Thứ 7, 16/11/2024, 06:24[GMT+7]

Trọn tình người quê lúa trên đất Hải Dương

Thứ 2, 16/09/2019 | 10:01:26
1,690 lượt xem
Tháng 10 này, Hội Đồng hương Thái Bình tại Hải Dương kỷ niệm 29 năm ngày thành lập. Chừng ấy năm không phải dài so với quãng thời gian những người con Thái Bình sang đất Hải Dương sinh sống, lập nghiệp, song với những hoạt động thiết thực, Hội Đồng hương (HĐH) Thái Bình tại Hải Dương đã trở thành sợi dây gắn kết tình người quê lúa, tiếp thêm động lực cho những người con quê gốc Thái Bình vươn lên trên mọi mặt công tác, xây dựng quê hương thứ hai Hải Dương ngày càng giàu đẹp.

Ông Đạt (thứ 2 từ trái sang), người xây dựng thành công thương hiệu bánh đậu xanh Nguyên Hương ở Hải Dương, tặng quà chị Nguyễn Thị Nhài có hoàn cảnh khó khăn ở xã Đoàn Thượng (Gia Lộc)

Thắm đượm tình đồng hương

Tôi gặp các ông trong Ban Liên lạc HĐH Thái Bình tại Hải Dương vào một ngày tháng 8. Tiết trời mùa thu dịu mát làm cuộc gặp mặt càng trở nên vui vẻ với những câu chuyện về nơi chôn nhau cắt rốn, những năm tháng tuổi thơ vui đùa trên cánh đồng làng của lớp người nay đã ở vào tuổi cao niên.

Cảnh ấy gợi tôi nhớ đến những câu thơ nói về tình đồng hương đầy trân quý "Dù ai cho bạc cho vàng/Không bằng gặp được người làng ở đây". Dường như đó cũng chính là lý do mà cách đây gần 30 năm đã thôi thúc nhiều người con quê gốc Thái Bình đang sinh sống ở Hải Dương tìm đến với nhau, thống nhất thành lập Ban Liên lạc đồng hương Thái Bình tại thị xã Hải Dương (nay là HĐH Thái Bình tại Hải Dương) để thỏa niềm thương, nỗi nhớ với quê nhà và giúp đỡ, chia sẻ với nhau trong cuộc sống.

Cùng với thời gian, hoạt động của HĐH Thái Bình tại Hải Dương ngày càng khăng khít, tạo  tình cảm tốt đẹp giữa các hội viên. Ngày mới thành lập, hội có 100 hội viên, sinh hoạt tại 6 tổ. Đến nay, hội đã thu hút tổng số hơn 500 hội viên ở các lứa tuổi thuộc nhiều ngành nghề, nhiều địa phương trong tỉnh Hải Dương tham gia sinh hoạt ở 16 chi hội. Dù cuộc sống "cơm áo gạo tiền" còn bao lo toan, song nhờ vai trò gắn kết của hội, các hội viên đã dành cho nhau nhiều tình cảm chân thành thể hiện qua các hoạt động nghĩa tình.

Ông Đinh Quang Sáng, Trưởng Ban Liên lạc HĐH Thái Bình tại Hải Dương cho biết hội đã bổ sung, hoàn thiện quy ước chung và cuốn danh sách trích ngang của tất cả các hội viên. Đây là nền tảng để khẳng định vai trò, sức sống của hội cũng như mang đến niềm tự hào là người con quê gốc Thái Bình đối với các hội viên. Những năm qua, hội duy trì tốt hoạt động gặp mặt, giao lưu vào các ngày kỷ niệm, lễ, Tết; thăm hỏi hội viên khi ốm đau, hoạn nạn, chúc thọ hội viên cao tuổi; thông tin tình hình chung về kinh tế - chính trị - xã hội tỉnh Thái Bình...

Nhiều chi hội có các hình thức sinh hoạt phong phú như tổ chức gặp mặt, giao lưu định kỳ hằng tháng, hằng quý, chúc mừng nhau khi con cháu đạt thành tích cao trong học tập, khi xây dựng gia đình, tổ chức các chuyến hành hương cho hội viên. Có chi hội còn thể hiện sự khăng khít như khi hội viên qua đời, tất cả hội viên đều đeo băng tang chia buồn cùng gia đình. Bên cạnh đó, hội cũng có một số hoạt động mở rộng quan hệ giao lưu với các HĐH khác trong và ngoài tỉnh, vận động kinh phí ủng hộ Quỹ Vì người nghèo do Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình phát động...

Hầu hết các hội viên tham gia sinh hoạt hội đều vui và cảm nhận rõ tình cảm chân thành của những người đồng hương, thêm mến yêu nguồn cội quê nhà. Ngay từ những ngày đầu về Hải Dương sinh sống, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hà, quê gốc xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, hiện ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) đã tham gia HĐH Thái Bình tại Hải Dương.

"Tôi đã từng xa quê nhiều năm, ở nhiều nơi, rồi về với Hải Dương như có duyên vậy. Tham gia sinh hoạt hội tôi nhận ra một điều rằng tình người Hải Dương ấm áp bao nhiêu thì tình đồng hương của người Thái Bình trên đất Hải Dương cũng ấm áp bấy nhiêu", chị Hà chia sẻ.

