Thứ 5, 14/11/2024, 10:58[GMT+7]

Giấu vàng đổi ngãi

Thứ 2, 20/05/2019 | 09:01:24
7,993 lượt xem
Sử cũ chép: “Ất Mão (năm 1375),... xuống chiếu chọn các quan viên, người nào có tài năng, luyện tập nghề võ, thông hiểu thao lược thì không cứ là tôn thất đều làm tướng coi quân, đồng thời cho ra khỏi quân ngũ những người lính già cả, ốm yếu, bệnh tật...”. Đỗ Tử Bình đã được Trần Duệ Tông phát hiện và bổ nhiệm làm quan võ mặc dù ông vốn là một quan văn là vì vậy.

Đền Thái Bảo (thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng) - di tích lịch sử cấp quốc gia đang xuống cấp nghiêm trọng.

Truyền ngôn rằng, Chế Bồng Nga (Chiêm Thành) nhờ Đỗ Tử Bình mang về dâng vua Trần Duệ Tông 10 mâm vàng nhằm tạo mối hòa hiếu nhất thời, đánh lạc hướng Đại Việt để yên bề củng cố lực lượng với âm mưu đánh chiếm, quấy nhiễu biên cương phía Nam của Đại Việt. Nhận thấy âm mưu thâm độc của vua Chiêm, Đỗ Tử Bình giấu vàng đi và tâu với vua Trần Duệ Tông rằng Chế Bồng Nga vô lễ, cần phải đem quân đi hỏi tội. Vua Trần Duệ Tông nóng giận, khinh thường vua Chiêm, bỏ qua lời can ngăn của quần thần tức tốc thân chinh đem quân đi đánh Chiêm Thành. Mắc phải mưu của vua Chiêm, vua Trần Duệ Tông sa bẫy thành Đồ Bàn (Quảng Nam nay) tử trận, Đỗ Tử Bình bị bắt giam xa cũi về kinh thành xử tội…

Sử cũ ghi, thân phụ của Đỗ Tử Bình quê làng Tam, xã Hưng Nguyên, huyện Anh Đô, trấn Hoan Diễn (nay là huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Thân sinh ông là Đỗ Thiên Thư vốn là quan trị nhậm xứ Nghệ vì việc hình án bị biếm chức thiên cư đến phủ Long Hưng để lập nghiệp và dạy học ở chùa Dương Mai (chùa làng Tứ, xã Hồng Việt nay). Một gia nhân họ Nguyễn ở làng Tứ thấy Đỗ Thiên Thư là người “có chữ” đã gả con gái cho. Đỗ Tử Bình sinh ra ở làng Tứ vào năm Giáp Tý (1324) triều Trần Minh Tông. Thuở nhỏ Đỗ Tử Bình đã nổi tiếng thông minh, hiếu học. Đỗ Tử Bình được cha mẹ dành dụm cho ăn học, ông ham học và học rất giỏi, còn ít tuổi đã thi đỗ ngự tiền học sinh (tương đương tiến sĩ). Đến năm 22 tuổi (1346) ông được vua vời ra làm quan. Năm Mậu Tý (1348) tháng Giêng, mùa xuân Đỗ Tử Bình được bổ nhiệm làm Thị giảng. Năm Mậu Tuất (1358) tháng bảy, mùa thu Đỗ Tử Bình được cử giữ chức Viện xu mật sau được cử vào trấn giữ Thuận Hóa. Năm Tân Sửu (1361) tháng năm, mùa hạ Đỗ Tử Bình được giao việc điểm duyệt quân đội ở Lâm Bình và Thuận Hóa, sửa đắp thành Hóa Châu (Nghệ An nay). Tháng 12 cùng năm, Đỗ Tử Bình được cử làm Đồng tri Môn hạ bình chương sự. Năm Đinh Mùi (1367), Đỗ Tử Bình được vua Trần cử đi đánh Chiêm Thành. Năm Nhâm Tý (1372), tháng Tư, mùa hạ Đỗ Tử Bình được phong Hành khiển, tả tham mưu quân sự tiếp tục đem quân đi đánh Chiêm Thành. 

Được vua Trần vời vào triều làm quan văn nhưng Đỗ Tử Bình lại tinh thông nghiệp võ nên chẳng bao lâu sau ông được triều đình chuyển làm võ quan trực tiếp đem quân chinh phạt Chiêm Thành và tham gia xây dựng phòng tuyến phía Nam bảo vệ đất nước. Những năm tháng chinh chiến bình Chiêm, Đỗ Tử Bình đúc rút được nhiều bài học quân sự. Ông đã cùng một số tướng sĩ nhà Trần tham gia xây dựng phòng tuyến phía Nam viết nên kế sách “Bình Chiêm an quốc” được coi là kế sách quân sự hữu ích. Theo các nguồn khảo luận, nội dung kế sách “Bình Chiêm an quốc” là kê khai hộ khẩu và ruộng đất để huy động sức dân vào cuộc kháng chiến, dân đinh phải nộp tiền, ruộng đất tùy loại mà nộp thuế… nắm chắc dân đinh để tuyển thêm lính. Một điều đặc biệt trong kế sách của Đỗ Tử Bình thuở ấy mà ông đã đề cập đến kỹ thuật làm đường ngầm qua các sông, lạch giúp người và phương tiện qua sông không phải cầu đò; voi ngựa lội qua sông không bị nguột nước. Mặc dù bị mang tiếng tham lam giấu đi 10 mâm vàng nhưng Đỗ Tử Bình với tài trí thông minh, kinh nghiệm xử lý địa hình sông nước - nét đặc trưng nổi bật của địa hình Đại Việt địa thế sông ngòi chằng chịt, ông đã soạn dâng kế sách “Bình Chiêm an quốc” góp phần vào chiến thắng quân Chiêm giữ yên bờ cõi phía Nam và cũng vì vậy cuối đời Đỗ Tử Bình vẫn được triều đình phong kiến nhà Trần thăng chức Hành khiển. Thần tích đền Thái Bảo và lăng Đỗ Tử Bình ở làng Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng còn ghi: “Năm Canh Thân (1380) vua sai Đỗ Tử Bình và Hồ Quý Ly  xuất cả thủy, lục quân đại phá quân Chiêm, quân ta đại thắng về triều, Đỗ Công được phong Hành khiển đại thần (tể tướng)… các khe lạch đã có thần giúp nên khi quân qua sông không phải cầu đò cho đổi Long Hưng huyện thành Thần Khê huyện”. Năm Thành Thái thứ năm (1905) sắc phong: Sắc cho Thái Bình tỉnh, Tiên Hưng phủ, Thần Khê huyện, Phú Khê tổng, Phú Khê xã, Tứ Thôn từ  trước tới nay đã thờ Thần Triều Thái Bảo Đỗ Tử Bình tôn thần đã chứa đựng nhiều linh thiêng… nay gia ban thêm cho 4 chữ: “Dực bảo trung hưng”. Duy Tân năm 1911 sắc phong: “Trung Đẳng tôn thần”. Khải Định năm thứ hai (1917)… Sắc “Thôn Tứ đã được chuẩn chỉ thờ phụng Dực bảo trung hưng Trần triều Thái Bảo Đỗ Tử Bình trung đẳng tôn thần… nay thêm cho 2 chữ đẹp là Quang úy túy mục trung đẳng tôn thần. Sau khi ông mất vào năm Tân Dậu (1381), tưởng nhớ công ơn quan Hành khiển Đỗ Tử Bình, dân làng Hưng đã lập đền thờ ông. Sách “An Nam chí” của Cao Hùng Trúng đời nhà Minh (Trung Quốc) ghi rằng: Khi còn sống, nơi Đỗ Tử Bình ở được ghi “huyện Cổ Lan có vườn Tử Bình trong vườn có mai, trúc, khe suối và hồ ao, là một chỗ thắng cảnh để du thưởng”. 

