Chủ nhật, 10/11/2024, 05:59[GMT+7]

Thoại Giang nỗ lực “về đích” nông thôn mới nâng cao

Thứ 2, 03/08/2020 | 10:32:46
1,236 lượt xem
Thời gian qua, Thoại Giang (Thoại Sơn) không ngừng nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao để tiếp tục tạo sức bật trong phát triển quê hương và nâng cao đời sống người dân, làm tươi mới thêm cho “bức tranh” nông thôn.

Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật giúp người nông dân nâng cao giá trị sản xuất

Xã Thoại Giang được UBND tỉnh công nhận “Xã đạt chuẩn NTM” năm 2016. Đến năm 2018, Thoại Giang là một trong 3 xã được huyện chọn là xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định số 1005/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Quá trình đó, xã đã duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã đạt chuẩn NTM, có lộ trình, kế hoạch, từng bước hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao. Cụ thể: đường xã, đường trung tâm xã đến huyện đạt 100%; đường trục ấp, đường liên ấp đạt 100%; toàn xã có 3/4 điểm trường có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia với tỷ lệ 75%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 93,03%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,08%...

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thoại Giang Lê Hiền Hòa cho biết: “Thoại Giang xác định rõ xây dựng NTM nâng cao là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Địa phương luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về thực hiện Bộ tiêu chí NTM nâng cao cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, hiểu được lợi ích và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Bộ tiêu chí NTM nâng cao. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến các ấp. Căn cứ vào tình hình thực tế, xã đã chỉ đạo rà soát các phần việc, phân công trách nhiệm cụ thể.

Trong sản xuất nông nghiệp, ngày càng có nhiều mô hình hiệu quả, mô hình nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật... Lần lượt các tuyến đường giao thông, kênh mương, trạm y tế được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo các tiêu chí. Các mô hình giảm nghèo bền vững, chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và cận nghèo; hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổ chức đào tạo nghề... được triển khai sâu rộng”.

Xác định chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, xã đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại. Kết quả, xã đã xây dựng và triển khai phát triển nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: trồng quýt ứng dụng công nghệ cao; nuôi gà và heo trên đệm lót sinh học; nuôi lươn, nuôi cá lóc trên bể bạt; trồng dưa leo, trồng nấm linh chi ứng dụng công nghệ cao, nuôi nhộng tằm thảo… Diện tích trồng lúa 7.629ha, năng suất bình quân hàng năm đạt 6,3 tấn/ha; sản lượng lương thực 49.588 tấn (tăng 6.725 tấn so năm 2016). Diện tích trồng màu hàng năm đạt trên 15ha và nuôi trồng thủy sản đạt trên 6ha. Hiện, tổng diện tích chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã là 26ha. Trong đó, 15ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng màu và cây ăn trái; 11ha vườn tạp lão hóa cải tạo trồng vườn cây ăn trái chuyên canh có giá trị kinh tế cao.

Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cũng được quan tâm. Thời gian qua, mở được 12 lớp dạy nghề với 440 lao động tham gia đào tạo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo là 3,41%, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 30/2.537 hộ, chiếm tỷ lệ 1,18% (theo chuẩn đa chiều). Địa phương thực hiện nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng, với mục tiêu trọng tâm là gắn đào tạo nghề với nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động. Hàng năm, UBND xã triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện đa dạng hóa các loại hình dạy nghề. Hiện, tổng số lao động qua đào tạo trên địa bàn xã là 1.567/2.385 lao động, đạt 65,70%, tăng 23,31% so năm 2016; thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2020 là 63,5 triệu đồng/người/năm.

Theo đó, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM nâng cao từ năm 2017-2020 của xã Thoại Giang là 15 tỷ 451 triệu đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 566 triệu đồng; ngân sách tỉnh 660 triệu đồng; ngân sách huyện 90 triệu đồng; ngân sách xã 430 triệu đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án: 6 tỷ 210 triệu đồng; vốn tín dụng 5 tỷ 173 triệu đồng; doanh nghiệp 395 triệu đồng; nhân dân đóng góp 1 tỷ 927 triệu đồng.

Ngày 23-7 vừa qua, Đoàn thẩm định NTM nâng cao tỉnh tiến hành thẩm định các tiêu chí NTM nâng cao xã Thoại Giang. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ cho rằng: “Những nỗ lực, phấn đấu hoàn thành đạt chuẩn bộ tiêu chí NTM nâng cao của xã Thoại Giang rất đáng ghi nhận. Sau khi đoàn thẩm định tỉnh tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế 19 nội dung trong bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao; đoàn thẩm định thống nhất xã Thoại Giang đạt chuẩn xã NTM nâng cao, hoàn thành 19/19 tiêu chí; 35/35 chỉ tiêu; đồng thời đề nghị địa phương bổ sung, điều chỉnh một số nội dung, số liệu mà các sở, ngành yêu cầu để hoàn chỉnh báo cáo, hồ sơ minh chứng”.

Theo baoangiang.com.vn