Thứ 2, 07/04/2025, 11:21[GMT+7]

Nỗ lực vượt qua mọi cú sốc, khó khăn, thách thức, bảo đảm tăng trưởng như mục tiêu đề ra

Chủ nhật, 06/04/2025 | 11:40:14
556 lượt xem
Sáng 6/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và quý I/2025 trực tuyến tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm thảo luận các vấn đề về kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và thời gian tới…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và quý I/2025 trực tuyến với các địa phương (Ảnh: TRẦN HẢI).

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua 1/4 thời gian năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược diễn ra ngày càng phức tạp, mạnh mẽ và nhạy cảm hơn. Vừa qua Hoa Kỳ đột ngột công bố chính sách thuế quan rất cao; căng thẳng thương mại leo thang có thể dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng; nhiều nước, đối tác có phản ứng khác nhau, các thị trường chứng khoán quốc tế sụt giảm, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam, tác động mạnh tăng trưởng và sự ổn định kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng nêu rõ, ngay từ đầu năm, chúng ta đã chủ động thực hiện các biện pháp, trong đó lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đã giao thiệp tất cả các kênh ngoại giao với phía Hoa Kỳ: Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump; các Bộ trưởng đã trao đổi trực tuyến với các đối tác; trong nước chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp.

Về kinh tế thương mại, đã nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu, tạo thuận lợi cho nhập khẩu hàng hoá từ các nước trong đó có Hoa Kỳ; Thủ tướng Chính phủ đã gặp các nhà đầu tư Hoa Kỳ và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; chúng ta đã giải quyết các yêu cầu chính đáng của phía Hoa Kỳ…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Điều này cho thấy nỗ lực của Việt Nam trên cơ sở lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, giữ thái độ điềm tĩnh, bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam mỗi khi gặp khó khăn hay gặp các cú sốc bên ngoài như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, lũ lụt, thiên tai với tinh thần văn hoá, trí tuệ Việt Nam, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả. Chúng ta cũng chia sẻ với các đối tác, nhất là việc hợp tác như đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng vì “không thể vì việc này mà làm hỏng việc khác”; phải đặt quan hệ tổng thể thương mại của Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là các nước đã ký Hiệp định FTA với nước ta.

Thủ tướng khẳng định Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng không phải là thị trường duy nhất; vì thế phải xem xét toàn diện để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.

Phiên họp được truyền trực tuyến tới Uỷ ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Ngày 3 và 5/4, Thường trực Chính phủ đã họp với các bộ, ngành bàn giải pháp ứng phó với việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng; đặc biệt Tổng Bí thư Tô Lâm đã vừa có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump tối 4/4. Trong cuộc họp ngày 5/4, Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu cần thực hiện các biện pháp ngoại giao để đề nghị Hoa Kỳ hoãn áp thuế này trong thời gian hai bên đàm phán. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng đã lắng nghe các ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, trước hết.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh chúng ta phải đặt quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ vào tổng thể quan hệ thương mại với các nước, thương mại, các hiệp ước về thương mại mà Việt Nam tham gia. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh và bền vững, số hoá, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để vươn lên; cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, nâng cấp chất lượng hàng hoá tốt hơn để thâm nhập các thị trường khác còn nhiều cơ hội như Trung Đông, Trung Á, Đông Á, Nam Mỹ, Ấn Độ, các nước ASEAN.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Trong quá trình này, Chính phủ luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư Tô Lâm. Theo Thủ tướng, nếu chúng ta luôn chủ động, tích cực, có giải pháp hiệu quả thì sẽ hạn chế được bất lợi. Mặc dù với những cú sốc như vậy, việc không phải dễ khắc phục được ngay, nhưng chúng ta đã có giải pháp đồng bộ, toàn diện, tổng thể đối phó chứ không phải “giật cục”, không phải “thấy đâu làm đấy”; vừa có cả giải pháp trước mắt và vừa có giải pháp lâu dài, tổng thể, chiến lược và cụ thể, thương mại và phi thương mại, trực tiếp và gián tiếp.

