Thứ 5, 14/11/2024, 23:41[GMT+7]

World Cup 2018: Mưa tiền thưởng trên đất Nga

Chủ nhật, 10/06/2018 | 08:32:10
510 lượt xem
32 đội tham dự World Cup 2018 nhận tổng cộng 400 triệu USD tiền thưởng từ FIFA. Còn nếu tính cả các khoản thưởng khác, FIFA phải chi tổng cộng 791 triệu USD cho ngày hội bóng đá trên đất Nga, tăng rất nhiều so với kỳ World Cup 2014.

Tăng, tăng và tăng

World Cup đang được dát vàng bởi doanh thu khổng lồ. Điển hình như tiền bản quyền truyền hình tại World Cup 2018 dự báo có thể tăng 20% so với 4 năm trước (tại World Cup 2014, FIFA kiếm 2,4 tỷ USD tiền BQTH). Tiền thưởng tăng theo, do vậy trở thành lẽ hiển nhiên tại ngày hội bóng đá của hành tinh.

Đội vô địch năm nay sẽ được FIFA thưởng 38 triệu USD, nhiều hơn 3 triệu so với những gì Đức nhận được 4 năm trước (35). Đội á quân trên đất Nga đút túi 28 triệu USD, trong khi World Cup 2014 là 25 triệu USD. 24 triệu USD sẽ chảy vào két của đội đứng hạng ba (năm 2014 là 20 triệu USD) và 22 triệu USD cho đội hạng tư (năm 2018 là 18). 

Nhìn chung, FIFA tăng tiền thưởng cho tất cả vị trí xếp hạng ngoại trừ 16 đội dừng bước ở vòng bảng (nhận 8 triệu USD/đội, bằng World Cup 2014). 8 gương mặt dừng bước ở vòng 1/8 nhận 12 triệu USD mỗi đội (năm 2014 là 9 triệu USD). Còn nếu ra về sau vòng tứ kết, mỗi được được “an ủi” 16 triệu USD (năm 2014 là 14).

Như vậy, đội chơi kém nhất trên đất Nga cũng cầm 8 triệu USD về nhà. Cần biết rằng đây chính là số tiền thưởng dành cho đội vô địch World Cup 2002 (Brazil). 16 năm trước, “Người ngoài hành tinh” Ronaldo và các đồng đội “trầy vẩy” mới kiếm được số tiền thưởng mà Saudi Arabia hay Panama cầm chắc tại World Cup 2018.

Nếu vô địch World Cup 2018, Pháp hay Đức (áo sáng) sẽ nhận 38 triệu USD

Nếu vô địch World Cup 2018, Pháp hay Đức (áo sáng) sẽ nhận 38 triệu USD

Gộp chung 32 đội dự World Cup 2018, FIFA phải chi 400 triệu USD tiền thưởng. Trong khi 4 năm trước, FIFA chỉ phải bỏ ra 352 triệu USD cho các đội tham dự. Cần biết thêm ngoài 400 triệu USD trả thưởng 32 đội, FIFA còn phải trả 1,5 triệu USD/đội gọi là “phí chuẩn bị” trước thềm World Cup, 209 triệu USD thưởng cho các CLB đóng góp cầu thủ tới Nga và 134 triệu USD rót vào Quỹ đền bù cho các CLB có cầu thủ chấn thương vì đá World Cup. Tổng cộng là 791 triệu USD tiền thưởng các loại từ FIFA, con số kỷ lục trong lịch sử World Cup.  

World Cup chưa phải là nhất

Dù vậy, World Cup 2018 chưa phải là giải đấu đem lại lợi ích kinh tế lớn nhất cho các đội bóng tham dự. Kỷ lục đang thuộc về Premier League với 2,9 tỷ USD chia thưởng cho 20 CLB tham dự mùa giải 2017/18. Miếng bánh bản quyền truyền hình béo bở khiến giải đấu hàng đầu nước Anh trở thành thiên đường kiếm tiền cho giới cầu thủ.

Tất nhiên đó là một sự so sánh có phần khập khiễng, giữa một giải đấu cấp ĐTQG chỉ kéo dài 1 tháng và một giải vô địch cấp CLB ròng rã trong 9 tháng trời. Nhưng nếu xét chung trên bình diện các giải đấu trên thế giới, World Cup 2018 với 791 triệu USD tiền thưởng vẫn còn đứng sau cả Champions League. Mùa vừa rồi, UEFA đã phải chi 1,6 tỷ USD tiền thưởng cho các CLB tham dự.

World Cup sẽ là giải đấu tốn tiền thưởng nhất nếu chỉ xét ở cấp độ ĐTQG. Ở giải đấu lớn gần nhất là EURO 2016, chỉ có 301 triệu USD được phân phối cho 24 đội tuyển châu Âu tham dự. Còn tại World Cup 2014 trên đất Brazil, 576 triệu USD chảy vào két của 32 đội tuyển.

Với các đội tuyển lớn, tiền thưởng không phải mối quan tâm hàng đầu. Nhưng với các đội tuyển nhỏ, đặc biệt là các đội bóng châu Phi, đó lại là chất xúc tác và động lực lớn nhất để họ thi đấu. Tại World Cup 2018, mỗi đội bóng châu Phi chưa biết đá đấm ra sao đã cầm chắc 8 triệu USD. Đấy là một con số đầy “thèm muốn” với các nền bóng đá còn gặp nhiều khó khăn ở lục địa đen. 

Cần biết tại giải vô địch châu Phi năm ngoái (CAN 2017), LĐBĐ châu Phi chia thưởng tổng cộng 16,4 triệu USD cho 16 đội tham dự. Trong đó, riêng nhà vô địch Cameroon nhận thưởng 4 triệu USD. Còn tại World Cup 2018, Senegal có bị loại ngay vòng bảng cũng nhận thưởng nhiều gấp đôi.

FIFA sẽ trả tiền thưởng dự World Cup 2018 về các liên đoàn bóng đá thành viên. Còn việc chia cho cầu thủ, HLV bao nhiêu là chuyện của mỗi liên đoàn. Đấy lại là một câu chuyện khác, luôn tiềm ẩn nhiều tranh cãi và xung đột.

Theo bongdaplus.vn