Thứ 3, 19/11/2024, 04:26[GMT+7]

Kỳ vọng chương trình giáo dục phổ thông mới (Kỳ III)

Thứ 3, 02/06/2020 | 09:14:28
2,465 lượt xem
Cùng với đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất cũng là yếu tố quan trọng để ngành Giáo dục thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng đến thời điểm hiện tại Thái Bình đang dồn sức chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sẵn sàng thực hiện đổi mới giáo dục.

Học sinh Trường Tiểu học Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) trong giờ tin học.

Kỳ 3: Cơ sở vật chất - yếu tố quan trọng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Kế thừa cơ sở vật chất đã có 
Năm học vừa qua, các trường học trên địa bàn huyện Kiến Xương đã thực hiện tiết kiệm chi hoạt động từ nguồn ngân sách chi thường xuyên nhà nước cấp và huy động các nguồn kinh phí để tu bổ, sửa chữa cơ sở vật chất, mua bổ sung trang thiết bị phục vụ dạy và học. Ông Hoàng Tiến Mạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Phòng đã tham mưu UBND huyện thực hiện lắp đặt camera cho các trường tiểu học, THCS, tiểu học và THCS và lắp bổ sung ti vi cho các trường mầm non; đầu tư lắp đặt nước sạch cho một số trường mầm non, tiểu học; hỗ trợ xây mới và nâng cấp công trình vệ sinh cho giáo viên và học sinh ở cả 3 cấp học. Trong năm học, cùng với ngân sách được cấp, các địa phương và các nhà trường đã đầu tư trên 20 tỷ đồng để tăng cường cơ sở vật chất phòng học và trang thiết bị đáp ứng công tác dạy học. Đến nay, toàn huyện có 5 trường đạt thư viện tiên tiến, 56 trường đạt thư viện chuẩn, có 8 trường tiểu học, THCS trong huyện được đầu tư thư viện “mở - hiện đại” hoạt động hiệu quả. Theo ông Hoàng Tiến Mạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiến Xương, trên cơ sở hệ điều kiện hiện có về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, ngành đã và đang xây dựng kế hoạch bổ sung một số trang thiết bị dạy học mới đối với lớp 1 để phù hợp với chương trình GDPT mới. 

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến hết năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 299 cơ sở giáo dục mầm non, 435 cơ sở GDPT(giảm 183 đầu mối), 1 trung tâm GDTX tỉnh với chức năng bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, 12 cơ sở giáo dục đào tạo GDTX có cấp THPT. Tỷ lệ phòng học kiên cố tăng nhanh, trong đó bậc học mầm non đạt 95,7%; tiểu học đạt 89,7%; THCS là 98,5%; THPT đạt 92%; trường TH và THCS đạt 92,4% số phòng học kiên cố. Các trường tiểu học, THCS, THPT đã tích cực tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng phòng học bộ môn, mua sắm tủ giá đựng thiết bị. Đến nay, phòng học của các trường tiểu học đều có tủ đựng thiết bị theo môn, khối; cấp THCS, THPT đã có từ 2 - 5 phòng học bộ môn. 100% các trường mầm non, phổ thông có thiết bị theo danh mục thiết bị tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thiết kế và định hướng xây dựng danh mục trang thiết bị dạy học của chương trình GDPT mới là kế thừa và sử dụng thiết bị hiện có. Vì thế, trong thời gian vừa qua, để chuẩn bị về thiết bị dạy học, Sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát thực trạng thiết bị dạy học và phân loại theo 3 nhóm: còn sử dụng được; hư hỏng nhưng có thể cải tạo, sửa chữa được và hư hỏng hoàn toàn. Từ đó, xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm bổ sung (có chọn lọc), ưu tiên bàn ghế 2 chỗ ngồi và thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 1. 

Ưu tiên cấp tiểu học 
Theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình GDPT mới sẽ được bắt đầu triển khai từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1. Tiếp đó là từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Như vậy, chỉ còn khoảng 4 tháng nữa đến thời điểm chương trình mới sẽ được áp dụng đầu tiên với lớp 1, do đó, tiểu học hiện đang là cấp học được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Theo kế hoạch triển khai thực hiện đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình, chỉ riêng ở cấp tiểu học, 100% xã, phường, thị trấn có trường tiểu học công lập đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh tiểu học. Trong đó quan tâm đầu tư để xây dựng phòng học bảo đảm mỗi lớp 1 phòng học, tăng cường đầu tư xây dựng các phòng phục vụ học tập, phòng chức năng như: giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục, thư viện. 100% trường tiểu học được đầu tư mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu, bàn ghế 2 chỗ ngồi, máy tính và thiết bị phòng học ngoại ngữ theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đáp ứng cơ sở vật chất trường lớp cho việc thực hiện chương trình GDPT mới. Bên cạnh đó, ngành cũng có kế hoạch đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, cơ sở vật chất trường lớp và trang thiết bị dạy học trên địa bàn tỉnh bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT mới trong năm 2020. 

Trường Tiểu học Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) là một ví dụ điển hình trong việc được đầu tư xây dựng mới phòng học, phòng chức năng. Thầy giáo Nguyễn Thiện Lợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Bá chia sẻ: Trường hiện đang có số lượng học sinh cao nhất trong số các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, trường được đầu tư xây dựng mới một dãy phòng học 2 tầng gồm 12 lớp học. Công trình đang trong quá trình hoàn thiện để sớm đưa vào sử dụng từ năm học 2020 - 2021. Khi đó, Trường sẽ có thêm 12 lớp học mới, điều này đồng nghĩa với số lượng học sinh trong một lớp hiện nay sẽ giảm xuống. Đây là điều kiện thuận lợi để trường thực hiện chương trình GDPT mới vào tháng 9 tới đây. 

Không chỉ phòng học, phòng bộ môn, việc xây dựng môi trường giáo dục trải nghiệm cho học sinh tiểu học cũng là một yếu tố quan trọng khi thực hiện chương trình GDPT mới. Nhận thức được điều này, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng thư viện xanh, mô hình giáo dục sinh thái... ngay trong khuôn viên nhà trường để tăng cường các hoạt động trải nghiệm của học sinh. Cô giáo Giang Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diêm Điền (Thái Thụy) chia sẻ: Dự kiến, năm học 2020 - 2021 Trường sẽ có 6 lớp 1. Khi thực hiện chương trình GDPT mới, Trường có nhiều thuận lợi như: đội ngũ giáo viên nhiệt tình, tâm huyết, sẵn sàng đổi mới; học sinh được học 2 buổi/ngày với đủ phòng học, phòng bộ môn; học sinh được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm... Thời gian tới, Trường dự kiến sẽ huy động xã hội hóa để trang bị cho mỗi phòng học lớp 1 một chiếc ti vi thông minh để các em được tiếp cận nhiều hơn với âm thanh, hình ảnh. Qua đó, sẽ giúp các em tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn. 

Triển khai thực hiện chương trình GDPT mới là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong thời gian này đồng thời cũng là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Vì vậy, để thực hiện tốt chương trình, cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương và phụ huynh học sinh đang tích cực phối hợp, chung tay góp sức đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để chương trình GDPT mới thực hiện theo đúng lộ trình đã đề ra.

(còn nữa)

Đăng Anh