Thứ 7, 23/11/2024, 18:34[GMT+7]

Những trái tim không khuyết

Thứ 5, 28/03/2019 | 09:02:37
3,242 lượt xem
Thái Bình hiện có trên 10 vạn người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi (TMC). Trên thực tế đã có không ít NKT, TMC tự ti, chán nản, mặc cảm với số phận nhưng cũng có những NKT, TMC vượt lên trên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Sau khi đã kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng, chị Phạm Thị Dung đại diện tặng quà và tiền bảo trợ mỗi tháng 200.000 đồng cho bệnh nhân tâm thần tại xã Văn Lang (Hưng Hà).

“Đứng lên” từ đôi chân tật nguyền…

Tìm đến xã Phú Châu (Đông Hưng), chúng tôi được nghe câu chuyện về chị Phạm Thị Dung ở thôn Cốc, một người phụ nữ tuy tật nguyền nhưng lại có tấm lòng thiện nguyện và nghị lực phi thường. Bị teo chân từ thuở lọt lòng, tuổi thơ của Dung gắn liền với những buổi đến trường trên đôi vai gầy của cha và anh trai. Với quyết tâm không để mình là gánh nặng cho gia đình, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Dung đi học nghề tại trường dạy nghề cho NKT của tỉnh. Chị tâm niệm rằng: Sinh ra trên đời, ai cũng muốn có một cơ thể lành lặn, nhưng với NKT thì số phận lại không mỉm cười may mắn nên những NKT như chị càng phải vượt lên nghịch cảnh, càng phải nghĩ mình là người bình thường. Người ta làm được cái gì thì mình làm được cái đó, người ta chạy thì mình đi, cuối cùng mình cũng sẽ tới đích.

Năm 2009, với kiến thức được học tại trường và kinh nghiệm thực tế, chị quyết định mở cơ sở dạy nghề may, tạo việc làm cho 10 NKT và 30 người sức khỏe yếu, phụ nữ nông thôn với mức thu nhập từ 700.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Rất nhiều người được học nghề từ chị nên có tay nghề thành thạo, có việc làm tại các xí nghiệp và nhiều NKT mở cửa hàng riêng để phát triển kinh tế gia đình. Từ cuối năm 2017 đến nay, do mặt bằng nhà xưởng xuống cấp, dột nát nên chị tạm dừng việc dạy nghề để mở cơ sở chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp thiền, xông hơi thải độc bằng thuốc của người Dao đỏ, nhằm mục đích thải độc ngăn ngừa và điều trị bệnh nan y cho mọi người.

Đặc biệt, với cương vị là chủ nhiệm câu lạc bộ NKT, TMC huyện Đông Hưng, chị đã tranh thủ sự giúp đỡ, xin tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Chị đã xin tài trợ từ Hội Hand To Hand Việt kiều Mỹ dạy nghề miễn phí cho trên 200 NKT, TMC, con em gia đình chính sách. Năm 2018, chị vận động Quỹ cộng đồng Năng Đoạn Kim cương Việt Nam hỗ trợ 120 triệu đồng cho xã Phú Châu xây 4 căn nhà tình thương cho NKT và người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dù đôi chân không lành lặn nhưng tấm lòng, nghị lực và những việc làm của người phụ nữ ấy thật đáng trân trọng. Nhiều năm liền, chị vinh dự được nhận bằng khen của Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh vì có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong lao động và học tập, chia sẻ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Vẻ đẹp “Vầng trăng khuyết”

Ấn tượng đầu tiên khi bất cứ ai tiếp xúc với người con gái ấy là nụ cười luôn rạng ngời trên môi. Nhắc đến cái tên Đinh Phan Hoàng Giang, người dân thôn Nguyệt Lũ, xã Tây Tiến (Tiền Hải) ai ai cũng trầm trồ, thán phục. Năm 1988, Hoàng Giang ra đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cha mẹ. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, khi mới chỉ vừa tròn 9 tháng tuổi, một cơn sốt cao, co giật đã khiến đôi chân của cô bé Hoàng Giang không thể đi lại được. Vốn là một hộ nghèo của xã cho nên sau khi đã vay mượn, chạy chữa cho Giang khắp các bệnh viện lớn nhỏ nhưng bệnh tình không thuyên giảm, nhà nghèo, không có tiền nên gia đình đành ngậm ngùi đưa em về chữa trị tại nhà. Kể từ đó, cơ thể Giang phát triển một cách khác thường và dần trở thành một người khuyết tật vận động mức độ nặng. Giang bị gù lưng, vẹo cột sống, teo tay, chân. 

Chị tâm sự: Đến tuổi đi học, bắt đầu nhận ra mình khác với bạn bè nên rất tủi thân, nhiều lần tôi còn bỏ học về và không đến lớp nữa. Nhưng nhờ sự động viên từ gia đình, thầy cô giáo, suy nghĩ của mình dần thay đổi. Do nhà không có điều kiện nên mỗi lần đến lớp, bạn bè đều thay nhau đến tận nhà cõng tôi đi học. Chính điều đó đã khiến tôi càng quyết tâm hơn để “tàn mà không phế”.

