Chủ nhật, 10/11/2024, 09:33[GMT+7]

Phải có chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công ở từng ngành, địa phương

Thứ 5, 16/07/2020 | 14:42:43
6,307 lượt xem
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương tổ chức vào sáng ngày 16/7 về tình hình triển khai, giải ngân kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 và các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2020.

Các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Quang Hưng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Audio: 17072020_Giai_ngan_von_dau_tu_cog_mixdown.mp3

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Quang Hưng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Năm 2020, kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 là 470.600 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước 410.600 tỷ đồng và vốn nước ngoài 60.000 tỷ đồng. Đến hết tháng 6/2020, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đạt hơn 159.397 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch, trong đó vốn trong nước đạt 37,55% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 12,52% kế hoạch và vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt 25,85% kế hoạch. Mặc dù các cấp, các ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn còn đạt thấp so với yêu cầu. Sở dĩ như vậy là do một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chậm ban hành đơn giá, định mức xây dựng cho các công việc đặc thù, chuyên ngành làm cơ sở để xác định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng và chi phí quản lý; chưa có quy định cụ thể về cơ sở pháp lý, hồ sơ tài liệu cần bảo đảm để cơ quan tài chính thực hiện hạch toán ghi thu NSNN về giá trị tài sản công thực hiện dự án BT trong trường hợp chưa phê duyệt quyết toán; các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài; công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn…

Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, từ đầu năm đến nay Thái Bình đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như: sớm ban hành các quyết định giao kế hoạch vốn và thông báo tới các sở, ngành, địa phương để triển khai thực hiện; tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, dự toán, thiết kế; lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án bảo đảm đúng tiến độ; điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án trọng điểm… Chính vì thế, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng Thái Bình vẫn đứng trong tốp đầu của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công với tổng nguồn vốn đã giải ngân đến 30/6 đạt 2.538,4 tỷ đồng, đạt 60,3% kế hoạch, trong đó vốn trong nước đạt 63,8% và vốn nước ngoài đạt 14,7% kế hoạch. Để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Thái Bình kiến nghị Chính phủ sớm giao bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2020 để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành một số công trình trọng điểm của tỉnh; sớm ban hành nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 và thông báo tổng mức vốn đầu tư công dự kiến của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 làm căn cứ thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn đầu tư chương trình, dự án và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Giải ngân vốn đầu tư công không chỉ đơn thuần là góp phần cho tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng cho đất nước mà còn giải quyết việc làm và thu nhập cho hàng triệu người, là cứu cánh đối với đại dịch Covid-19. Chính vì thế, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần phải có quyết tâm cao hơn nữa để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; phát động sâu rộng phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, học tập trao đổi kinh nghiệm, quyết tâm khắc phục những tồn tại, khuyết điểm để làm tốt hơn công tác giải ngân vốn đầu tư công, có chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công ở từng ngành, địa phương; khẩn trương tổng hợp, tham mưu trình Chính phủ quyết định điều chuyển nguồn vốn đối với các công trình, dự án không thể giải ngân được để tập trung nguồn vốn cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý các hành vi tắc trách trong giải ngân vốn đầu tư công, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp cần thiết để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu bộ, ngành, địa phương không hoàn thành nhiệm vụ trong việc triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước về giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời kiên quyết xử lý những bộ phận, cá nhân thiếu trách nhiệm làm chậm trễ quá trình giải ngân vốn đầu tư công; làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng như phê bình các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình; tạo mọi điều kiện thuận lợi về các thủ tục bảo đảm việc giải ngân vốn đầu tư công được nhanh chóng, chống mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực trong giải ngân vốn đầu tư công.

Minh Hương