Chủ nhật, 10/11/2024, 05:53[GMT+7]

Chung tay bảo vệ nguồn nước

Thứ 2, 04/03/2019 | 09:28:25
2,928 lượt xem
Nước là nguồn tài nguyên quý giá, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự sống. Song tài nguyên nước đang chịu sức ép nặng nề do biến đổi khí hậu, sự phát triển của các hoạt động kinh tế dẫn đến tình trạng suy thoái ngày càng trầm trọng.

Nước máy phủ kín 100% xã, phường, thị trấn.

Thái Bình có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chủ yếu được cung cấp bởi nước mặt trên các sông lớn như sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa, sông Trà Lý... và nguồn nước dưới đất. Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển và gia tăng dân số thì nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ suy thoái. 

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Lực cho biết: Trước tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế - xã hội, việc khai thác, sử dụng ngày càng tăng tạo áp lực rất lớn đối với nguồn nước dưới đất. 

Qua kết quả quan trắc cho thấy mực nước dưới đất có dấu hiệu suy giảm hàng năm. Chất lượng nước mặt chỉ bảo đảm cho mục đích tưới, tiêu, nước vẫn có thể cấp cho sinh hoạt nhưng phải qua xử lý trước khi đưa vào sử dụng. Tại một số nơi xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ trong mùa khô do mực nước nguồn xuống thấp, lưu lượng cấp nước qua các cống giảm nhiều so với thiết kế. Việc khai thác nước thiếu chủ động, phụ thuộc vào việc vận hành, điều tiết nước của các công trình hồ chứa phía thượng lưu. Cùng với đó, nước thải, rác thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt chưa được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để và không đạt tiêu chuẩn sau đó xả vào nguồn nước. Hệ thống giám sát, cảnh báo, thông báo chất lượng nước và các sự cố ô nhiễm nguồn nước chưa được quan tâm đầu tư. Hơn nữa, diện tích rừng liên tục giảm, chủ yếu là rừng phòng hộ, xâm nhập mặn lấn sâu, mức độ nặng nề hơn ở hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải...

Để cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường sống, những năm qua, Thái Bình đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước ngầm theo quy định pháp luật. Chú trọng quản lý, cấp phép trong việc khai thác nước ngầm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất trong lĩnh vực tài nguyên nước. Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất; điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt; quan trắc động thái nước dưới đất tại các điểm; lập quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước cho các huyện, thành phố; quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. 

Qua điều tra xác định tổng lượng dòng chảy từ sông Hồng chảy đến tỉnh Thái Bình khoảng 73,41 tỷ m3/năm; sông Luộc 14,47 tỷ m3/năm, sông Hóa 3,233 tỷ m3/năm. Về nước ngầm, trữ lượng khai thác an toàn của tầng chứa nước toàn tỉnh là 699.966m3/ngày. Đây là những cơ sở dữ liệu quan trọng để đáp ứng việc khai thác hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn nước. 

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiền Hải cho biết: Là huyện ven biển, tỷ lệ xâm nhập mặn cao nên tiềm năng nước nhạt thấp, trong khi đó nhu cầu sử dụng nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống cao. Vì vậy, những năm qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để bảo vệ nguồn nước, như ra quân nạo vét, khơi thông dòng chảy, vớt rác lòng sông, trồng rừng bảo vệ nguồn nước... Tích cực hưởng ứng ngày Nước thế giới (22/3) và ngày Khí tượng thế giới (23/3), qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ trong bảo vệ nguồn nước, bảo đảm việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, xả nước thải vào nguồn nước đúng quy định và chủ động ứng phó trước sự thay đổi của thời tiết, khí hậu.

Mặc dù nguồn tài nguyên nước khá dồi dào, công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước đang dần đi vào nền nếp, tuy nhiên, để bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên nước bền vững, bảo đảm cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước; nhất là giám sát các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước của các đơn vị sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc khai thác sử dụng nước dưới đất; triển khai các dự án bảo vệ tài nguyên nước và xử lý, tái tạo nguồn nước thải. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; thường xuyên thông tin về tình hình nguồn nước, chống lãng phí nguồn nước.


Minh Nguyệt