Chủ nhật, 10/11/2024, 05:50[GMT+7]

Giáo viên trong các cơ sở giáo dục được nghỉ hè tối đa 8 tuần

Thứ 3, 21/07/2020 | 08:03:59
2,482 lượt xem
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Nghị định số 84 quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục, bao gồm thời gian nghỉ hè của nhà giáo; phong tặng danh hiệu Tiến sỹ danh dự, Giáo sư danh dự; chuyển đổi nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; học bổng khuyến khích học tập; học bổng chính sách và miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên.

Về thời gian nghỉ hè của nhà giáo, Nghị định quy định thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.

Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 6 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm. Còn đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học thì thời gian nghỉ hè thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Về việc phong tặng danh hiệu Tiến sỹ danh dự, Giáo sư danh dự, Nghị định quy định đối tượng được phong tặng là nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị, xã hội.

Điều kiện được phong tặng danh hiệu Tiến sỹ danh dự đối với nhà giáo, nhà khoa học là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam, được một cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ tiến sỹ của Việt Nam đồng ý phong tặng.

Nhà hoạt động chính trị, xã hội được phong tặng danh hiệu Tiến sỹ danh dự phải đáp ứng điều kiện là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam, có uy tín quốc tế, có nhiều thành tích, công lao đóng góp cho tình hữu nghị, cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và được một cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ tiến sỹ của Việt Nam đồng ý phong tặng.

Để được phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự thì nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị, xã hội cần đáp ứng các điều kiện nêu trên, đồng thời phải có bằng tiến sỹ.

Nghị định cũng quy định cụ thể về học bổng khuyến khích học tập.

Theo đó, đối tượng được xét, cấp học bổng khuyến khích học tập gồm: Học sinh khối trung học phổ thông chuyên trong cơ sở giáo dục đại học, học sinh trường chuyên có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi trong kỳ xét, cấp học bổng có điểm môn chuyên của học kỳ xét cấp từ 8,5 trở lên hoặc đạt một trong các giải từ khuyến khích trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế của năm đó; học sinh các trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao có hạnh kiểm từ loại khá trở lên, học lực đạt từ trung bình trong kỳ xét, cấp học bổng và đoạt giải hoặc huy chương trong cuộc thi cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế của năm học đó; học sinh, sinh viên đang học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên, không bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên trong kỳ xét cấp học bổng.

Về mức học bổng đối với hai đối tượng đầu tiên, Nghị định quy định, đối với trường chuyên, trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao, mức học bổng cấp cho một học sinh một tháng tối thiểu bằng ba lần mức học phí hiện hành của trường trung học phổ thông chuyên tại địa phương.

Đối với khối trung học phổ thông chuyên trong cơ sở giáo dục đại học, mức học bổng cấp cho một học sinh do hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học quy định nhưng không thấp hơn mức trần học phí hiện hành mà học sinh đó phải đóng tại trường. Đối với những trường không thu học phí, mức học bổng tối thiểu bằng ba lần mức trần học phí của trường trung học phổ thông tại địa phương.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2020.

Theo hanoimoi.com.vn