Theo sử cũ ghi thời thuộc Minh huyện Thần Khê sáp nhập vào huyện Cổ Lan, nơi ấy nay dấu tích mờ phai. Đền thờ Đỗ Tử Bình được xây trên một gò cao, cây mọc xum xuê phía trước có dòng nước uốn khúc như rồng lượn chầu vào, xung quanh có những thửa đất hình voi chầu, hổ phục, nhạc ngựa, cán cờ…. Trước cửa lăng có chiếc cầu đá chếch lên phía Tây Nam có gồ Quán Cháy. Các bậc cao niên làng Tứ vẫn thường kể cho con cháu nghe: Trước  khi “thác” Đỗ Tử Bình nói với những người lính đã từng theo ông bao năm chinh chiến: “Ai nhớ vợ, nhớ con thì về”. Có một người lính nghe nói vậy bèn sốt sắng xin ông cho về quê. Không hiểu sao đi được nửa đường người lính ấy lại quay trở lại. Lúc này thi hài Đỗ Tử Bình đã được an táng. Người lính chạy đến bên hầm mộ nhưng cửa hầm đã bị lấp. Giận mình không phải người “ân sâu, nghĩa nặng” với quan Hành khiển, người lính này đã dậm chân lên cầu đá, dấu chân hằn lên mặt cầu to hơn chân người bình thường. Quanh quẩn bên hầm mộ của Đỗ Tử Bình một hồi lâu, người lính ấy tiếp tục đi, nhưng đi được một đoạn đường, bỗng trời trở giông gió, sấm chớp ầm ầm, người lính ấy bị sét đánh chết. Dân làng thương tình đắp cho ngôi mộ thành gò cao và dân gian quen gọi là gò Quán Cháy. Sử cũ ghi: Đời vua Trần Duệ Tông (1372 - 1377), quan Hành khiển Đỗ Tử Bình được lệnh trấn giữ ở Hóa Châu (nay là tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị). Vua Trần Duệ Tông là con thứ mười một của vua Trần Minh Tông và là em của ba vị vua Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông và Trần Nghệ Tông. Mẹ ông là Đôn Từ Hoàng Thái phi. Lên ngôi, Trần Duệ Tông tiếp tục đường lối của các vua Trần liên tục tuyển chọn nhân tài cho quốc gia. 

Sử cũ chép: “Ất Mão (năm 1375),... xuống chiếu chọn các quan viên, người nào có tài năng, luyện tập nghề võ, thông hiểu thao lược thì không cứ là tôn thất đều làm tướng coi quân, đồng thời cho ra khỏi quân ngũ những người lính già cả, ốm yếu, bệnh tật...”. Đỗ Tử Bình đã được Trần Duệ Tông phát hiện và bổ nhiệm làm quan võ mặc dù ông vốn là một quan văn là vì vậy.

Cựu chiến binh Trần Xuân Thao, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng

Đền Thái Bảo và lăng mộ Thái Bảo Đỗ Tử Bình được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1999 nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Chùa làng bị giặc Pháp đốt phá năm 1953, toàn bộ tượng Phật được nhân dân cất giấu đến năm 2000 nhân dân đã đưa tượng Phật vào nhà sắp lễ của di tích để tôn thờ. Chúng tôi mong các cấp chính quyền thể theo nguyện vọng tín ngưỡng của nhân dân tạo điều kiện để nhân dân thôn Tứ chúng tôi khôi phục chùa làng thờ tự Phật pháp, trả lại cảnh quan cho di tích.

Cựu chiến binh Phạm Quang Hải, Trưởng ban quản lý di tích lịch sử quốc gia đền Thái Bảo


Mùa mưa bão năm 2019 đã tới, chúng tôi rất lo ngại di tích có thể bị sụp đổ do xuống cấp nghiêm trọng, chúng tôi tha thiết đề nghị các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện chống xuống cấp cho di tích.

Ông Trần Văn Sử, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng

Chi hội Cựu chiến binh thôn Tứ rất chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa di tích đền Thái Bảo nhằm khơi dậy niềm tự hào và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ Hồng Việt.

Ông Phạm Minh Cảnh, nguyên trưởng thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng

Sau hòa bình lập lại năm 1954, nhân dân thôn Tứ chúng tôi đã tích cực vận động quyên góp tu sửa di tích, nhưng do kinh tế hạn chế, khó khăn về vật liệu xây dựng nên chất lượng công trình không bảo đảm, nay đền đã xuống cấp nghiêm trọng.


Quang Viện

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày