Chủ nhật, 10/11/2024, 05:38[GMT+7]

Kỳ vọng chương trình giáo dục phổ thông mới (Kỳ 2)

Thứ 2, 01/06/2020 | 08:44:32
1,555 lượt xem

Cô và trò Trường Tiểu học Vũ Phúc (thành phố Thái Bình).

Kỳ 2: XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO ĐÁP ỨNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI

Trong mọi thời kỳ, việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm bởi đây là nhân tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới giáo dục. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, ngành Giáo dục đã và đang nỗ lực xây dựng đội ngũ giáo viên không chỉ đạt chuẩn về trình độ đào tạo mà còn có tư duy đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới theo hướng phát triển năng lực.

Bảo đảm số lượng  và chất lượng 

Năm học 2018 - 2019, Thái Bình bắt đầu thực hiện sáp nhập trường học. Đây là cơ sở để tinh giản đầu mối và tinh giản cán bộ, nhân viên. Sau sáp nhập, bộ máy tổ chức tại các cơ sở giáo dục đã bớt cồng kềnh; từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu cán bộ quản lý và nhân viên hành chính ở một số nơi. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, sau một năm thực hiện sáp nhập trường học, toàn tỉnh còn 702 trường, giảm 166 trường, đạt 90,84% kế hoạch đề ra. Tính đến tháng 5/2020, toàn tỉnh có trên 25.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hầu hết đội ngũ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong giai đoạn mới, cán bộ, giáo viên trong ngành đã khắc phục mọi khó khăn, vừa công tác vừa học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Ngành Giáo dục đã phối hợp để mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên về tin học, ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp để đáp ứng chuẩn vị trí việc làm. 

Mặc dù số lượng nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo cao nhưng năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số nhà giáo vẫn còn hạn chế, chưa thực sự đổi mới phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, việc bổ sung giáo viên biên chế chưa thực hiện kịp thời. Do vậy, để thực hiện chương trình GDPT mới, ngành Giáo dục Thái Bình đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Xác định đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định thành công của chương trình GDPT mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành rà soát và chủ động bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiện có đồng thời làm tốt công tác tham mưu tuyển dụng đủ số lượng cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên các môn học mới. Bên cạnh đó, từ tháng 9/2019 đến nay, thông qua các hình thức trực tiếp và trực tuyến, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cử cán bộ, giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đồng thời tổ chức các lớp tập huấn tại Thái Bình cho cán bộ quản lý và giáo viên của các trường học trong tỉnh, đặc biệt là cấp tiểu học. Ở các huyện, thành phố, phòng giáo dục và đào tạo cũng tích cực chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai chương trình GDPT mới. Cũng theo ông Nguyễn Viết Hiển, từ nay đến hết tháng 7/2020, ngành sẽ tập trung đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, biến quá trình đào tạo, bồi dưỡng thành tự đào tạo, tự bồi dưỡng. Ngành sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường giúp đội ngũ nhà giáo có ý thức tự học mọi lúc, mọi nơi, qua thực tiễn công tác để rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ tốt hơn công tác quản lý và giảng dạy.

Thay đổi để thích ứng 

Chương trình GDPT mới được đánh giá có nhiều nội dung mang tính đột phá về giáo dục, tạo sự chuyển biến toàn diện cho giáo dục phổ thông, chuyển giáo dục từ phát triển quy mô sang chú trọng chất lượng thực chất. Từ đó, đòi hỏi các nhà trường và giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dạy ít, học nhiều, tiếp cận năng lực học sinh, giao việc cho học sinh tự nghiên cứu, tìm hiểu. Qua thực tế dạy học, không ít giáo viên, nhất là giáo viên lớn tuổi cho rằng hiện nay giáo viên gặp nhiều khó khăn khi thực hiện việc dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Vì vậy, việc thay đổi bản thân để thích ứng với những đổi mới là điều rất quan trọng ở thời điểm hiện nay. Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy chia sẻ: Để đáp ứng việc dạy học theo yêu cầu mới, giáo viên cần tự chủ trong xây dựng những nội dung dạy học bảo đảm học sinh vận dụng các kiến thức của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực để giải quyết được vấn đề. Giáo viên cũng cần phải biết và sử dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức dạy học hiện đại, phương pháp dạy học tích cực như dạy học dự án, mô hình lớp học thông minh... để tránh hình thức truyền thụ kiến thức một chiều. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá cũng thay đổi, thay vì chỉ kiểm tra theo định kỳ như trước đây, giáo viên cần phải có những cách thức theo dõi quá trình học tập của học sinh để đánh giá cả quá trình học và sau quá trình học. Do đó, bên cạnh việc tham gia các buổi tập huấn sâu do ngành tổ chức, mỗi thầy giáo, cô giáo cần tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ và tiếp cận kịp thời những đổi mới, đáp ứng yêu cầu của việc dạy học trong thời đại 4.0, công nghệ số hóa. 

“Tạm dừng đến trường, không dừng việc học” do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là minh chứng rõ nét nhất cho việc “thay đổi để thích ứng” của đội ngũ cán bộ, giáo viên Thái Bình. Không phân biệt thành thị hay nông thôn, giáo viên mầm non hay phổ thông, hơn 3 tháng qua, các thầy cô giáo trong toàn tỉnh đã nỗ lực, miệt mài tìm kiếm công cụ hỗ trợ dạy và học trực tuyến. Từ chỗ biết ít, thậm chí là không biết, nhiều thầy cô giáo đã biến lớp học ảo thành lớp học thật, các hoạt động của lớp học trực tuyến diễn ra như khi học trực tiếp trên lớp. Vì vậy, không chỉ củng cố, ôn tập kiến thức cũ, gần 400.000 học sinh Thái Bình được học kiến thức mới, chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Vượt qua mọi khó khăn, các thầy cô giáo luôn tự trau dồi kiến thức, sáng tạo trong việc truyền thụ kiến thức cho học sinh. Qua đó có thể thấy muốn thực hiện hiệu quả các hoạt động đổi mới trong giáo dục, giáo viên phải là người đi đầu trong việc đổi mới bản thân, sáng tạo trong giảng dạy và trang bị những kiến thức tổng hợp của nhiều bộ môn; tiếp cận các phương pháp dạy học hiện đại, các mô hình dạy học mới như tích hợp, đổi mới kiểm tra đánh giá năng lực học sinh... 

Những khó khăn khi thực hiện chương trình GDPT mới chắc chắn sẽ còn rất nhiều và lộ trình áp dụng chương trình mới thì đã cận kề. Vì thế, sự chủ động của giáo viên từ bây giờ là rất cần thiết, sẽ góp phần quan trọng trong sự thành công của việc đổi mới giáo dục trong tương lai.

(còn nữa)

Đặng Anh