Thứ 2, 11/11/2024, 04:40[GMT+7]

Nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri

Thứ 6, 23/06/2017 | 08:35:26
1,465 lượt xem
Sau một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy trách nhiệm với tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình làm việc kỳ họp thứ ba. Ngay sau khi kỳ họp kết thúc, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về những đổi mới của kỳ họp và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp.

Đồng chí Phạm Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội trường. Ảnh: Vũ Sơn Tùng

Phóng viên: Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV đã thành công tốt đẹp, xin đồng chí đánh giá khái quát về kết quả kỳ họp?

Đồng chí Phạm Văn Tuân: Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được Quốc hội xác định là một nội dung trọng tâm của kỳ họp. Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét, thông qua 12 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo cơ sở pháp lý và động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016 và việc triển khai thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017. Ngoài việc ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực, năng động của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành thời gian qua thì Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém; phân tích, dự báo những nguy cơ, thách thức mà nước ta phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang biến động phức tạp, nền kinh tế còn nhiều khó khăn nội tại và khách quan.

Liên quan đến dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành - công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước, Quốc hội đã thảo luận và thống nhất tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án.

Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng, Quốc hội đã đưa vào chương trình, thảo luận và thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh giải quyết vấn đề nợ xấu.

Trên cơ sở xem xét những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018 và Nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016. Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; trong đó đặt ra 9 nhóm giải pháp tổng thể đối với Chính phủ và các bộ, ngành nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém, đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm và cũng là cơ sở quan trọng để Quốc hội tiếp tục giám sát nội dung này.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Phóng viên: Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV được đánh giá là kỳ họp có nhiều đổi mới. Theo đồng chí, những đổi mới đó là gì?

Đồng chí Phạm Văn Tuân: Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV tiếp tục có những đổi mới, cải tiến quan trọng. Quốc hội đã bố trí chương trình làm việc hợp lý hơn, dành thời gian thỏa đáng cho nội dung thảo luận tại hội trường về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội (phiên thảo luận đã kéo dài đến 18 giờ 30 phút mới kết thúc thay vì 17 giờ như thường lệ) và hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn (tăng từ 2,5 ngày lên 3 ngày). Không khí thảo luận, tranh luận tại kỳ họp sôi nổi, thẳng thắn, thể hiện sự chuyển biến từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận với số lượt tranh luận tăng lên đáng kể, chất lượng phát biểu cũng được nâng cao, các đại biểu Quốc hội không chỉ tích cực tranh luận với các thành viên Chính phủ, mà còn tranh luận với các đại biểu khác về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Các bộ trưởng trực tiếp giải trình, nghiêm túc tiếp thu ý kiến trong quá trình thảo luận các dự án luật, nghị quyết, báo cáo… đã tạo ra không khí làm việc dân chủ, trách nhiệm, xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp.

Phóng viên: Tại kỳ họp này, phiên chất vấn và trả lời chất vấn thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước. Đồng chí có nhận xét gì về chất lượng phiên chất vấn?

Đồng chí Phạm Văn Tuân: Qua hoạt động chất vấn cho thấy nhóm những vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, được cử tri và dư luận xã hội cả nước quan tâm, đánh giá cao. Trong thời gian 3 ngày, Quốc hội đã nghe các Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo, giải trình thêm về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Qua hoạt động chất vấn cho thấy nhóm những vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp. Đây đều là những vấn đề quan trọng, nổi cộm, bám sát tình hình thực tế; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân. Đã có hơn 196 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 58 lượt đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bức xúc của đời sống, đặc biệt, tích cực tranh luận với các thành viên Chính phủ và các vị đại biểu khác để làm rõ thêm những hạn chế, yếu kém, xác định trách nhiệm và có giải pháp khắc phục. Các thành viên Chính phủ trả lời trực tiếp vào nội dung được hỏi, không né tránh những vấn đề phức tạp; thẳng thắn nhận trách nhiệm, đưa ra giải pháp và thể hiện sự quyết tâm làm chuyển biến tình hình trong thời gian tới.

Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Chính phủ, các bộ tổ chức thực hiện, Quốc hội giám sát, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV?

Đồng chí Phạm Văn Tuân: Tại kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội trong đoàn cùng với đại biểu Quốc hội trong cả nước đã tích cực tham gia xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đoàn đã tham gia đóng góp 45 ý kiến phát biểu về các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, thảo luận về các dự án luật, chất vấn Chính phủ và các thành viên của Chính phủ, trong đó có 12 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, 33 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 3 lượt đại biểu với 6 ý kiến chất vấn trực tiếp đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Y tế; có 4 ý kiến chất vấn bằng văn bản với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Nội dung các ý kiến đều đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, đồng thời thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu Quốc hội với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh việc tham gia tích cực vào các nội dung của kỳ họp, tại kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc, gặp gỡ để trình bày, kiến nghị trực tiếp những khó khăn, vướng mắc với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Tổ chức và tham gia nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các đoàn đại biểu Quốc hội nhằm quảng bá, giới thiệu về điều kiện tự nhiên, con người, tiềm năng và thế mạnh của Thái Bình, góp phần tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phóng viên: Sau kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động gì để chuyển tải tinh thần của kỳ họp đến cử tri Thái Bình, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Tuân: Ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức các hoạt động tiếp xúc với cử tri trong toàn tỉnh để chuyển tải toàn bộ nội dung kết quả của kỳ họp thứ ba, thông báo các báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương về việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình đã gửi đến kỳ họp và kết quả những hoạt động của các vị đại biểu Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh 6 tháng đầu năm 2017. Đồng thời gắn với việc tiếp tục hoàn thành các nội dung trong kế hoạch hoạt động đã đề ra từ đầu năm như các hoạt động giám sát, khảo sát, công tác xây dựng luật, các hoạt động tiếp xúc cử tri định kỳ, chuyên đề và một số hoạt động khác thì các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong phạm vi, quyền hạn của mình sẽ tích cực chủ động trong công tác phổ biến pháp luật, tiếp tục thông tin, tuyên truyền và giám sát việc triển khai thi hành các luật, nghị quyết mới được thông qua. Tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Chính phủ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Hình

      (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày