Mở hướng làm giàu cho nông dân
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được Thái Bình xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới. Với chủ trương này, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức thực hiện có hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng, ổn định sản xuất cho người dân. Đã có nhiều mô hình chuyển đổi thành công, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao và là địa chỉ để nông dân toàn tỉnh học tập, mạnh dạn chuyển đổi.
Hình thành vùng sản xuất tập trung
Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn đã được nông dân nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện từ nhiều năm gần đây. HTX nông nghiệp với vai trò điều hành, chỉ đạo sản xuất và là đầu mối liên kết, bao tiêu sản phẩm đã cùng nông dân chủ động chuyển sang trồng rau màu các loại, hình thành vùng chuyên canh tập trung như ở xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ); Vũ An, Vũ Lễ (Kiến Xương); An Châu (Đông Hưng)... Từ việc chuyển đổi những vùng trồng lúa kém hiệu quả sang chuyên canh trồng rau màu, trồng liên tục trong năm, thu nhập của bà con nông dân tăng lên rõ rệt. Như tại xã Quỳnh Hải, 5 năm qua, đã chuyển đổi được 170ha cấy lúa kém hiệu quả, hình thành vùng chuyên canh rau màu. Mỗi năm, “vựa rau” này sản xuất, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng chục nghìn tấn rau màu các loại, đem lại doanh thu từ 600 - 800 triệu đồng/ha/năm.
Không chỉ mạnh dạn chuyển đổi sang rau màu, nhiều nông dân trong tỉnh đã tích cực tìm tòi, đưa những giống cây ăn quả lâu năm được người tiêu dùng ưa chuộng thay thế cây lúa, nhạy bén ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế. Cũng như bao gia đình nông dân khác, trước kia cuộc sống của gia đình ông Trịnh Tiến Mạnh, thôn Hóa Tài, xã Thụy Duyên (Thái Thụy) cũng khá khó khăn. Thu nhập cả năm chỉ quanh quẩn mấy sào ruộng nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Câu hỏi “trồng cây gì và nuôi con gì” để thoát nghèo vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương cứ mãi theo đuổi ông trong suy nghĩ. Năm 2004, khi UBND xã Thụy Duyên phát động phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi gần 3ha vốn là diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình VAC, trong đó thanh long ruột tím là cây chủ lực. Không chỉ tích cực tìm tòi giống cây mới, ông Mạnh không quản tốn kém đầu tư làm giàn bằng trụ bê tông trồng thanh long theo công nghệ của Israel, cho năng suất hơn hẳn so với trồng bằng trụ bình thường. Ông Mạnh chia sẻ: Trung bình mỗi năm tôi thu về hơn 40 tấn quả thanh long, giá bán từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Trồng thanh long rất nhàn, lại chắc ăn mà thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2016 đến năm 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 3.000ha đất canh tác, chủ yếu là vùng đất trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm khác có giá trị cao hơn như: ngô, rau các loại, khoai tây, ớt, dưa xuất khẩu, bí, cây dược liệu, cam, táo, ổi, cà rốt, hoa... Các mô hình chuyển đổi ở giai đoạn này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành một số vùng, một số sản phẩm hàng hóa đạt hiệu quả cao hơn từ 2 lần trở lên so với cấy lúa...
Hướng tới sản phẩm có thương hiệu
Theo đánh giá, việc chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao rất phù hợp với tình hình thực tiễn, không những cho thu nhập vượt trội trên cùng một đơn vị diện tích, mà còn góp phần giải quyết được tình trạng bỏ hoang đất sản xuất, giảm áp lực sâu bệnh hại do luân canh cây trồng, cải tạo đất, góp phần hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 20/1/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 được xem tạo bước mở cho việc chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, giúp nông dân nâng cao thu nhập, tăng giá trị sử dụng đất.
Theo đó, phấn đấu hết năm 2025 chuyển đổi được khoảng 20.000ha, đến năm 2030 chuyển đổi được khoảng 30.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu, cây hàng năm khác, cây làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, cây cảnh có giá trị cao hơn trồng lúa. Đến năm 2025, xây dựng được 3 - 4 sản phẩm có thương hiệu của ngành trồng trọt Thái Bình, thu hút được 2 - 3 tập đoàn, doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải đúng quy định về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng được cấp thẩm quyền phê duyệt. Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp và có thể phục hồi hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khi cần thiết. Bên cạnh đó, cần phải lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ và kỹ thuật chăm sóc, thâm canh phù hợp để việc chuyển đổi bảo đảm hiệu quả kinh tế cao, ổn định và bền vững.
Để đạt được mục tiêu đề ra, năm 2020, ngành Nông nghiệp đã triển khai 6 mô hình thí điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích 50ha tại các địa phương, bước đầu đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong công tác chuyển đổi từ đó tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách giúp chuyển đổi hiệu quả. Ngành cũng sẽ tập trung hướng dẫn kỹ thuật một số cây trồng chuyển đổi, phổ biến những mô hình hiệu quả để nhân rộng; tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người sản xuất; chú trọng hình thành vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn; đẩy mạnh liên kết các doanh nghiệp trong thu mua, chế biến sản phẩm cây trồng chuyển đổi theo chuỗi giá trị; hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, nhất là hệ thống tiêu thoát nước các vùng chuyển đổi sản xuất hàng hóa tập trung...
Lưu Ngần
Tin cùng chuyên mục
- Thủ tướng: Khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vào ngày 19/12/2025 20.05.2025 | 22:31 PM
- Quảng Ngãi muốn đầu tư 900 tỷ đồng làm đường sắt kết nối Dung Quất 20.05.2025 | 22:31 PM
- Tiêu hủy một tấn chả chay không rõ nguồn gốc 20.05.2025 | 22:32 PM
- Bể chứa nước dưới lòng đất lớn nhất thế giới 20.05.2025 | 19:11 PM
- Hơn 700 trẻ em được khám sàng lọc tim bẩm sinh miễn phí 20.05.2025 | 19:03 PM
- Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Hưng Hà hướng dẫn và lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 20.05.2025 | 19:04 PM
- 11 ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 20.05.2025 | 19:05 PM
- Công an tỉnh tổng kết cao điểm truy quét tội phạm ma túy, sơ kết tuần tra vũ trang và đánh giá công tác phòng, chống tội phạm 5 tháng đầu năm 20.05.2025 | 19:06 PM
- Cần bổ sung cơ chế giám sát độc lập trong thu giữ tài sản bảo đảm 20.05.2025 | 19:07 PM
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng 20.05.2025 | 19:08 PM
Xem tin theo ngày
-
UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả