Thứ 3, 19/11/2024, 15:24[GMT+7]

Giáo dục lịch sử dân tộc

Thứ 4, 22/08/2012 | 15:34:05
1,218 lượt xem
"Dân ta phải biết sử ta", lời dạy của Bác Hồ hàm chứa một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Biết sử mới biết nguồn gốc của dân tộc mình, biết quá trình dựng nước và giữ nước với những chiến công oanh liệt, những trang sử vàng chói lọi của cha ông. Lịch sử sẽ thức dậy trong mỗi chúng ta lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, từ đó hun đúc ý chí, bản lĩnh rèn luyện, phấn đấu vươn lên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ảnh minh họa

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường học sinh đã được học môn lịch sử. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bộ môn này lại ít được quan tâm. Do ảnh hưởng nhịp sống hiện đại, học sinh đổ xô vào học các môn học khác, nhằm thi đỗ đại học, tìm chỗ đứng trong tương lai, đã sao nhãng học sử, trong khi các tiết học sử lại không được cải tiến, ít hấp dẫn. Người lớn cũng như trẻ em xem ra chưa thấy hết vai trò quan trọng của bộ môn này. Học sử nước ta vừa là học kiến thức, vừa là học làm người. Quá trình học sử là quá trình bồi dưỡng tình cảm và tâm hồn gắn bó với quê hương, đất nước và dân tộc.

Có nhiều cách để học lịch sử, ngoài việc học ở trường lớp, việc tự học, tự nghiên cứu là rất quan trọng. Thư viện cung cấp rất nhiều sách và tư liệu quý về lịch sử nước nhà. Bảo tàng là nơi lưu giữ các hiện vật của hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, trong đó có hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Các hội nghị, hội thảo về lịch sử là nơi nâng cao sự hiểu biết của mỗi người. Ngay cả khi dự  lễ hội truyền thống, được tiếp xúc với các di tích, được thắp hương tưởng nhớ các vị Anh hùng dân tộc, cũng chính là lúc mỗi người đang tâm niệm một bài học lịch sử. Có rất nhiều điều kiện để học sử, vấn đề là mỗi người có ý thức tìm hiểu hay không.

Văn học nghệ thuật có tác dụng lớn trong việc giáo dục lịch sử. Sân khấu đã xây dựng hình tượng nhiều Anh hùng dân tộc như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Quang Trung... và gần đây đã thể hiện hình tượng Bác Hồ. Ðiện ảnh cũng cho ra đời nhiều bộ phim về lịch sử. Các nhà văn cũng rất tâm huyết khi viết tiểu thuyết, viết truyện cho thiếu nhi về đề tài lịch sử. Các tác phẩm văn học nghệ thuật đề tài lịch sử đã gây rung động mạnh mẽ trong người xem, người đọc, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Tuy nhiên so với bề dầy lịch sử của đất nước, công chúng đòi hỏi phải có nhiều tác phẩm đề tài lịch sử hơn nữa, tiến tới có những tác phẩm đồ sộ, hoành tráng, ngang tầm lịch sử.

Giáo dục lịch sử rất cần thiết trong việc xây dựng con người mới thời kỳ CNH, HÐH đất nước. Chính vì vậy, cần có nhiều hình thức giáo dục sinh động để mỗi người chúng ta hiểu biết tường tận, sâu sắc lịch sử nước nhà.

Theo nhandan

  • Từ khóa