Chủ nhật, 10/11/2024, 10:02[GMT+7]

Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Thứ 4, 27/05/2020 | 17:54:14
4,390 lượt xem
Ngày 27/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội nghe báo cáo giám sát và thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Phạm Văn Tuân phát biểu thảo luận tại phiên họp.

Theo báo cáo giám sát của Quốc hội, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em những năm qua đạt được những kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm hơn. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em được thực hiện kịp thời, đúng pháp luật. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được tiến hành kịp thời, nghiêm minh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tham gia thảo luận trực tuyến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng chí Phạm Văn Tuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phân tích nguyên nhân hạn chế; đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề xuất: Xem xét, rà soát sửa đổi bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự về hành vi xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng; sửa đổi, bổ sung pháp luật xử lý vi phạm hành chính, tăng mức xử phạt hành chính, bảo đảm nghiêm minh, đủ sức răn đe; quy định chế tài xử lý việc phản ánh  vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng vi phạm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Chính phủ, các bộ, ngành tăng cường chỉ đạo liên ngành rà soát hoàn thiện thể chế, cơ chế điều hành, phối hợp để có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; chủ động xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan trong công tác giải quyết các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự vào cuộc của toàn xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em; đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật Trẻ em và các văn bản, chính sách có liên quan đến trẻ em; nâng cao trách nhiệm, sự phối hợp của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, gia đình, cộng đồng xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em.

Xuân Phương