Thứ 7, 23/11/2024, 21:17[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Thứ 5, 23/05/2019 | 15:11:29
1,506 lượt xem
Sáng ngày 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Đại biểu quốc hội Phạm Văn Tuân phát biểu thảo luận.

Audio: 2305_quoc_hoi_mixdown.mp3

Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có 36 điều, 7 chương quy định về các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Tuân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị lấy tên luật là “Luật Kiểm soát đồ uống có cồn” để phù hợp với giải thích từ ngữ về rượu, bia đồng thời từ tên gọi của Luật xác định mục tiêu, phạm vi điều chỉnh và những biện pháp để thực hiện Luật trên với 3 mục đích chính: thứ nhất là bảo vệ sức khỏe người dân, hai là thay đổi nhận thức của người dân về sử dụng rượu - bia, ba là các biện pháp ngăn chặn phòng ngừa vi phạm pháp luật. Tên gọi như vậy để thể hiện được mục tiêu của dự án Luật đồng thời cũng phù hợp với Chính sách quốc gia về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 và Chiến lược toàn cầu về giảm thiểu tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn của Tổ chức Y tế thế giới; đề nghị không quy định về việc “quảng cáo phải có cảnh báo về tác hại của rượu, bia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế” tại Khoản 4 Điều 12. Quy định này mâu thuẫn với quy định tại của Luật Quảng cáo, Luật Đầu tư và Luật An toàn thực phẩm. Từ đó, dẫn đến sự chồng chéo giữa Bộ Y tế và Bộ Công Thương trong việc quản lý sản phẩm Bia và không phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng, đổi mới thể chế, chính sách trong việc đổi mới thủ tục hành chính; Việc quản lý rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện nay còn chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. 

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa thể hiện rõ được nội dung, biện pháp có tính khả thi trong quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ trong khi đây là nội dung cần phải quy định cụ thể nhất vì sản phẩm này là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nhiều nhất, chiếm trên 70% sản lượng rượu tiêu thụ trên thị trường và gây thất thu cho ngân sách nhà nước. 

Hàng năm ngân sách nhà nước thất thu khoảng hai ngàn tỷ đồng từ rượu không kiểm soát được. Vì vậy, nếu quản lý tốt rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ thì ngân sách có thể có nguồn để bổ sung kinh phí, góp phần thực hiện tốt các nội dung được quy định trong Luật.           

Buổi chiều, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thư viện. Sau đó, các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự án Luật trên.


Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày