Thứ 7, 30/11/2024, 11:41[GMT+7]

Đồng hành cùng nông dân

Thứ 6, 19/02/2021 | 08:56:46
1,081 lượt xem
Nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã triển khai thực hiện nhiều mô hình mới, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi. Qua đó, hình thành và lan tỏa những phương thức sản xuất tiến bộ, nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Mô hình sử dụng phân hữu cơ trồng su hào tại xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) do Trung tâm Khuyến nông Thái Bình triển khai được người dân đánh giá cao.

Xã Xuân Hòa (Vũ Thư) là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò thịt. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi trâu còn nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao, không bảo đảm các yếu tố về môi trường. Năm 2020, Xuân Hòa và Việt Hùng là 2 xã của huyện Vũ Thư được lựa chọn triển khai mô hình “Vỗ béo bò thịt”. Hiệu quả của mô hình không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế mà đã làm thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi của người dân. 

Ông Hà Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: Khi tiếp nhận mô hình, chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ chăn nuôi thú y tham mưu xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng tới các hộ chăn nuôi; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông, trạm khuyến nông huyện thực hiện đầy đủ, đúng quy trình của mô hình. Quá trình tham gia, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ về vật tư, tập huấn kỹ thuật đồng thời có sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Khuyến nông trong suốt thời gian thực hiện. Kết thúc mô hình, các hộ tham gia rất phấn khởi vì có thêm nhiều kiến thức bổ ích áp dụng vào chăn nuôi, chuyển dần từ nuôi bò theo cách truyền thống, chăn thả tự nhiên, tự phát sang chăn nuôi có đầu tư và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại giá trị kinh tế cao; bảo đảm vệ sinh để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Để mở rộng diện tích vụ đông, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất. Năm 2020, Trung tâm đã thực hiện mô hình “Đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất khoai tây thương phẩm phục vụ chế biến” quy mô 8ha tại các huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ. Qua theo dõi mô hình tại các điểm triển khai cho thấy, ứng dụng cơ giới hóa giúp rút ngắn thời gian trồng, cây khoai sinh trưởng, phát triển đồng đều nên thu hoạch đồng loạt, cỡ củ đồng đều nên thuận lợi cho quá trình chế biến. Đặc biệt, mô hình giảm 30 - 50% công lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch, hiệu quả kinh tế tăng 1,5 lần so với sản xuất truyền thống.

Năm 2020, từ nguồn vốn khuyến nông của trung ương, của tỉnh và liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã thực hiện 62 mô hình trình diễn giống cây, con mới; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất... Các mô hình khuyến nông luôn gắn với nhu cầu thực tế của nông dân, phù hợp với định hướng phát triển, cơ cấu chuyển đổi của ngành. Đối với sản xuất rau màu, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường về nông sản hàng hóa bảo đảm an toàn, Trung tâm đã chuyển giao công nghệ sản xuất rau, củ, quả theo hướng an toàn; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới thông minh...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 14/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo, Trung tâm đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hướng bền vững gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường; chuyển đổi cơ cấu con vật nuôi trước ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi... Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cho các vùng đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao.

Cùng với việc xây dựng các mô hình khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình còn phối hợp tổ chức 33 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, 6 lớp đào tạo nghề về các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng, chống bệnh dịch trên vật nuôi, cây trồng...

Thông qua các hoạt động đào tạo, xây dựng mô hình trình diễn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật tới bà con nông dân đã góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và gia tăng giá trị sản xuất cho người nông dân. Qua đó, giúp nông dân trên địa bàn tỉnh thay đổi từ phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày