Thứ 5, 14/11/2024, 11:19[GMT+7]

Kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa XVI: Chất vấn nhiều vấn đề “nóng”

Thứ 2, 18/12/2017 | 15:37:48
1,120 lượt xem
Tại kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa XVI đã tổ chức phiên chất vấn - đây là nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri toàn tỉnh. 20 vấn đề được đại biểu đăng ký chất vấn, 8 vấn đề chất vấn tại hội trường đều là những vấn đề nóng liên quan trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề dân sinh của tỉnh.

Nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng, nâng cấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Cần có giải pháp quyết liệt giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Hường (tổ thành phố Thái Bình) đã chất vấn đồng chí Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính về nguyên nhân, các giải pháp, kế hoạch cụ thể của ngành giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Đồng chí Giám đốc Sở Tài chính thông tin: Đến ngày 30/9/2017, nợ đọng xây dựng cơ bản cấp tỉnh là 3.362.648 triệu đồng, cấp huyện là 348.648 triệu đồng (trung bình 43,5 tỷ đồng/huyện), cấp xã là 1.240.179 triệu đồng. Nguyên nhân phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản cấp tỉnh là do khi triển khai thực hiện dự án, số vốn ngân sách trung ương được các bộ, ngành thẩm định chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn các dự án trọng điểm. Tuy nhiên, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, số vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu giảm 1.709.072 triệu đồng so với thông báo đầu năm 2016; do đó, thanh toán nợ xây dựng cơ bản của ngân sách cấp tỉnh giảm, dẫn đến phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Năm 2017, các dự án BT (trả bằng tiền) của tỉnh đã hoàn thành và được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán giá trị công trình hoàn thành, theo quy định của Bộ Tài chính, khi dự án BT hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng thì sẽ phát sinh nghĩa vụ thanh toán hợp đồng. Sau khi cân đối với kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 bố trí cho các dự án giai đoạn 2018 - 2020 thì cả 2 dự toán BT đều đã hết hạn mức vốn bố trí vốn trái phiếu Chính phủ. Do đó, nợ xây dựng cơ bản của 2 dự án được tổng hợp vào nợ xây dựng cơ bản của ngân sách tỉnh, làm tăng đột biến nợ xây dựng cơ bản ngân sách cấp tỉnh tính đến thời điểm 30/9/2017 với giá trị nợ xây dựng cơ bản tăng thêm 2.302.318 triệu đồng.

Đồng chí Giám đốc Sở Tài chính đã thông tin cụ thể về phương án, kế hoạch xử lý nợ xây dựng cơ bản cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Dự kiến đến hết năm 2018 sẽ cơ bản xử lý được nợ đọng xây dựng cơ bản của cấp tỉnh, cấp huyện. Đối với cấp xã trong thời gian tới, cần tăng cường công tác quản lý đầu tư công của cấp xã, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng nông thôn mới, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản thì dự kiến đến hết năm 2018 cơ bản kiểm soát được nợ đọng xây dựng cơ bản của cấp xã.

Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhu cầu vốn xây dựng cơ bản liên tục tăng cao, để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, đòi hỏi có nhiều biện pháp quyết liệt hơn từ các ngành và cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Trong đó, giải pháp quan trọng đó là phải lập lại trật tự kỷ cương trong xây dựng cơ bản; thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý nợ đọng; thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công và các quy định của trung ương, của tỉnh không để phát sinh nợ đọng; nâng cao trách nhiệm của các ngành chức năng trong lập, thẩm định, phê duyệt dự án; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư theo hình thức đối tác công tư…

Việc mua sắm tập trung thực hiện đúng quy định

Đối với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Lụa (tổ Vũ Thư) về những bất cập trong thực hiện mua sắm tập trung theo chủ trương của tỉnh, giá đấu thầu, chất lượng hàng hóa?, đồng chí Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Mỗi năm Thái Bình tổ chức mua sắm tập trung 1 lần. Sở Tài chính đã có hướng dẫn mua sắm tập trung, tổ chức cho các đơn vị đăng ký 2 lần/năm. Ngoài ra, Sở cũng tham mưu với UBND tỉnh cho phép các đơn vị được mua sắm theo các thỏa thuận khung mua sắm tập trung đã ký giữa Trung tâm Tư vấn và dịch vụ tài chính thuộc Sở Tài chính với nhà thầu cung cấp.

Về danh mục mua sắm tập trung: Chỉ thực hiện mua sắm tài sản theo phương thức tập trung đối với các tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung đúng theo các quyết định của Chính phủ và của UBND tỉnh. Việc tổ chức đấu thầu được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Năm 2016 - 2017 đã tổ chức thực hiện mua sắm tập trung 12 gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa; về giá đã giảm 8,43% so với giá trị dự toán các đơn vị đề nghị, giảm 2,21% so với giá trị dự toán gói thầu được phê duyệt. Về chất lượng hàng hóa: qua kiểm tra tại 176 đơn vị, các đơn vị đều tiếp nhận tài sản đúng hợp đồng đã ký kết. Đến nay, Sở Tài chính chưa nhận được bất kỳ ý kiến nào của đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản về chất lượng của các sản phẩm mua sắm là không bảo đảm.

Những năm qua, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình phục vụ dân sinh.

Cần làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với các dự án BOT, BT

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Mạnh Hà (tổ Kiến Xương) quan điểm của ngành về công tác quản lý nhà nước, cơ chế chính sách, tính hiệu quả của một số dự án BOT, BT và giải pháp thực hiện tốt hơn các dự án đầu tư theo hình thức này, đồng chí Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để thực hiện chủ trương xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhu cầu vốn đăng ký đầu tư cho giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh là rất lớn (khoảng 166.500 tỷ đồng), trong đó khả năng cân đối từ nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 11.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 6,6% nhu cầu về vốn đầu tư. Trong điều kiện ngân sách nhà nước rất khó khăn, việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo hình thức hợp đồng BOT, BT là cần thiết, phù hợp với quy định của Chính phủ.

Theo đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai 27 dự án đầu tư theo hình thức BOT và BT với tổng vốn đầu tư 17.976,6 tỷ đồng và 7 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận về chủ trương cho nghiên cứu lập đề xuất dự án. Khi các dự án này triển khai thực hiện sẽ huy động được một nguồn vốn rất lớn (khoảng 17.976,6 tỷ đồng) để đầu tư phát triển, giảm gánh nặng đầu tư công, đồng thời góp phần tạo một hệ thống hạ tầng kết cấu đồng bộ, hiện đại, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Về cơ chế thực hiện dự án được thực hiện đúng theo quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị định số 15 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Nghị định số 35 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu. Về quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện đầy đủ quy trình đầu tư từ khâu lựa chọn danh mục dự án để giao đơn vị lập đề xuất dự án.

Để triển khai thực hiện hiệu quả đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, trong thời gian tới, các ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu từng ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị phải chủ động rà soát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để đề xuất danh mục đầu tư công, danh mục công trình huy động vốn theo hình thức đối tác công tư. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng khẩn trương rà soát quy hoạch và công khai danh mục quỹ đất các địa phương để đối ứng cho nhà đầu tư, điều chỉnh các quy hoạch cho phù hợp. Giao Sở Tài chính chủ trì nghiên cứu thí điểm xác định giá sàn của các khu đất đối ứng là cơ sở để tổ chức đấu giá. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, đơn vị tổ chức thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt danh mục dự án. Các huyện, thành phố chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị rà soát kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để đề xuất dự án và đề xuất các quỹ đất đối ứng thanh toán cho dự án.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Huy Đông (tổ Hưng Hà) về lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư khi thực hiện các dự án BOT, BT, đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định lợi ích đối với nhà nước rất lớn, sẽ huy động nguồn lực chủ yếu trong xã hội giúp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Còn đối với các nhà đầu tư khi tham gia thực hiện các dự án cũng đã tính toán rất kỹ về lợi nhuận thu được, đồng thời sẽ tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

(Còn nữa)

Nguyễn Hình - Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày