Thứ 7, 16/11/2024, 06:55[GMT+7]

Người thầy thuốc quê hương “5 tấn” gắn bó với mảnh đất Ninh Bình

Thứ 2, 16/09/2019 | 14:24:46
1,279 lượt xem
Sau nhiều lần nhờ chắp mối và hẹn gặp, tôi mới gặp được Đại tá, Bác sĩ Chuyên khoa I Đỗ Văn Bình, Chủ nhiệm Khoa Tai – Mũi - Họng, Bệnh viện Quân y 5, Cục Hậu cần, Quân khu 3 trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng, sạch sẽ tại phố Phúc Thái, phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) để cùng chuyện trò về nghề y cao quý, về những đặc thù của nghề làm bác sĩ phục vụ trong ngành quân đội và cả những niềm vui, sự tự hào của một người cha khi anh có một gia đình hạnh phúc, các con học giỏi, trưởng thành.

Đại tá Đỗ Văn Bình khám cho người bệnh tại khoa Tai – Mũi - Họng.

Thầy thuốc Đỗ Văn Bình cho biết, anh vào nghề Y như một cái duyên, bởi gia đình anh không có ai theo nghề này và gắn bó với nó đến nay tròn 28 năm tại Bệnh viện Quân y 5. 

“Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông tại xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp lớp 10, tôi tình nguyện xung phong đi bộ đội và được cử đi học tại trường Văn hóa Quân khu 2, sau đó thi vào Học Viện Quân y. Những ngày học tập tại trường, đó là những ngày tháng đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nên những bác sĩ được đào tạo trong Học Viện Quân y mang trong mình một sứ mệnh cao cả là phải học tập nghiêm túc, thực sự say nghề, nỗ lực cố gắng để có được trình độ nhất định, sau này không chỉ cứu chữa bệnh cho những người lính trong quân ngũ mà tất cả những người dân có nhu cầu...” – Thầy thuốc Đỗ Văn Bình nhớ lại những năm tháng học tập tại Học Viện Quân y.

Năm 1991, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa, bác sĩ Bình được Cục cán bộ, Bộ Quốc phòng phân công về công tác tại Bệnh viện Quân y 5 tỉnh Ninh Bình, cách xa gia đình và quê hương Thái Bình gần 100km. Xác định ở đâu cũng là nhiệm vụ và được chăm sóc sức khỏe cho những người lính nói riêng, cho nhân dân nói chung là trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả, bác sĩ Bình rất vui vẻ và yên tâm nhận nhiệm vụ. Khi công việc mới tạm thời ổn định tại Bệnh viện Quân y 5, trước sự động viên của cấp trên, dù lúc này vợ anh đang mang bầu người con thứ nhất đã 7 tháng, nhưng anh vẫn tình nguyện tăng cường ra công tác tại đảo Phan Vinh, Quần đảo Trường Sa 2 năm. Tại đây anh có những ngày tháng gắn bó với cuộc sống vất vả, gian khổ của những người lính hải quân và có được kỷ niệm đáng nhớ khi cùng đồng đội tại Bệnh xá Quân y Đảo Phan Vinh cấp cứu, vận chuyển kịp thời 21 thương bệnh binh bị bỏng trên tàu 611 vào bờ an toàn, không để xảy ra thương vong, được Bộ Tư Lệnh Hải Quân tặng Bằng khen cho tập thể Bệnh xá và cá nhân bác sĩ Bình.

Có 28 năm công tác tại Bệnh viện Quân y 5, kinh qua nhiều nhiệm vụ, công tác ở nhiều khoa, phòng, từ khoa Truyền nhiễm, khoa Ngoại chung, sau này là Khoa Tai – Mũi – Họng, ở địa vị công tác nào, từ khi là bác sĩ, cho đến khi là lãnh đạo Chủ nhiệm Khoa, Đại tá Đỗ Văn Bình luôn xác định rõ trách nhiệm của mình để nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, làm gương cho các bác sĩ, nhân viên trẻ tại khoa, tại bệnh viện. Những năm mới lập gia đình, vợ một mình ở tập thể, xa gia đình nội ngoại, con còn nhỏ, cuộc sống gia đình khó khăn, nhưng bác sĩ Bình vẫn tình nguyện ra công tác tại đảo, sau đó tiếp tục đi học chuyên khoa cấp I, hệ sau đại học, Học Viện Quân y, giúp mình có một trình độ chuyên môn vững vàng. Đồng thời, trong quá trình công tác, anh không ngừng học tập, nghiên cứu thêm tài liệu và học hỏi thêm từ các đồng nghiệp, bạn bè.

