Chủ nhật, 10/11/2024, 05:36[GMT+7]

Phòng cháy, chữa cháy di tích không chủ quan, lơ là

Thứ 5, 08/08/2019 | 09:48:30
1,221 lượt xem
Phòng cháy, chữa cháy tại các di tích là việc phải làm thường xuyên, lâu dài mà các cấp, ngành, người dân cần quan tâm thực hiện.

Lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chùa Keo kiểm tra, vệ sinh thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Toàn tỉnh hiện có gần 3.000 di tích, trong đó có nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật. Sở hữu công trình kiến trúc cổ từ thời Lý, chùa Keo (Vũ Thư) là một trong 10 kiến trúc cổ tiêu biểu và là một trong ba ngôi chùa tiêu biểu của Việt Nam. Hầu hết các công trình kiến trúc của chùa được làm bằng gỗ, trong đó phải kể đến gác chuông 3 tầng cao 12m bằng gỗ lim. Mỗi năm, chùa Keo đón hàng chục nghìn lượt khách về dâng hương, tham quan, vãn cảnh. Bởi vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được Ban Quản lý di tích chùa Keo đặt lên hàng đầu.

Ông Đỗ Ngọc Trung, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Vũ Thư, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý di tích chùa Keo cho biết: Do là di tích quốc gia đặc biệt với đa số công trình được làm bằng gỗ nên công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được chú trọng. Hàng năm, lực lượng bảo vệ của chùa được công an tỉnh, công an huyện tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy. Các phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy cũng được quan tâm, đầu tư. Ban Quản lý đã mua máy bơm công suất lớn, thường xuyên kiểm tra, vệ sinh bình chữa cháy, vệ sinh các tiêu lệnh chữa cháy. Hệ thống điện xung quanh chùa cũng được chạy bằng cáp ngầm. Bên cạnh đó, Ban Quản lý đã tuyên truyền trên loa truyền thanh, nhắc nhở du khách chỉ thắp hương ở bát hương công đồng, không thắp trong nội tự; thực hiện nghiêm giờ đóng, mở cửa chùa...

Quản lý di tích, trong đó có phòng cháy, chữa cháy đã được các đơn vị, địa phương quan tâm. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập các tổ công tác, tổ chức kiểm tra việc phòng cháy, chữa cháy vào dịp lễ hội mùa xuân, thu. Công tác phòng cháy, chữa cháy tại các di tích lớn như: di tích cấp quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt đã được chú trọng thực hiện... Tuy nhiên, đó là chuyện ở các di tích lớn còn tại một số di tích do xã, phường, thị trấn quản lý, công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn còn những hạn chế, còn thiếu thiết bị phòng cháy, chữa cháy, còn tình trạng thắp hương trong nội tự... Sự cố cháy di tích lịch sử cấp quốc gia tại đình cổ Lưu Xá, xã Đông Phương (Đông Hưng) vào năm 2017 là bài học đắt giá cho những người làm công tác quản lý di tích. Ngọn lửa đã nhanh chóng thiêu rụi ngôi đình cổ hơn 300 năm tuổi với nhiều cột kèo bằng gỗ lim mà cho đến nay khó có thể khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý di tích là phòng cháy, chữa cháy. Ở các di tích cấp quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, công tác phòng cháy, chữa cháy đã được quan tâm thường xuyên. Tuy nhiên, tại một số di tích do các xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý, vấn đề phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy còn thiếu nhiều trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; vẫn còn tình trạng thắp hương trong nội tự, đốt vàng mã... Nguyên nhân là do một số ban quản lý di tích các địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn chủ quan; phương tiện phòng cháy, chữa cháy thiếu thốn; kinh phí dành cho công tác quản lý di tích còn hạn chế... Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử, văn hóa; tăng cường kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Ngoài việc tổ chức phần lễ, phần hội đúng quy định phải bảo đảm các công cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại các di tích.

Đình, đền, chùa từ lâu đã trở thành những di tích lịch sử, văn hóa quan trọng của mỗi địa phương và là nơi gắn kết cộng đồng dân cư. Vì vậy, nếu xảy ra cháy làm ảnh hưởng đến di tích là điều vô cùng đáng tiếc bởi sẽ khó lấy lại được nét cổ kính của kiến trúc ban đầu. Việc gây dựng lại di tích còn tốn rất nhiều thời gian, chi phí chưa kể đến giá trị từ những cổ vật bên trong di tích cũng như công lao xây dựng, tu bổ, giữ gìn của nhiều thế hệ. Vì thế, phòng cháy, chữa cháy tại các di tích là việc phải làm thường xuyên, lâu dài mà các cấp, ngành, người dân cần quan tâm thực hiện. Về việc phòng, chống cháy, nổ ở bảo tàng và di tích, UBND tỉnh đã có những văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, di tích trong đó có công tác phòng cháy, chữa cháy. Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, các địa phương, đặc biệt là ban quản lý các di tích cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở việc phòng cháy, chữa cháy đồng thời tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, trang bị những vật dụng thiết yếu, bồi dưỡng kỹ năng nhằm chủ động phòng cháy, giảm thiểu thiệt hại khi không may xảy ra cháy. Mỗi người dân, du khách khi đến các di tích cũng cần nêu cao ý thức, trách nhiệm để bảo lưu, gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc.

Hoàng Lanh 

  • Từ khóa