Chủ nhật, 10/11/2024, 09:33[GMT+7]

Góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Thứ 2, 09/11/2020 | 08:30:37
1,359 lượt xem

Ông Lại Quang Dũng, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội Chi nhánh Thái Bình

Qua nghiên cứu, tôi đánh giá cao và hoàn toàn nhất trí với nội dung dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Các dự thảo đã đánh giá khái quát tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là đã chỉ ra 5 nhóm kết quả nổi bật của ngành Ngân hàng đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời, phản ánh một cách đầy đủ những đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng trong việc thực hiện các đột phá phát triển của đất nước, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên để bảo đảm cho ngành Ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng tiếp tục hoạt động an toàn, ổn định, theo tôi cần chú trọng hơn nữa việc thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác; chủ động xây dựng các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm làm cơ sở để các tổ chức tín dụng cho vay vốn; tăng cường sự phối hợp và trao đổi thông tin giữa các ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ngân hàng trên địa bàn.

Bà Trần Thị Nẩy, Trưởng thôn An Cơ Bắc, xã Thanh Tân (Kiến Xương)

Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, bố cục chặt chẽ, nội dung sát, đúng. Các đánh giá tổng quát đã làm nổi bật nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua những khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được những thành tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa. Tôi đặc biệt quan tâm đến dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và hoàn toàn đồng tình với 10 nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong dự thảo Báo cáo. Đây là giai đoạn quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới. Các mục tiêu tổng quát trong giai đoạn tới cơ bản bảo đảm tính bao quát và có khả thi cao. Tuy nhiên, trong các mục tiêu về môi trường, dự thảo Báo cáo cần bổ sung thêm khu vực nông thôn phải thu gom và xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Bà Tạ Thị Hạnh, khu 8, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy)

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) trình Đại hội XIII của Đảng, tôi đánh giá rất cao những thành tựu đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ qua. Mặc dù năm cuối nhiệm kỳ bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 vẫn đạt khoảng 5,9%/năm. Đặc biệt, nhiệm kỳ qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ven biển. Trong đó, với riêng tỉnh ta đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường bộ ven biển. Trong định hướng phát triển kinh tế 5 năm 2021 - 2025, tôi mong Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục quan tâm, dành nhiều nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng ven biển, nhất là đầu tư cho các dự án nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó tạo động lực, bước ngoặt đưa kinh tế của các địa phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đồng thời giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa