phẩm công nghệ nào. Với sự tiến bộ không ngừng, khoảng cách về trải nghiệm trên smartphone cao cấp và trung cấp ngày càng khó nhận ra theo thời gian.

Theo vnexpress.net