Thứ 4, 27/11/2024, 09:09[GMT+7]

Lộc đất

Thứ 2, 08/04/2019 | 08:56:01
4,228 lượt xem
Công lao giữ nước của nữ tướng thời Hai Bà Trưng là Quế Hoa Công chúa đã được Hai Bà Trưng phong “Tướng quân Quế Hoa” đồng thời các triều đại nối tiếp sau đã nhiều lần sắc phong: “Thượng đẳng thần tướng quân”; “Rực bảo hưng thượng đẳng thần”

Cụm đình, đền, chùa Bổng Điền, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Tương truyền, năm 1483 vua Lê Thánh Tông đi kinh lý sông Hồng, thuyền rồng nhà vua xuôi dòng từ kinh thành Thăng Long đến gần cửa biển bắt gặp vùng đất nổi giữa dòng sông có hoa thơm, cảnh đẹp trù phú, vườn quả nương dâu, gió ngát mùi hương, dân cư đông đúc, vua cùng đoàn tùy tùng lên bờ ghé thăm ngôi đền nhỏ thờ Nhị vị Tướng công và nữ tướng Quế Hoa Công chúa, nhà vua tỏ lời ngợi khen vùng đất đẹp giàu, để ban ân điển với vùng đất mang hàm nghĩa lộc của đất trời nhà vua đặt tên cho làng là Bổng Điền.

