Thứ 7, 23/11/2024, 14:16[GMT+7]

Nhà báo với Trường Sa

Thứ 6, 19/06/2020 | 16:17:23
2,064 lượt xem
Các nhà báo thường chọn đi Trường Sa vào dịp cuối năm để tác nghiệp, bởi đây là thời điểm đầy ắp sự kiện và được trải nghiệm “đặc sản” mùa gió chướng trên biển. Thách thức và những xúc cảm ở Trường Sa trở thành ký ức không thể nào quên.

Nhà báo xúc động bấm máy trước khoảnh khắc đẹp - phút chia tay người đến đảo nhận nhiệm vụ và người hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền.

Tuy đầy thách thức…

Bao giờ cũng vậy, trước tết Nguyên đán hơn 1 tháng, Quân chủng Hải Quân đều tổ chức chuyến công tác đặc biệt đưa quà tết từ đất liền tới Trường Sa để bộ đội đón xuân. Và trong chuyến công tác đó, có hàng chục nhà báo được mời đi cùng để đưa tin, phản ánh động viên cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Những nhà báo đăng ký đi Trường Sa thường là những người có sức khỏe tốt. Thế nhưng, sau những hồi còi, tàu rời cảng, ai cũng có cảm giác lâng lâng. Lâng lâng phần vì bắt đầu háo hức với chuyến hải trình đến với cán bộ, chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ thiêng liêng ngoài trùng khơi, phần vì sóng lớn khiến cho con tàu tròng trành. Hai ngày đầu lênh đênh trên biển, phần lớn nhà báo đều nằm bẹp vì say sóng. Có những nhà báo lần đầu biết thế nào là “mật xanh”, “mật vàng” vì đi biển cuối năm. Rồi vừa kịp quen với sóng, gió biển khơi, nhà báo lại phải chống chọi với “say đất” khi đặt chân lên đảo.

Để giữ đúng lịch trình nên thời gian làm việc trên mỗi đảo và điểm đảo của đoàn công tác thường rất ngắn. Chính vì vậy, việc tác nghiệp của nhà báo đòi hỏi cũng phải gấp gáp. Nếu nhà báo không có sự tìm hiểu trước, lựa chọn đề tài, chủ động thu thập thông tin thì sẽ chẳng có chút “vốn liếng” gì để viết khi rời đảo. Và ngay cả khi đã xác định được vấn đề cần phản ánh, chỉ cần chậm chạp, không bố trí thời gian tác nghiệp logic, khoa học thì kết quả chỉ là sự dở dang. Thực tế đó, các nhà báo đi Trường Sa luôn phải tập trung làm việc cao độ, nhất là cần có sự phối hợp nhóm trong công tác thu thập thông tin và chia sẻ thông tin với nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Có một thách thức lớn đối với các nhà báo đi tác nghiệp ở Trường Sa: Viết cái gì? Ở vùng đất, vùng trời, vùng biển ấy, mỗi năm có hàng trăm nhà báo đến tác nghiệp và cho ra hàng nghìn bài viết khác nhau. Cái khó của người đến sau là sẽ kể câu chuyện gì mới, lạ, hấp dẫn và không trùng lặp với những gì công chúng đã biết. 

Nhà báo Nguyễn Ánh Hồng, Đài PTTH Bình Định chia sẻ: Tác nghiệp ở Trường Sa, hơn bao giờ hết, mỗi nhà báo phải tỉ mỉ trong quan sát, lắng nghe và ghi chép. Nó sẽ là góc nhìn riêng, cảm xúc riêng để cho ra đời những tác phẩm báo chí không lẫn với ai, thu hút được độc giả và vượt qua thách thức.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại Trường Sa.

…Nhưng muốn trở lại nhiều lần

Dẫu có nhiều khó khăn, vất vả và cả những thách thức nhưng được đi công tác Trường Sa là một niềm khao khát, tự hào đối với mỗi nhà báo. Tự hào vì không phải ai, lúc nào cũng có thể được đặt chân lên vùng đất, vùng biển phía cực Đông của Tổ quốc. Niềm tự hào còn được nhân lên gấp bội vì được tận mắt thấy và đắm mình vào biển trời quê hương bao la, đẹp đến vô ngần. Ở nơi ấy có những người con ưu tú của đất nước biết chấp nhận hy sinh, vượt lên trên gian khổ, vững chắc tay súng bảo vệ sự bình yên và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Trường Sa - hai tiếng thiêng liêng. Đó là phên dậu che chắn “bão giông” từ phía Đông của đất nước. Để bảo vệ độc lập, tự do, bình yên cho Tổ quốc, biết bao thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu, thanh xuân, mồ hôi, nước mắt, kiên cường bám biển, bám đảo “một tấc không đi, một ly không rời”. Những câu chuyện kể linh thiêng của ngư dân đi biển Trường Sa, hình ảnh “Vòng tròn bất tử” ở Gạc Ma, những trận đánh mưu trí, sáng tạo, gan dạ của bộ đội ta ra giải phóng Trường Sa như bản hùng ca còn vang mãi. Tinh thần ấy, quyết tâm ấy, nhiệm vụ ấy tiếp tục được trao truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau vì sự trường tồn của Trường Sa, trường tồn đất nước.

Được đặt chân lên đảo, được viết về Trường Sa thân yêu là niềm hạnh phúc lớn trong đời mỗi nhà báo. Đó cũng là lý do dù khó khăn và đầy thách thức nhưng các nhà báo đều luôn mong muốn được trở lại nhiều lần với Trường Sa.

Khắc Duẩn