Nỗ lực đóng góp cho quê hương thứ hai

Khi tôi hỏi về những đóng góp của người quê gốc Thái Bình trên quê hương thứ hai này, một vị trong Ban Liên lạc HĐH Thái Bình tại Hải Dương ngâm nga 2 câu thơ trong bài thơ "Thái Bình quê hương tôi" của nhà thơ Quan Vân: "Thái Bình tôi đó bạn ơi/Anh tài nhân kiệt khắp nơi tung hoành".

Bao người con Thái Bình hằng ngày hăng say lao động sản xuất, không ngừng vươn lên, đóng góp tích cực cho Hải Dương. Đến nay, nhiều hội viên đang giữ cương vị chủ chốt trong nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Hải Dương. Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào hay làm những công việc bình dị, những người con quê gốc Thái Bình cũng dành trọn tâm huyết, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Trong những dịp kỷ niệm, gặp mặt, HĐH Thái Bình tại Hải Dương luôn động viên, khuyến khích các hội viên chấp hành tốt chủ chương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy tốt phẩm chất con người quê lúa, vươn lên trong mọi mặt công tác.

Là một cán bộ trẻ ở Hải Dương, tiến sĩ Nguyễn Tác Lũy, sinh năm 1981, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết: "Tôi luôn tự hào vì được sinh ra ở mảnh đất xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, Thái Bình. Tôi nghĩ rằng mình sống và làm việc ở đâu cũng luôn phải nỗ lực hết mình để làm người có ích cho xã hội. Mỗi lần nghe các bậc lão thành trong hội chia sẻ những kỷ niệm về quê hương càng nhắc nhớ tôi phải ra sức phấn đấu công tác ngày càng tốt hơn nữa".

Người Thái Bình vốn chăm chỉ, sống chan hòa với mọi người. Đức tính ấy được bao người con Thái Bình luôn ghi nhớ, phát huy trong đời sống hằng ngày. Năm 1994, chị Trương Thị Hà ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy (Thái Bình) khăn gói theo chồng sang Hải Dương lập nghiệp.

Những năm đầu nơi đất khách quê người, bao lần chị Hà rơi nước mắt vì thương nhớ người thân, vì khó khăn vất vả chất chồng. Song ý chí của người con quê lúa đã giúp chị kiên cường vượt qua những năm tháng ấy. Đến nay, chị tảo tần cùng chồng vun đắp cuộc sống hạnh phúc gia đình, được nhiều người khen ngợi.

Hiện chị Hà còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu I, phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương). Khi nhắc về quê hương, chị Hà xúc động cho biết: "Tôi may mắn là người Thái Bình nhưng càng may mắn hơn vì được cùng quê với lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Mỗi khi nhớ về quê hương, tôi luôn tự hào và coi đó là động lực to lớn để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Với hoạt động của Chi hội Phụ nữ khu, tôi lúc nào cũng hoàn thành xuất sắc. Vì vậy khi biết tôi không phải người gốc Hải Dương nhưng hăng hái tham gia công tác xã hội ở cơ sở ai cũng bất ngờ. Tôi chỉ nghĩ rằng mình ở đâu cũng gắn bó với nơi ấy giống như quê nhà mình vậy".

Khi viết bài này, tôi khá ấn tượng với cuộc sống "tam đại đồng đường" của gia đình ông Ngô Hoàng Cầm (90 tuổi) ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương). Quê ông ở xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư (Thái Bình). Đến nay đã hơn nửa đời ông gắn bó với mảnh đất Hải Dương. Bao năm qua, gia đình ông vẫn giữ đầy đủ những phẩm chất, cốt cách của người Thái Bình, nhất là về truyền thống hiếu học.

Gia đình ông Cầm hiện là một gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương. Ông vốn là thầy giáo nên luôn dạy các con, cháu mọi điều hay lẽ phải. Đến nay, các con, cháu ông đều đỗ đạt các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài nước, gặt hái được nhiều thành công trong công việc.

Chủ tịch HĐH Thái Bình tại Hải Dương Trần Quang Sáng tự hào cho biết thêm nhiều người Thái Bình sang Hải Dương lập nghiệp, đã nỗ lực hết mình trên quê hương mới. Ở mặt trận kinh tế cũng có nhiều người hăng hái làm giàu trên quê hương Hải Dương. Tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Đạt là người huyện Quỳnh Phụ, nay đã xây dựng thành công thương hiệu bánh đậu xanh Nguyên Hương nức tiếng gần xa. Bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, quê ở huyện Quỳnh Côi xây dựng thành công thương hiệu bánh gai Minh Ngọc, được nhiều người trong và ngoài tỉnh Hải Dương biết đến. Anh Nguyễn Ngọc Bình quê gốc ở huyện Thái Thụy, trở thành doanh nhân giỏi trên đất Hải Dương với thương hiệu mũ bảo hiểm Bezthai...

Thanh Nga

(Báo Hải Dương)

(Bài dự thi viết về Người Thái Bình, đất Thái Bình)


  • Từ khóa