Thứ 7, 23/11/2024, 09:23[GMT+7]

Hà Nội: Tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025

Thứ 2, 19/07/2021 | 08:35:20
2,205 lượt xem
Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2020-2025, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai sâu rộng chương trình xây dựng nông thôn mới từng đối tượng, từ đó tăng cường nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với quy hoạch chung phát triển Thủ đô.

Mô hình trồng dưa tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất.

Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, huyện Thạch Thất là một vùng đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, với chèo Canh Nậu, Đại Đồng; múa rối nước Chàng Sơn, Bình Phú; nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Mường… Đây cũng là một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của Thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới tới năm 2020 của huyện Thạch Thất, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Thạch Thất đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực. Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền huyện và sự đồng lòng nhất trí cao của nhân dân, đến hết năm 2017, 21/22 xã thuộc huyện đã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, xã Thạch Hòa nằm trọn trong quy hoạch đô thị Hòa Lạc nên không tiến hành xây dựng nông thôn mới).

Về kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020, huyện Thạch Thất đã huy động tổng số nguồn vốn để bố trí thực hiện chương trình nông thôn mới là: 4.994.630 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là: 4.108.464 triệu đồng (chiếm 82,25%) và vốn ngoài ngân sách là 886.166 triệu đồng (chiếm 17,74%). Ngoài ra, các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn huyện cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế huyện năm 2020. Đáng chú ý, tính đến năm 2020, huyện Thạch Thất không còn nợ đọng xây dựng cơ bản.

Về kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, huyện Thạch Thất đã có 9/9 tiêu chí đạt theo bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới quy định tại Quyết định số 558/QĐ-CP ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, về tiêu chí quy hoạch, đến hết năm 2020 hệ thống quy hoạch chung đã được phủ kín trên phạm vi toàn huyện; 19/21 xã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch theo thông tư của Bộ Xây dựng…

Sau khi hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục đẩy mạnh nâng cao một số tiêu chí đến năm 2025. Theo đó, huyện đặt ra chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng/người/năm. Duy trì tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 100%, trong đó tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 40%; nông thôn mới kiểu mẫu 25%. Phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.

Phấn đấu đến năm 2025, huyện Thạch Thất cơ bản không còn hộ nghèo (theo tiêu chí của Thành phó). Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch 100%. Tỷ lệ rác thải được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý trong ngày đạt 100%. Tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Tỷ lệ cụm công nghiệp, làng nghề có trạm xử lý nước thải 100%.

Phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tới từng cá nhân, tổ chức

Phát huy những kết quả đạt được, để chương trình nông thôn mới ngày càng phát huy hiệu quả, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 06/KH-HĐTĐKT về tổ chức phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025.


Về nội dung thi đua, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các quận và đơn vị thuộc thành phố đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; phấn đấu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%. Cùng đó, triển khai có hiệu quả đề án “Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội”; đăng ký và tham gia chỉ đạo, hỗ trợ đối với các huyện, thị xã thuộc thành phố trong xây dựng nông thôn mới.

Đối với các huyện, thị xã đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới thi đua xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với các huyện chưa được công nhận hoàn thành nông thôn mới, thi đua hoàn thành xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hướng tới các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Đối với xã, thi đua phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao hoặc kiểu mẫu vượt trước (hoặc bảo đảm) tiến độ đăng ký, có số lượng sản phẩm được thành phố công nhận đạt sản phẩm OCOP vượt (hoặc bảo đảm) kế hoạch được giao...

Đối với các doanh nghiệp, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; có những đóng góp cụ thể, thiết thực trong xây dựng nông thôn mới (tiền mặt, công trình phúc lợi...); phối hợp với các cơ quan chuyên môn và địa phương, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phối hợp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn nông thôn.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ trực tiếp chỉ đạo và thực hiện Chương trình nông thôn mới các cấp, thi đua nỗ lực bám sát cơ sở, có sáng kiến, giải pháp hữu ích trong việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn hoặc tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Cá nhân tham gia phong trào thi đua thông qua các hoạt động, việc làm nhằm đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất, đất đai, tiền mặt để xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn thành phố; có phát minh sáng chế, sản xuất giỏi, có thu nhập cao nhằm góp phần tích cực hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của Thành phố.

Các tổ chức, các hội, các hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh..., thi đua tích cực tham gia phong trào thông qua các hoạt động, việc làm nhằm đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất, đất đai, tiền mặt để xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn thành phố; có phát minh sáng chế, sản xuất giỏi, có thu nhập cao và giúp đỡ cộng đồng ở địa phương nhằm góp phần tích cực hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của Thành phố.

Theo laodongthudo.vn