Thứ 3, 19/11/2024, 21:25[GMT+7]

1/3 số ca mắc Covid-19 không có biểu hiện bệnh lý rõ rệt

Thứ 2, 23/03/2020 | 15:21:34
538 lượt xem
Số người mắc Covid-19 nhưng không có biểu hiện bệnh lý hoặc chỉ có một thời gian sau đó có thể chiếm tới 1/3 tổng số ca mắc dịch bệnh này.

Ảnh minh họa: AP

Theo tờ South China Morning Post, đây là con số mà các nhà khoa học Trung Quốc đưa ra dựa trên dữ liệu do Chính phủ nước này cung cấp liên quan đến các bệnh nhân mắc Covid-19.

Cụ thể, tính đến hết tháng 2, tại Trung Quốc có tới hơn 43.000 người được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng không hề có biểu hiện bệnh lý rõ rệt. Những người này vẫn được cách ly và theo dõi nhưng không được đưa vào số liệu chính thức về số ca mắc Covid-19 vào thời điểm đó.

Cách tính khác nhau, con số vẫn tương đồng

Cũng theo South China Morning Post, thông tin này sẽ khiến cho nhiều quốc gia phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng hơn nữa trong việc phòng, chống Covid-19 trong bối cảnh trên toàn thế giới đã có hơn 280.000 mắc bệnh và hơn 13.000 người thiệt mạng.

Điều này là bởi, thông thường, những người mắc Covid-19 sẽ bắt đầu có những biểu hiện bệnh lý trong vòng 5 ngày dù thời gian ủ bệnh có thể kéo dài tới 3 tuần trong một số trường hợp hiếm gặp. Việc những người mắc Covid-19 nhưng không có biểu hiện bệnh lý rõ rệt sẽ khiến họ đối mặt với nguy cơ không được điều trị hoặc chỉ được điều trị khi bệnh đã nặng.

Hơn thế nữa, mỗi quốc gia lại có cách tính số người mắc Covid-19 khác nhau. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi tất cả những người xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 là mắc Covid-19 và hầu hết các quốc gia tuân theo chỉ dẫn này.

Trong khi đó, mãi tới ngày 7/2, Trung Quốc mới thay đổi cách tính của mình theo WHO. Trước đó, chỉ những người vừa xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vừa có biểu hiện bệnh lý rõ rệt mới được Trung Quốc chính thức ghi nhận mắc Covid-19.

Sự khác biệt về cách tính số ca mắc Covid-19 ở các quốc gia còn thể hiện ở chỗ, trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác tiến hành xét nghiệm bất kỳ người nào có tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 dù họ có biểu hiện bệnh lý hay không thì các nước châu Âu và Mỹ chỉ tiến hành xét nghiệm đối với những người đã có biểu hiện bệnh lý rõ rệt.

Điều này dẫn tới một thực tế là số lượng các ca mắc Covid-19 tăng lên chóng mặt tại Mỹ và châu Âu và phần lớn trong số này không có biểu hiện bệnh lý rõ ràng, điều này đi ngược lại với tuyên bố trước đó của WHO rằng những trường hợp lây bệnh từ những người mắc Covid-19 nhưng không có biểu hiện rõ ràng là “cực kỳ hiếm”. Bản thân WHO sau đó cũng đã phải thay đổi tuyên bố của mình sau khi cử nhóm chuyên gia quốc tế sang Trung Quốc theo dõi tình hình dịch bệnh.

 1/3 so ca mac covid-19 khong co bieu hien benh ly ro ret hinh 2
Nhà dịch tễ học người Nhật Bản Hiroshi Nishiura. Ảnh: SCMP


Hiểu rõ nguy cơ từ vấn đề này, một nhóm các chuyên gia Nhật Bản, do nhà dịch tễ học Hiroshi Nishiura tại Đại học Hokkaido đứng đầu, đã viết trong một bức thư gửi Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Quốc tế hồi tháng 2 như sau: “Số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục tăng cao và khoảng cách giữa các số liệu do Trung Quốc công bố và những số liệu thống kê bên ngoài Trung Quốc cho thấy nhiều trường hợp ở bên ngoài Trung Quốc vẫn chưa được xét nghiệm virus SARS-CoV-2”.

Dựa trên các nghiên cứu của mình, nhóm của ông Nishiura ước tính, tỷ lệ người Nhật Bản được đưa về từ Vũ Hán mắc Covid-19 mà không có biểu hiện bệnh lý cụ thể có thể lên đến 30,8% - con số gần như tương đồng với những gì Chính phủ Trung Quốc công bố. Giới chức Hàn Quốc sau khi tiến hành xét nghiệm 300.000 trường hợp cũng đưa ra con số tương tự. Tuy nhiên, đáng ngại hơn, có tới 20% trường hợp vẫn không có biểu hiện bệnh lý ngay cả khi đã xuất viện.

Tại Italy, số trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng không có biểu hiện bệnh lý lên tới 44% tổng số trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số này cao hơn tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản một phần là bởi giới chức Italy chỉ xét nghiệm cho những người đã có triệu chứng rõ rệt nên số bị bỏ lọt vì thế cũng tăng cao.

Theo vov.vn