Thứ 6, 15/11/2024, 19:51[GMT+7]

Hiệu quả từ thư viện thân thiện trong trường học

Thứ 7, 14/12/2019 | 20:13:03
4,481 lượt xem
Nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư, đổi mới thư viện trường, giúp học sinh (HS) hình thành thói quen đọc sách, kỹ năng học tập suốt đời.

Học sinh Trường THCS Lê Danh Phương (Hưng Hà) đọc sách trong thư viện nhà trường.

Những ngày đầu tiên mới thành lập, thư viện Trường Tiểu học An Khê (Quỳnh Phụ) còn rất sơ sài. Trải qua nhiều năm tháng, thư viện nhà trường đã dần lớn mạnh nhờ sự đầu tư hiệu quả của nguồn ngân sách nhà trường và sự đóng góp xây dựng của các thế hệ giáo viên và học sinh. Đặc biệt đầu năm 2018 trường được nhận bàn giao và đưa vào sử sụng thư viện mới với tổng kinh phí xây dựng lên tới 345 triệu đồng. Nhờ thế, hiện nay, thư viện đã trở thành một địa điểm tìm đến cần thiết và hấp dẫn đối với mỗi thành viên trong nhà trường. Thư viện được bố trí ở tầng 1 với tổng diện tích 54m2 được xây dựng theo hướng mở - hiện đại - thân thiện. Đây là một không gian rộng thoáng, đủ ánh sáng có điều hòa phục vụ các em học sinh đến đọc sách vào những ngày nóng mang lại hiệu quả tối ưu cho việc đọc sách. Vốn tài liệu của thư viện hiện nay rất phong phú với 8 tủ sách: tủ sách Bác Hồ, tủ sách danh nhân, tủ sách kỹ năng sống, tủ sách dành cho giáo viên và phụ huynh, tủ sách khoa học, tủ sách tâm lý lứa tuổi, tủ sách từ điển - ngoại ngữ và báo chí (14 loại) hết sức phong phú, đa dạng và đều bảo đảm chất lượng. Em Trần Thị Hoa, học sinh nhà trường chia sẻ: Từ ngày có thư viện mới, em và các bạn rất thích vào thư viện để đọc sách. Không gian yên tĩnh, tủ sách được bài trí hiện đại, hợp lý nên rất dễ tìm sách để đọc. Ở thư viện trường em, em thích đọc nhất là sách về kỹ năng sống và sách tham khảo.

Ở Trường THCS Lê Danh Phương (Hưng Hà), đọc sách trở thành một hoạt động không thể thiếu trong mỗi giờ ra chơi hay đầu giờ và cuối giờ học của học sinh. Hình ảnh những cô cậu học trò ngồi tụm năm, tụm ba trong thư viện hay dưới mỗi gốc cây đọc sách đã trở thành nét đẹp riêng của ngôi trường này. Học tập tại trường được 2 năm, em Nguyễn Tâm Anh luôn chọn điểm đến là thư viện sau mỗi giờ học. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm và cô giáo phụ trách thư viện, em tự chọn cho mình những cuốn truyện tranh hay những cuốn sách tham khảo lý thú, bổ ích. Qua những câu chuyện trong sách, em học được nhiều điều hay và những đức tính tốt đẹp. Còn em Đỗ Đức Anh, học sinh nhà trường khoe: Em đã đọc sách từ năm học lớp 2 đến nay. Khi lên cấp II, em lại càng thích đọc sách hơn bởi thư viện nhà trường rất nhiều sách mà em thích đọc, đặc biệt có nhiều sách tham khảo mà em không thể mua được ở ngoài. Vì vậy, rất thích lên thư viện để đọc sách, những quyển sách hay, thú vị em sẽ mượn về nhà để đọc kỹ hơn.

Thầy giáo Lê Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Danh Phương chia sẻ: Thư viện đã được nhà trường quan tâm đầu tư xây dựng khang trang đồng bộ, kết hợp với hơn 3.000 đầu sách thuộc các thể loại như: Sách tham khảo, sách thiếu nhi, sách khoa học, truyện tranh... Đặc biệt, hàng năm nhà trường luôn đầu tư mua mới một số sách rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh phù hợp với từng lứa tuổi. Thư viện mở được trang trí bắt mắt, hấp dẫn để học sinh có thể thoải mái đọc sách. Thầy giáo Lê Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Danh Phương cho biết thêm: Hàng năm, nhà trường đã vận động các em học sinh tham gia xây dựng thư viện với tinh thần “mỗi người một cuốn sách để có triệu cuốn sách”. Đồng thời đề ra các nội quy của thư viện, phân công lịch đọc cho các lớp; sắp xếp sách theo trình độ học, nội dung để các em dễ tìm đọc. Đặc biệt, công tác quản lý sách được nhà trường kết hợp linh hoạt giữa cô giáo phụ trách thư viện và nhóm học sinh cộng tác viên của thư viện. Vì vậy, số lượng học sinh đến với sách, đọc sách ngày một tăng. Nhiều em đã biết để dành tiền mua sách đóng góp vào thư viện của nhà trường, nhiều phụ huynh thấy con ham đọc sách cũng quyên góp, ủng hộ để xây dựng nguồn sách trong thư viện. Cùng với việc tổ chức các chương trình ngoại khóa, cuộc thi kể chuyện, văn hóa đọc đã thực sự lan tỏa trong học sinh toàn trường.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 4.000 tủ sách theo mô hình thư viện lớp học, tủ sách phụ huynh, trong đó riêng huyện Quỳnh Phụ và huyện Thái Thụy mỗi huyện có gần 1.000 tủ sách. Việc phát triển thư viện trường học và nâng hiệu quả hoạt động của thư viện trường học đã góp phần tích cực vào công tác giáo dục toàn diện của các nhà trường.    

Đặng Anh

  • Từ khóa