Chủ nhật, 10/11/2024, 05:35[GMT+7]

Bắt buộc lắp camera hành trình xóa nạn “xe dù, bến cóc”

Thứ 4, 04/03/2020 | 16:12:23
1,649 lượt xem
Quy định yêu cầu ô tô kinh doanh vận tải phải lắp camera có hiệu lực sẽ giảm bớt nạn xe dù bến cóc và quản lý doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có thông cáo báo chí về Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô thay thế Nghị định số 86/2014.

Theo đó, từ 1/4, các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ có thêm sân chơi bình đẳng về hình thức kinh doanh, các quy định quản lý cũng như điều kiện mở để phát triển dịch vụ…Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định số 10 là nhiều biện pháp nhằm xóa nạn “xe dù, bến cóc”

Cụ thể, Nghị định mới đưa ra quy định trước ngày 1/7/2021, xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh từ camera sẽ được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Theo Bộ GTVT, việc lắp đặt camera theo dõi, giám sát, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm quy định pháp luật của người lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông (ngủ gật hoặc mất tập trung khi lái xe, sử dụng điện thoại khi lái xe, chở quá số người quy định, có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách, lái xe quá thời gian quy định, các tình huống bất thường khác…) giúp đơn vị kinh doanh vận tải kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, ngăn ngừa lái xe vi phạm.

Quy định này cũng sẽ giúp cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm của người lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ của hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự trong lĩnh vực vận tải ôtô.

Trên cơ sở các thông tin của hợp đồng vận chuyển, kết hợp với thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, hệ thống sẽ xác định các trường hợp xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để kịp thời xử lý theo các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến hành khách, người thuê vận tải và gửi thông tin hóa đơn điện tử về cơ quan Thuế để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Theo vtv.vn