Thứ 4, 20/11/2024, 10:41[GMT+7]

Tam thất có tác dụng gì, dùng thế nào cho đúng?

Thứ 2, 12/04/2021 | 09:01:28
12,791 lượt xem
Đôi khi chúng ta chỉ nghe nói là dùng tam thất tốt lắm nhưng cụ thể dùng thế nào, tốt cho cái gì, dùng bao nhiêu mỗi lần hoặc là dùng đến khi nào dừng, trường hợp nào không nên dùng thì vẫn còn nhiều người chưa rõ. Qua bài viết này giúp quý vị có thêm thông tin để khi dùng tam thất chúng ta sẽ tự tin hơn và phát huy được hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe.

Củ tam thất bắc.

Tại sao lại gọi là tam thất?

Theo Đông y, tam thất còn có nhiều tên gọi khác, trong đó có tên gọi là Kim bất hoán (tức là vàng cũng không đổi được - ý muốn nói vị thuốc này quý hơn vàng).

Có nhiều cách lý giải về cái tên Kim bất hoán nhưng một trong những cách lý giải thuyết phục hơn đó là vì cây tam thất từ khi gieo trồng đến lúc có hoa là 3 (tam) năm và từ khi gieo trồng cho đến lúc thu hoạch phải mất 7 (thất) năm, khi đó dùng củ tam thất mới có công hiệu tốt.

Dùng bộ phận nào của cây tam thất?

Tam thất có thể dùng cả thân, lá, hoa và củ. Phổ biến người ta thường dùng 2 bộ phận đó là củ và hoa đều có tác dụng tương tự như nhau nhưng củ có tác dụng tốt hơn hoa nhiều lần.

Phân biệt củ tam thất nam và củ tam thất bắc

Quý vị cần phân biệt được đâu là tam thất nam và đâu là tam thất bắc bởi lẽ thực chất củ tam thất bắc có tác dụng  gấp từ 9 - 10 lần so với củ tam thất nam và giá của tam thất bắc cũng đắt hơn tam thất nam nhiều lần. Chính vì vậy, chúng ta cần phân biệt rõ được hai loại này để tránh nhầm lẫn mất tiền oan mà tác dụng lại kém.

Nếu ta mua tam thất đã xay thành bột thì khó phân biệt hơn giữa tam thất nam và tam thất bắc. Để chắc chắn hơn, chúng ta nên chọn mua củ tam thất bắc rồi đem nghiền thành bột dùng sẽ yên tâm hơn.

Khác nhau về hình dáng củ

Củ tam thất bắc có tên khoa học là Panax notoginseng, họ Nhân sâm - Araliaceae. Củ tam thất bắc thường có hình con quay hay hình củ cà rốt, dài từ 2 - 6cm, đường kính 1 - 4cm, màu nâu xám hoặc vàng xám, có nhiều nếp nhăn dọc gián đoạn và các vết sẹo là phần còn lại của rễ nhánh. Phần trên quanh vết sẹo có nhiều u nhỏ lồi ra. Củ cứng chắc, vị thoạt đầu hơi đắng, sau đó hơi ngọt. Mặt cắt ngang củ có màu nâu có lớp vỏ màu xám nhạt, có những chấm nhỏ màu nâu (ống tiết), phần gỗ ở trong màu xám nhạt, mạch gỗ xếp hình tia tỏa tròn.

Còn củ tam thất nam nhỏ bằng quả trứng chim, nhẵn, cứng, vỏ ngoài màu trắng vàng, mặt cắt ngang củ có màu trắng ngà.

Khác nhau về màu sắc bột tam thất

- Bột tam thất bắc có màu vàng xám, vị đắng, hơi ngọt.

- Bột tam thất nam có màu trắng ngà, vị đắng nhẹ.

Tam thất có tác dụng gì?

Tam thất là một dược liệu quý, có rất nhiều tác dụng, chúng ta cần biết đến 7 tác dụng chính của tam thất là:

1. Tác dụng cầm máu và bổ máu

Tam thất được xem là vị thuốc bổ máu hàng đầu trong nhóm dược liệu. Ngoài ra, nhờ tác dụng cầm máu, tiêu máu, tiêu sưng nên được dùng trong các trường hợp chảy máu do chấn thương (kể cả nội tạng), tiêu máu ứ (do phẫu thuật, va đập gây bầm tím phần mềm), xuất huyết và tụ máu ở tiền phòng mắt, chảy máu chân răng…

2. Bảo vệ tim mạch và mạch não

Chất Noto ginsenosid trong tam thất có tác dụng giãn mạch, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tăng khả năng chịu đựng của cơ thể khi bị thiếu oxy. Ngoài ra, nó cũng ức chế khả năng thẩm thấu của mao mạch, hạn chế các tổn thương ở vỏ não do thiếu máu gây ra.

3. Kích thích thần kinh trung ương, chống trầm uất, giải tỏa stress, giúp hồi phục hệ thần kinh và tăng cường trí nhớ
Công dụng này của tam thất có được là nhờ hoạt chất Saponin, không những thế nó còn có tác dụng phòng ngừa, chống tai biến mạch máu não, làm tan đi các cục máu đông, giúp máu lưu thông bình thường.

4. Chống lão hóa

Trong củ tam thất chứa thành phần hoạt tính Saponin và Flavonoid giúp cải thiện khả năng vận hành của các cơ quan liên quan trong cơ thể, chống lại các gốc tự do, chống oxy hóa, có thể đóng vai trò trong việc trì hoãn lão hóa.

5. Phòng ngừa và điều trị ung thư

Hai hoạt chất Saponin, Flavonoid có trong củ tam thất được chứng minh có thể giúp ngăn chặn sự lão hóa, hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư, các khối u bướu, tăng cường sức đề kháng, trợ sức trợ lực… từ đó nâng cao sự sống của người bệnh.

6. Điều hòa kinh nguyệt

Thành phần hoạt tính trong tam thất có tác dụng giống hormon điều chỉnh trục sinh dục dưới, buồng trứng. Từ đó điều hòa chu kỳ kinh nguyệt ổn định, làm giảm các nốt tàn nhang giữ gìn nhan sắc phụ nữ.

7. Điều tiết đường huyết

Trong củ tam thất có chất Saponin Rg1 khi kết hợp với Insulin được chỉ ra là có tác dụng hiệu quả trong việc giảm đường huyết cao.

Cách dùng tam thất

- Chính vì tam thất có nhiều tác dụng khác nhau nên mỗi khi dùng tam thất để chữa một bệnh cụ thể như bệnh tim mạch, bệnh xuất huyết sưng do chấn thương, xuất huyết và tụ máu ở tiền phòng mắt, chữa bệnh mỡ máu cao, tiểu đường hay chữa các bệnh ung bướu, ung thư... thì chúng ta cần gặp bác sĩ Đông y để được tư vấn hướng dẫn cách dùng và theo dõi đúng.

- Phổ biến là chúng ta hay dùng bột tam thất để bồi bổ cơ thể chống lão hóa và dùng cho những người hư lao suy nhược cơ thể, sau ốm dậy, phụ nữ sau sinh đẻ hoặc bệnh nhân sau phẫu thuật, bệnh nhân ung bướu ung thư sau mổ và xạ trị gầy yếu...

- Liều dùng thông thường cho người lớn là 5 gam bột tam thất trong 1 ngày. Có thể pha với mật ong, hoặc sữa bò, hoặc nước cơm, hoặc nước ấm uống mỗi ngày một lần sau bữa ăn sáng. Dùng liên tục trong vòng 3 tháng sau đó nghỉ mười ngày rồi lại dùng đợt tiếp. Trong quá trình dùng nếu thấy có những biểu hiện khác thường (như nóng nhiệt, táo bón, ngứa dị ứng mọc mụn nhiều...) thì dừng, không nên dùng tiếp.

Kiêng kỵ và lưu ý

- Phụ nữ có thai, người không có huyết ứ trệ tụ huyết, người huyết hư nôn ra máu, chảy máu cam, huyết nhiệt không dùng tam thất.

- Để tam thất ở nơi khô, tránh ẩm mốc, nếu đã bị mốc không nên dùng, nếu là bột tam thất nên chia ra nhiều túi hoặc lọ nhỏ để vào ngăn đá, lọ nào dùng trước thì để ở ngăn mát khi nào dùng hết lại lấy tiếp.

Bác sĩ BÙI VŨ KHÚC