 Đặc biệt, dù công việc chuyên môn khá bận rộn, vất vả, hàng chục năm liền anh là bác sĩ chính tại khoa Tai – Mũi – Họng, đảm nhiệm chủ yếu công việc tại khoa, hàng tháng khám cho 600 - 700 lượt người bệnh, điều trị nội trú cho 600 - 700 người/năm, thực hiện phẫu thuật cho trên dưới 200 ca bệnh/năm và nhiều nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, phối hợp thực hiện nhiệm vụ quân – dân y kết hợp..., nhưng bác sĩ Bình vẫn dành thời gian nghiên cứu khoa học và là người chủ trì đảm nhiệm nhiều đề tài khoa học, được áp dụng hiệu quả trong khám chữa bệnh tại Bệnh viện Quân y 5. Trong đó phải kể đến các đề tài như: “Áp dụng kỹ thuật vá màng nhĩ bằng cân cơ thái dương tự thân”; “Một số nhận xét chẩn đoán và kết quả điều trị qua 27 ca đường rõ bẩm sinh TMH từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2015”; “Nhận xét qua 12 ca dị vật họng, thực quản được khám và điều trị tại Bệnh viện quân y 5”; “Đánh giá kết quả phẫu thuật cắt Amydal được gây mê nơi khí quản dùng dao điện máy ERBEIC 300”... là những đề tài khoa học do anh làm chủ, được thực hiện đều đặn hàng năm, khẳng định sự ham học hỏi, say mê nghiên cứu khoa học của bác sĩ Bình, để không ngừng áp dụng các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Với những cố gắng, trách nhiệm của mình đối với người bệnh và nhiệm vụ được giao tại Bệnh viện Quân y 5, Đại tá Đỗ Văn Bình được nhận nhiều danh hiệu cao quý như Bằng khen, Giấy khen của Cục Hậu Cần, Bộ Tư lệnh Quân khu, như:  Bằng khen của Bộ Tư lệnh Hải quân do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại đảo Phan Vinh, Quần đảo Trường Sa, năm 1995; Bằng khen của Bộ Tư lệnh quân khu 3 do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào quân y tốt năm 1994-1996, ba năm liền 2011; 2012; 2013, đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Quân khu...

Gần 30 năm gắn bó với nghề y, với mảnh đất Ninh Bình, Đại tá Đỗ Văn Bình cho rằng, như một cái “duyên” với mảnh đất Ninh Bình, từ khi quen và lập gia đình với người vợ hiện nay, cùng nuôi dạy những người con ngoan ngoãn, trưởng thành, có một gia đình ấm êm, hạnh phúc để yên tâm công tác và phấn đấu cho nghề nghiệp. Con gái cả của anh sau khi tốt nghiệp Học viện Bưu chính Viễn thông đang công tác tại Tập đoàn Sam Sung, đã lập gia đình và sống hạnh phúc; còn con trai thứ 2 là một học sinh chuyên Toán, đạt thủ khoa khối B trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, hiện là sinh viên đa khoa năm thứ 3, trường Đại học Y Hà Nội.

“Tôi quen vợ tôi khi trực tiếp chữa bệnh cho mẹ cô ấy. Là trai quê hương Thái Bình, lớn lên đi bộ đội rồi đi học chỉ biết học, khi về đây công tác cũng không quen biết ai, khi gặp cô ấy tôi thấy phù hợp và gắn bó với nhau đến nay gần 30 năm. Tôi luôn biết ơn và trân trọng người vợ của mình, không chỉ chu toàn việc đối nội, đối ngoại, chăm lo, dạy dỗ con cái, mà vợ tôi còn là người tâm lý, hiểu chồng, thường xuyên động viên, chia sẻ kịp thời những khó khăn, đặc thù của nghề quân y mà chồng gắn bó. Và tôi là người có 2 quê hương, 2 chốn để đi về: Cả Thái Bình và Ninh Bình yêu thương...”  - Đại tá Đỗ Văn Bình chia sẻ thêm.

Mỹ Hạnh

(Báo Ninh Bình)


  • Từ khóa