Sau khi lên cấp 3, Hoàng Giang đành bỏ học giữa chừng do điều kiện sức khỏe không cho phép, nhưng không vì thế mà cô gái sinh năm 1988 nản chí. Giang ở nhà hàng ngày phụ mẹ đi bán rau ngoài chợ do mẹ chị bị viêm đa khớp, đi lại rất khó khăn. Ngoài ra, Giang còn mở một tiệm tạp hóa nhỏ, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tuy là một NKT nhưng chị lại là chỗ dựa về kinh tế của cả gia đình. Năm 18 tuổi, cô gái trẻ được cử  tham gia cuộc thi “Liên hoan tiếng hát trẻ em thiệt thòi” và vinh dự đạt huy chương vàng. Sau đó, Giang đăng ký tham gia vào câu lạc bộ thanh niên khuyết tật huyện Tiền Hải, trở thành một thành viên nhiệt tình, năng động với các phong trào của câu lạc bộ. Đặc biệt năm 2018, Giang tiếp tục khẳng định mình khi xuất sắc đạt giải hoa khôi ảnh do Hội đồng niên Mậu Thìn 1988 toàn quốc tổ chức. Ngoài ra, Giang còn tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ những NKT trên địa bàn và chính cô cũng là người truyền cảm hứng cho rất nhiều NKT khác để họ xóa đi mặc cảm, tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Hàng ngày, chị Đinh Phan Hoàng Giang vẫn đi chợ bán rau phụ mẹ, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Ước mơ của cô gái mồ côi…

Ngôi nhà nhỏ của em Nguyễn Thanh Đan, thôn Phương Quả Nam, xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ) nằm khuất dưới tán cây xanh trong con ngõ nhỏ. Đan là con út trong một gia đình có 4 chị em gái. Em hiện đang là học sinh lớp 8B, Trường THCS xã Quỳnh Nguyên. Năm 2015, căn bệnh ung thư gan quái ác đã cướp đi người mẹ thân yêu của em. 2 năm sau, bố em cũng qua đời vì bệnh nặng. Ngôi nhà vốn đã đơn sơ, nay lại lạnh lẽo hơn vì thiếu vắng tiếng cười và hơi ấm của cả cha và mẹ. Hiện tại, em đang ở cùng chị gái thứ 3 là Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh lớp 11, Trường THPT Quỳnh Côi. Hai chị gái đầu đã đi lấy chồng xa, kinh tế không được dư dả nên việc chu cấp và nuôi dưỡng hai chị em Đan ăn học cũng là một điều khá khó khăn.

Góc học tập của cô bé Nguyễn Thanh Đan, xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ).

Sớm thiếu đi bàn tay chăm sóc, chở che của người mẹ cũng như mất đi sự khuyên răn, dạy bảo của người cha nhưng hai chị em Đan đã gạt đi nỗi đau mất mát, nương tựa, đùm bọc lẫn nhau, gắng gượng vươn lên để tiếp tục cuộc sống. Hiểu được hoàn cảnh của gia đình, Đan tự dặn lòng mình rằng phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để bố mẹ em được yên lòng. Với ý chí vươn lên mãnh liệt, cô bé 14 tuổi Nguyễn Thanh Đan đã đạt được nhiều thành tích cao trong học tập, trở thành tấm gương sáng cho bạn bè noi theo. Năm học lớp 4, Đan vinh dự đạt giải xuất sắc môn điền kinh cấp huyện. Lên lớp 5, lại một lần nữa em chứng minh khả năng thể thao của mình khi đạt giải nhất môn đá cầu tại Hội khỏe phù đổng do huyện Quỳnh Phụ tổ chức. Không chỉ giỏi về các bộ môn thể dục thể thao, Đan còn là một cô bé có sức học khá và toàn diện. Nhiều năm liền, em đạt học sinh giỏi cấp trường, đặc biệt, năm học lớp 6 và lớp 7, em đều đạt học sinh giỏi của huyện môn Ngữ Văn.

Với những thành tích học tập đáng nể nên Thanh Đan được thầy yêu, bạn mến và được bầu làm lớp trưởng, thường xuyên tham gia các phong trào do đoàn trường tổ chức, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. 

Nói về ước mơ của mình, Đan chia sẻ: Em mong muốn sau này được trở thành một cô giáo dạy Văn, đem tình yêu thương của mình lan tỏa tới mọi người và là một công dân có ích cho xã hội đúng như mẹ em hằng mong ước.

“Khi hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau lưng ta” - đó là phương châm sống không chỉ của chị Dung, chị Giang hay cô bé Thanh Đan mà còn là của rất nhiều NKT, TMC đang hàng ngày, hàng giờ cố gắng để vượt lên số phận. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, dù cơ thể không lành lặn như những người bình thường khác nhưng họ vẫn tự thắp lửa cuộc đời, tràn đầy niềm lạc quan, nghị lực sống phi thường. Họ chính là những bông hoa ngát hương giữa đời thường.

Thu Hoài