Thông tư mới: Tăng tính tự chủ của nhà trường và giáo viên tiểu học
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học, để lấy ý kiến góp ý rộng rãi, thay thế cho Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học.
Sau 10 năm tồn tại, Thông tư 41 đã có nhiều nội dung không còn phù hợp với các văn bản quy pháp luật hiện nay, không đáp ứng được các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như yêu cầu của thực tế cuộc sống.
Trường tiểu học được tự chủ chuyên môn
Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học mới gồm 7 chương, 47 điều, đã cập nhật hệ thống văn bản mới làm căn cứ pháp lý. Nhiều nội dung trong Điều lệ hiện hành được quy định bởi các văn bản liên quan, đã được điều chỉnh và quy chiếu.
So với Thông tư 41, dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó tập trung đổi mới quản lý nhà trường. Theo đó, nhà trường tiểu học được trao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội nhiều hơn.
Các hoạt động giáo dục được chuyển từ tập trung truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực; công tác kiểm tra đánh giá được đổi mới; các yêu cầu về hồ sơ sổ sách được giảm tải, tăng ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà trường…
Trong quy định về “Nhiệm vụ và quyền hạn của trường tiểu học,” dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học bổ sung nhiều điểm mới. Cụ thể, trường tiểu học có thêm nhiệm vụ “xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường, gắn với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi của nhà trường.”
Đối với việc tổ chức các hoạt động giáo dục bảo đảm chất lượng theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các nhà trường được quyền “tự chủ chuyên môn.”
Thay vì chỉ thực hiện trách nhiệm “huy động trẻ đi học đúng độ tuổi, vận động và tạo điều kiện cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tới trường…” như Điều lệ hiện hành, dự thảo đã bổ sung, nhấn mạnh trách nhiệm “thực hiện giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại địa bàn” của các trường tiểu học.
Điều này có ý nghĩa xã hội quan trọng, nhất là với đối với các khu vực đông dân cư, giúp tránh được tình trạng học sinh không được nhận vào học trường tại địa bàn mình cư trú.
Một điểm mới rõ rệt khác trong quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của trường tiểu học, là các nhà trường phải có trách nhiệm triển khai dạy học sách giáo khoa theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lựa chọn xuất bản phẩm sử dụng trong nhà trường theo hướng dẫn của Bộ.
Điều này nhằm đáp ứng chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, quy định Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông theo Luật Giáo dục 2019.
Giáo viên được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn
Dự thảo bổ sung một số điểm mới nhằm tăng trách nhiệm tự bồi dưỡng, tự nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản lý của hiệu trưởng, hiệu phó trường tiểu học. Theo đó, các cán bộ quản lý trường tiểu học này phải tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn; tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý.
Riêng hiệu trưởng còn có trách nhiệm “xây dựng kế hoạch phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, nhân viên; động viên và tạo điều kiện cho giáo viên và nhân viên tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục.”
Người quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường này đồng thời phải tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện xã hội hóa giáo dục, phối hợp tổ chức, huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia hoạt động giáo dục, phát huy vai trò của nhà trường đối với cộng đồng.
Dự thảo Thông tư quy định cụ thể số tiết giảng dạy trong một tuần đối với hiệu trưởng, hiệu phó, làm cơ sở để các trường thuận lợi thực hiện theo.
Đối với giáo viên, các quy định về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn và trình độ của giáo viên được bổ sung nhiều điểm mới trong dự thảo thông tư Điều lệ trường tiểu học. Trong đó, dự thảo nhấn mạnh vai trò quyết định của giáo viên trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục của trường tiểu học, cơ sở giáo dục khác, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Giáo viên được trao quyền mới là “tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường.” Giáo viên chủ nhiệm được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 3 ngày liên tục.
Về trách nhiệm, giáo viên có thêm quy định mới là chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách.
Thực hiện Luật Giáo dục 2019, dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học là “có bằng cử nhân” ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục tiểu học.
Để đảm bảo quyền lợi của giáo viên và đáp ứng lộ trình nâng chuẩn trình độ giáo viên, dự thảo cho phép các giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ được nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục tạo điều kiện để học tập, đào tạo bồi dưỡng theo quy định.
Học sinh có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học
Kế thừa quy định trong Điều lệ trường tiểu học hiện hành, thực hiện Luật Giáo dục 2019, dự thảo thông tư mới cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo 3 bước.
Thứ nhất, cha mẹ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường. Bước thứ hai, hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội. Cuối cùng, căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định.
Về “Nhiệm vụ của học sinh,” dự thảo quy định, người học phải: thực hiện đầy đủ và hiệu quả nhiệm vụ học tập; hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, kính trọng, lễ phép với thầy giáo, cô giáo và người lớn tuổi, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè; chấp hành nội quy, bảo vệ tài sản nhà trường và nơi công cộng; chấp hành trật tự an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường… Đây là những nội dung được giữ nguyên trong Điều lệ hiện hành. Dự thảo có bổ sung nhiệm vụ mới, là học sinh phải “biết cách tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên.”
Các em cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm. Đặc biệt, dự thảo nhấn mạnh nhiệm vụ vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Đây là yêu cầu quan trọng, là “đích đến” của việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học bổ sung một Điều khoản có nội dung hoàn toàn mới so với Điều lệ hiện hành. Đó là quy định “xây dựng và phát triển văn hóa đọc” (Điều 26). Theo đó, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc, thói quen đọc sách được áp dụng cho tất cả cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường tiểu học.
Để thực hiện quy định này, các nhà trường có thể sử dụng đa dạng, sáng tạo các hình thức, như tổ chức cho học sinh đọc tại thư viện, lớp hoặc mượn tài liệu về nhà; tổ chức các tiết đọc ở thư viện; tổ chức các hoạt động khuyến đọc và các hoạt động giáo dục có sử dụng thông tin từ thư viện.
Dự thảo cũng định lượng cụ thể số học sinh khuyết tật trong mỗi lớp học hòa nhập là không quá 2 em, lớp học ghép có không quá 2 nhóm trình độ và không quá 15 học sinh, nhằm đảm bảo các hoạt động giáo dục trong lớp học hòa nhập, lớp học ghép được thực hiện hiệu quả và không gây khó khăn cho giáo viên, học sinh khi giảng dạy, tiếp thu kiến thức./.
Theo vietnamplus
Tin cùng chuyên mục
- Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: Tổ chức chuyên đề thay sách giáo khoa mới lớp 9 11.10.2024 | 17:54 PM
- UBND thành phố: Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm 09.10.2024 | 18:56 PM
- Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Tây Thụy Anh 05.09.2024 | 11:13 AM
- Vũ Thư: Giành 62 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh năm học 2023 -2024 10.05.2024 | 15:42 PM
- Phát động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn 26.04.2024 | 17:35 PM
- Thành phố: 32 giáo viên tham gia hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi 11.03.2024 | 17:00 PM
- Xã luậnPhát huy phẩm chất cao quý của nhà giáo Việt Nam 20.11.2023 | 08:33 AM
- Quỳnh Phụ: Tổng kết phong trào thi đua năm học 2022-2023 15.11.2023 | 15:37 PM
- Khai giảng khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên tiếng Anh cấp THPT 04.11.2023 | 20:03 PM
- Đêm gala chào đón gần 1.000 tân sinh viên Trường Đại học Thái Bình 25.10.2023 | 22:22 PM
Xem tin theo ngày
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024