Thủ tướng nêu rõ, trong nước, các cấp, các ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm quý I/2025, đặc biệt là tập trung 5 nhóm nhiệm vụ quan trọng khác với quý I/2024 là: thúc đẩy tăng trưởng 8% trở lên theo kịch bản mới được Trung ương và Quốc hội thông qua, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho tăng trưởng 2 con số những năm tới nhằm đạt 2 mục tiêu phát triển 100 năm; tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp; rà soát hoàn thiện các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng, chuẩn bị tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; chuẩn bị tổ chức kỷ niệm các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước.

Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà trực tiếp là Tổng Bí thư Tô Lâm, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng nhân dân và nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội tháng sau tốt hơn tháng trước, quý I/2025 tốt hơn cùng kỳ năm trước trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng quý I/2025 đạt 6,93%, cao hơn so cùng kỳ 5 năm qua, cao hơn kịch bản tăng trưởng ban đầu, tuy nhiên lại thấp hơn kịch bản tăng trưởng mới.

Dù vậy, đây cũng là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh mới hiện nay, là mức tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát bội chi ngân sách, nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài; 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tăng trưởng tích cực, đặc biệt là nông nghiệp; các lĩnh vực an sinh xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế được quan tâm, chăm lo; công tác xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được củng cố; tăng cường công tác đối ngoại; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Chúng ta phải tăng trưởng kinh tế thì mới có nguồn lực cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm cho nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, không thể chủ quan, không thể “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, phải thấy rõ các hạn chế, bất cập của nền kinh tế như sức ép điều hành tỷ giá, lãi suất còn lớn; sức mua phục hồi chậm; chính sách đất đai, thị trường bất động sản còn bất cập; về điểm này, Thủ tướng yêu cầu phải chấn chỉnh công tác đấu giá đất, không để xảy ra thao túng bất động sản, làm mất lòng tin của nhân dân, mất ổn định xã hội; Bộ Công an phải vào cuộc xử lý, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải có giải pháp, chế tài xử lý việc này.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ việc tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so cùng kỳ năm ngoái, vì điều này gây lãng phí vì cùng một điều kiện, có bộ, ngành giải ngân tốt, có nơi làm không tốt. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tăng trưởng quý I thấp hơn theo kịch bản mới, do đó phải có giải pháp khắc phục.

Các thành viên Chính phủ, đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Phiên họp này, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu phân tích thêm bối cảnh quý I có gì khác so quý I/2024; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố; tình hình kinh tế-xã hội có gì nổi bật, ấn tượng, băn khoăn, trăn trở; bối cảnh tình hình hiện nay, dự báo quý II như thế nào, khó khăn, thách thức gì, phải làm gì để vượt qua khó khăn? Xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II và những tháng còn lại; lưu ý những việc nào cần phải làm ngay, trước mắt và lâu dài để ứng phó tình hình hiện nay trên thế giới, nhất là khả năng chiến tranh thương mại xảy ra.

Từng bộ, ngành, địa phương phải làm gì để đạt được mức tăng trưởng 8% trở lên? Phải sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính nhưng phải kế thừa các công việc đang làm; phải thực hiện tốt Nghị quyết 57 và 59 của Bộ Chính trị; cần có cơ chế, chính sách để tháo gỡ những vướng mắc về mặt thể chế liên quan quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho nhân dân? Cần thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công thì sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), nhất là xuất khẩu đang bị ảnh hưởng lớn.

Về vấn đề, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng cần lưu ý gì? Nhất là xoá nhà tạm, nhà dột nát, phát triển nhà ở xã hội, nhất là phải quyết tâm cao xoá nhà tạm, thúc đẩy chính sách mua và thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp thích ứng như thế nào để không ảnh hưởng nhiệm vụ chính trị? Chúng ta phải làm với phát triển được, sắp xếp tổ chức bộ máy thì mới tăng cường hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng quản lý Nhà nước. Các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức phải "cùng chung nhịp đập", tất cả vì sự phát triển của đất nước.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong các đại biểu phát biểu đi thẳng vào vấn đề, có trọng tâm, hiến kế, đánh giá tình hình, nguyên nhân, nhất là bài học trong quản lý điều hành.

Theo: nhandan.vn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày