Chủ nhật, 10/11/2024, 05:42[GMT+7]

Nước cho tất cả - không để ai bị bỏ lại phía sau

Thứ 6, 22/03/2019 | 08:23:06
1,070 lượt xem
Ngày Nước thế giới được tổ chức vào ngày 22/3 hàng năm nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng trên toàn thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước và vận động chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt.

Ngày Nước thế giới năm 2019 hướng tới việc bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch của người dân.

Ba phần tư diện tích trái đất được bao phủ bởi nước. Tuy nhiên, lượng nước ngọt trên trái đất chỉ chiếm một lượng nhỏ (khoảng 1%). Nước đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, thiếu nước thì sự sống sẽ diễn ra rất khó khăn. Chúng ta đang được tận hưởng rất nhiều nước và đó là nước sạch nhưng cũng có không ít người đang phải sống trong cảnh thiếu nước và họ phải chấp nhận dùng nước bẩn. Nước sạch là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, nếu tình trạng khai thác và sử dụng không hợp lý như hiện nay còn tiếp diễn thì một ngày không xa sẽ cạn kiệt nguồn nước. Khi đó con người sẽ đứng trước thảm họa không có nước sạch để duy trì sự sống. Ngày Nước thế giới năm 2019 với chủ đề: “Nước cho tất cả - không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm thể hiện cam kết trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, mọi người đều phải được hưởng lợi: “Dù bạn là ai, dù bạn ở đâu, nước là quyền của bạn”. Theo dự đoán, đến năm 2025 có khoảng 2/3 dân số trên toàn cầu sống ở các khu vực có điều kiện khó khăn về nguồn cung cấp nước. Thực tế hiện nay vẫn còn hàng tỷ người chưa được tiếp cận với nguồn nước sử dụng an toàn trong đó có các hộ gia đình, trường học, nơi làm việc, trang trại và nhà máy đang vật lộn để tồn tại và phát triển. Việc thiếu nước sạch sẽ có tác động bất lợi đến các nhóm cộng đồng nghèo dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người tị nạn, người bản địa, thiểu số, người khuyết tật và nhiều người khác... Đôi khi họ còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong khi họ cố gắng tiếp cận đến nguồn nước đảm bảo an toàn.

Mặc dù nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam rất đa dạng và phong phú nhưng lại bị khai thác, sử dụng một cách thiếu bền vững. Tài nguyên nước đang bị suy giảm cả về chất và lượng. Việc áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật cũng như quản lý chưa thực sự có hiệu quả trong khi chưa khai thác được các nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo thay thế. Tại nhiều nơi, tình trạng thiếu nước sạch để sinh hoạt do ô nhiễm, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán... đang ở mức báo động. Chất lượng nước bị suy giảm nghiêm trọng đã hủy hoại môi trường sống và đẩy con người đến gần các rủi ro. Việt Nam hiện được xếp vào nhóm các quốc gia có tài nguyên nước loại trung bình trên thế giới nhưng ẩn chứa nhiều yếu tố không bền vững. Trước thực trạng đó, việc sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên nước và năng lượng ở nước ta được đặt ra như một cảnh báo cho mục tiêu phát triển bền vững.

Thái Bình là tỉnh có nguồn nước tương đối lớn với ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, trữ lượng nguồn tài nguyên nước mặt của Thái Bình cũng khá dồi dào. Vì vậy, việc bảo vệ nguồn nước có giá trị vô cùng quan trọng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục, ổn định thời gian qua đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nhưng cùng với đó thì nhu cầu sử dụng năng lượng cũng tăng lên nhanh chóng. Do đó, nguồn tài nguyên năng lượng đang ngày càng cạn kiệt. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố thường xuyên phát động chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước. Đồng thời, tổ chức treo băng rôn, pa nô, áp phích ở các nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở cơ quan, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở người dân cùng hành động, hưởng ứng ngày Nước thế giới với các nội dung: nếu tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng có cơ hội sử dụng nước sạch; sử dụng hợp lý tài nguyên nước để phát triển bền vững; giữ sạch nguồn nước vì sức khỏe của cộng đồng... Bên cạnh đó, tổ chức hội thảo, tọa đàm về chủ đề tài nguyên nước; tổ chức các lớp giáo dục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước với cuộc sống; tuyên truyền lối sống xanh, tiết kiệm tài nguyên nước; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng thời lượng phát sóng về chủ đề nước và cuộc sống, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Ngày Nước thế giới năm nay hướng đến tuyên truyền, vận động về khả năng tiếp cận nước sạch của các nhóm xã hội. Theo đó, tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng, điều này là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của thế giới. Ngày Nước thế giới cũng hướng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng nước bằng cách giải quyết những lý do tại sao rất nhiều người “bị bỏ lại phía sau” - không có nước sạch.

Minh Nguyệt