Trong dân gian còn lưu truyền câu ca “Thượng chí Tuần Vường, hạ chí Mom Rô” ý chỉ mảnh đất Tăng Bổng (tiền thân của làng Bổng Điền) thời xa xưa là bãi giữa sông Cái (sông Hồng nay), thời gian trải dài gần 20 thế kỷ, đến cuối thế kỷ XVII làng Bổng Điền bắt đầu rời về vị trí Mom Rô vào sâu trong nội đê chỉ còn mảnh đất xóm Đông An là đất làng cũ ngoài bãi sông. Trong lần điền dã về làng Bổng Điền (xã Tân Lập, huyện Vũ Thư), nhóm nghiên cứu chúng tôi được các bậc cao niên của làng kể cho nghe về sự tích đình Bổng Điền, di tích lịch sử quốc gia, tương truyền thời vua Hùng có gia đình dòng họ Hùng tên là Lan Công, Lan Công kết duyên cùng bà Trịnh Thị Cúc. Danh y Lan Công nổi tiếng “Gia thanh tính thiện”, ông bà Lan Công, Trịnh Thị sinh hạ được một người con gái. Bà Trịnh Thị đột ngột qua đời để lại Lan Công cùng đứa con gái 6 tuổi. Năm tháng thấm thoắt trôi đi, con gái Lan Công trưởng thành có người trong làng dạm hỏi con gái Lan Công về làm dâu, Lan Công đồng ý. Vậy là chỉ còn mình Lan Công, ông giao gia sản cho con gái và đi chu du thiên hạ chữa bệnh làm phúc. Một ngày kia, bước chân đưa ông đến đất Tăng Bổng, nhìn thấy điền trang trù phú, phong cảnh hữu tình, Lan Công ở lại đất Tăng Bổng tiếp tục làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh, dạy chữ cho nhân dân trong và ngoài làng, trong đó có gia đình cụ Sùng Công. Cụ Sùng Công sinh hạ được người con gái đặt tên là Đào Nương. Lúc Lan Công đến dựng nghiệp cũng là lúc Đào Nương vừa độ trăng tròn. Đào Nương xinh đẹp, nết na nhất làng, bỗng nhiên Đào Nương lâm bệnh, chẳng chịu ăn uống, người ngày một héo mòn. Sùng Công lo lắng tìm thầy lang bắt mạch, kê đơn nhưng bệnh không thuyên giảm. Một hôm, Sùng Công gặp Lan Công, biết tiếng danh y Lan Công liền mời cho được Lan Công về nhà chữa bệnh cho con. Lạ thay, chỉ vài thang thuốc của Lan Công bệnh tình của Đào Nương đã thuyên giảm. Nhìn con rạng rỡ trở lại, Sùng Công hết sức vui mừng. Đào Nương khỏi bệnh, Sùng Công có ý gả Đào Nương cho Lan Công. Như duyên trời định mệnh, Lan Công kết duyên với Đào Nương, họ sống hạnh phúc bên nhau trong cảnh điền viên phúc lộc ở làng Tăng Bổng. Chuyện về mối tình Lan Công, Đào Nương lan truyền, một ngày nọ Hoàng tử con vua Thủy Tề bỗng dưng mắc bệnh hiểm nghèo, nghe tiếng danh y Lan Công, vua Thủy Tề liền sai sứ giả lên hạ giới triệu Lan Công xuống thủy cung chữa bệnh cho con mình. Chia tay Đào Nương, Lan Công theo sứ giả xuống thủy cung. Ở thủy cung Lan Công chữa khỏi bệnh cho Hoàng tử. Nhớ Đào Nương, nhớ làng Tăng Bổng, Lan Công xin vua Thủy tề cho về hạ giới. Vua Thủy Tề cảm kích y thuật của Lan Công liền ban cho nhiều vàng bạc, châu báu nhưng Lan Công nhất mực chối từ, chỉ xin với vua Thủy Tề ban ân phúc để về hạ giới sinh con nối dõi. Vua Thủy Tề thương tình sai hai thủy thần lên hạ giới đầu thai làm con Lan Công. Trở về hạ giới Lan Công báo tin vui cho Đào Nương biết là sẽ có con. Đúng giờ Tý ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Thìn (270 - TCN), Đào Nương ra bến sông tắm bỗng trời đất tối sầm, mặt sông xuất hiện một con Giao Long lao tới quấn quanh người Đào Nương ba vòng. Khi về tới nhà Đào Nương sinh ra một bọc, bọc nở ra hai người con trai. Ông bà Lan Công, Đào Nương vui mừng khôn xiết gọi con là Nhị vị Nam tử. Nhị vị Nam tử có tướng mạo khác thường, uy nghi tuấn kiệt trên lưng in hình 28 vẩy rồng. Còn nhỏ mà Nhị vị Nam tử đã tinh thông võ thuật, hiểu biết hơn người, dân chúng trong làng mừng rỡ. Vua Hùng biết tin đã phong tước cho cho Lan Công và Đào Nương, vua còn đặt tên cho Nhị vị Nam tử là Tĩnh Bộ và Tạp Bộ đồng thời ban cho nhiều vàng bạc, giao cho nhân dân làng Tăng Bổng cùng ông bà Lan Công nuôi dưỡng. 18 tuổi, Nhị vị Nam tử đã thông kinh thạo sử, võ nghệ cao cường. Đúng lúc, giang sơn bị giặc xâm lăng đe dọa, vua Hùng triệu hồi Nhị vị Nam tử về triều phong tước: Tĩnh Bộ tướng công - Tạp Bộ tướng công rồi giao cầm quân dẹp giặc. Tĩnh Bộ tướng công - Tạp Bộ tướng công ra quân trăm trận trăm thắng, quân giặc khiếp vía kinh hồn. Hai vị được vua Hùng ngợi khen. Đất nước thanh bình trở lại, triều đình mở tiệc khao quân, phong tước cho Nhị vị tướng công là “Tĩnh Bộ dương uy trợ thắng đại tướng quân và Tạp bộ vi hộ quốc trạch vật đại vương”. Vua xuống chiếu cho dân làng Tăng Bổng mở hội đón Nhị vị tướng công về làng ăn mừng chiến công. Làng mở hội ba ngày, đến ngày thứ ba, hội lễ đang vui, bỗng dưng trời đất nổi phong ba, mưa như trút nước, gió lớn nổi lên trên bầu trời xuất hiện hai con giao Long và dân làng Tăng Bổng bỗng thấy Nhị vị tướng quân rẽ nước sông Hồng biến mất. Ngày đó là ngày 15 tháng 3 năm Quý Sửu khi Nhị vị tròn 22 tuổi. Nhân dân tưởng nhớ công ơn hai vị tướng công nên đã lập đình thờ và tôn Nhị vị tướng công là Thành Hoàng làng. Đình Tăng Bổng và nay là đình Bổng Điền được các triều đại phong kiến kế tiếp nhau sắc phong.

Lễ hội đền Bổng Điền có tục rước nước từ sông Hồng vào đền. Nghi lễ này tưởng nhớ Quế Hoa Công chúa. Truyền ngôn ở trang Hương Điền (nay là thôn Hương Điền, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư) có ông Đỗ Công kết duyên cùng bà Trần Thị, một đêm bà Trần Thị nằm mộng gặp Tiên cho cành hoa quế và từ đó bà có thai, ngày 15 tháng 8 năm 26 (sau công nguyên) sinh hạ một người con gái, ông bà đặt tên là Mỹ Hi. Vì mộng Tiên cho cành quế hoa nên đặt tên tự là Quế Hoa. Quế Hoa lớn lên mặt hoa da phấn, mắt phượng mày ngài, phong tư yểu điệu nhan sắc tuyệt trần, văn hay võ giỏi. Lên 8 tuổi Quế Hoa đã tinh thông kinh sử, thích cung kiếm. Năm 16 tuổi nhiều người dạm ngõ đều bị cự tuyệt. Thái thú Tô Định nghe tiếng đồn nàng Mỹ Hi tài sắc cho người về cầu hôn, Đỗ Công thương con nên cự tuyệt, xui Quế Hoa bỏ trốn. Tô Định tức giận liền cho người bắt giam và ám hại Đỗ Công. Quế Hoa tìm đến Hát Môn gia nhập đội quân của Hai Bà Trưng để “đền nợ nước, trả thù nhà”. Trong trận huyết chiến, quyết không để sa vào tay giặc, Quế Hoa đã nhảy xuống sông tự vẫn. Thi thể của bà trôi về khúc sông Tăng Bổng. Dân làng thương xót xây mộ và hương khói phụng thờ bà.

Ông Nguyễn Xuân Trường, cán bộ hưu trí thôn Bổng Điền, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư

Công lao giữ nước của nữ tướng thời Hai Bà Trưng là Quế Hoa Công chúa đã được Hai Bà Trưng phong “Tướng quân Quế Hoa” đồng thời các triều đại nối tiếp sau đã nhiều lần sắc phong: “Thượng đẳng thần tướng quân”; “Rực bảo hưng thượng đẳng thần”, đây là niềm tự hào của nhân dân Bổng Điền chúng tôi.

Ông Nguyễn Song Toàn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Tân Lập, huyện Vũ Thư

Ngày 14 tháng 11 năm 1989, đền Bổng Điền được nhà nước cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, đây là sự ghi nhận công đức của Quế Hoa Công chúa, nữ tướng thời Hai Bà Trưng đã cùng Bát Nạn tướng quân và Nữ tướng Lê Chân đánh giặc Đông Hán xâm lăng trong sự nghiệp giữ nước từ thế kỷ thứ nhất. Để tưởng nhớ người con ưu tú của quê hương, nhân dân đã xây dựng, giữ gìn tôn tạo đền thờ bà. Hàng năm nhân dân và chính quyền địa phương tổ chức mở hội truyền thống vào ngày 15 tháng 3 âm lịch để nhớ ơn các vị tiền bối có công gìn giữ quê hương và đất nước.

Ông Nguyễn Văn Hán, trưởng ban quản lý di tích cụm đình, đền, chùa Bổng Điền,xã Tân Lập, huyện Vũ Thư

Lăng mộ nữ tướng Quế Hoa Công chúa lúc đầu nằm trên đất Bổng Điền trang, tới năm 1880 lăng mộ nằm cạnh sông Hồng bị sạt lở nên đến năm 1923 lăng mộ được nhân dân đưa vào phía trong đê chấn thủy gần làng Hương Điền nay thuộc xã Việt Hùng. Nhân dân các xã quanh khu lăng mộ của bà góp công, góp của xây lăng mộ và đền thờ bà. Hàng năm lễ hội truyền thống đình, đền Bổng Điền ngoài tục rước nước (ý nghĩa là dòng nước giữ gìn trinh tiết Quế Hoa Công chúa), lễ hội còn có rước kiệu từ đền Bổng Điền lên đến lăng của bà ở làng Hương Điền, xã Việt Hùng.


Quang Viện