Thứ 4, 20/11/2024, 01:47[GMT+7]

Kỷ niệm 45 năm thành lập Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình (1975 - 2020) Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình: Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao

Thứ 2, 09/11/2020 | 10:14:11
5,269 lượt xem

Học sinh, sinh viên khoa sân khấu âm nhạc biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật cho tỉnh. Những năm qua, nhà trường đã xây dựng, khẳng định và giữ vững thương hiệu, uy tín, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật có chất lượng và các tài năng nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật chèo, nhạc cụ truyền thống cho tỉnh Thái Bình và khu vực phía Bắc. Nhằm cụ thể hóa tinh thần của các nghị quyết, đồng thời, căn cứ điều kiện thực tiễn của Thái Bình với mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao cho tỉnh nhà và các tỉnh trong khu vực, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình có những định hướng phát triển trong giai đoạn mới tập trung một số vấn đề sau:

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ. Đổi mới, hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo quy định của UBND tỉnh Thái Bình, phù hợp với phát triển nhà trường ở bậc cao đẳng, vươn lên trở thành trường đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao của khu vực. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ các đơn vị hiện có. Chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề. Thành lập mới Trung tâm Thực hành biểu diễn nghệ thuật chèo, múa rối nước; Mỹ thuật ứng dụng và Du lịch.

Thứ hai, mở rộng quy mô đào tạo hợp lý, đáp ứng nhu cầu xã hội. Mở rộng quy mô, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mở thêm mã ngành cao đẳng mới: cao đẳng du lịch, cao đẳng nhạc cụ chèo và dân tộc, cao đẳng tổ chức sự kiện, cao đẳng thời trang. Đặc biệt, rất cần mở mã ngành trung cấp biểu diễn múa rối nước. Đây là ngành mới mà hiện nay trên cả nước chưa có cơ sở đào tạo nào đào tạo bài bản, có cấp bằng.

Thứ ba, tham gia bồi dưỡng, gây dựng hạt nhân văn hóa, nghệ thuật; phong trào văn hóa văn nghệ ở các xã nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu nhằm phát huy sự sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân; tiếp tục đẩy mạnh bồi dưỡng hát múa chèo và dân ca cho cán bộ, công chức, người lao động và cho giáo viên giảng dạy hát nhạc trong các trường phổ thông.

Chương trình nghệ thuật của học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình.

Thứ tư, đổi mới công tác tuyển sinh theo hướng coi trọng chất lượng, tăng cường và làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, tư vấn ngành học, nghề nghiệp cho phụ huynh và học sinh để thu hút học sinh có năng khiếu nghệ thuật, yêu nghề thi vào Trường. Thực hiện kỳ thi tuyển sinh riêng nhằm tạo nguồn rộng rãi cho trình độ trung cấp, cao đẳng. Tổ chức thi sơ tuyển và trung tuyển đối với các chuyên ngành nghệ thuật. Quan tâm vấn đề đầu ra cho người học, tăng cường mối quan hệ với các đơn vị sử dụng lao động trong việc nắm bắt nhu cầu sử dụng nhân lực về số lượng và chất lượng, đào tạo theo tín chỉ, đào tạo lại, chú trọng công tác dự báo nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội và thị trường lao động bảo đảm đầu ra cho người học.

Thứ năm, phát triển nghiên cứu khoa học, liên kết với các đơn vị văn hóa, nghệ thuật, doanh nghiệp và hợp tác quốc tế. Gắn nghiên cứu khoa học với công tác đào tạo của nhà trường, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh giao. Tập trung nghiên cứu các vấn đề nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục, phương pháp giảng dạy, học tập trong nhà trường; viết tài liệu, giáo trình, chương trình đào tạo; sáng tác các tác phẩm nghệ thuật có giá trị tầm quốc gia. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với mục tiêu đào tạo. Tiếp tục nghiên cứu đặc trưng văn hóa khu vực Thái Bình góp phần lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa đó, đặc biệt nghệ thuật chèo, múa rối nước và nhạc cụ truyền thống; dàn dựng những chương trình nghệ thuật phục vụ các hoạt động chính trị trong và ngoài tỉnh.

Phát huy truyền thống văn hóa, nghệ thuật của tỉnh nhà, trong những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nghiệp văn hóa trong tỉnh liên tục phát triển, trong đó có sự phát triển của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình. Chất lượng đào tạo của Trường không ngừng nâng cao, uy tín, vị thế của Trường được khẳng định, là một trong những trường dẫn đầu các trường văn hóa, nghệ thuật trên toàn quốc về số lượng và chất lượng đào tạo, đặc biệt là nghệ thuật chèo và nhạc cụ truyền thống. Mong rằng, trong thời gian tới sẽ có sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng với những chính sách đặc thù, tạo điều kiện phục vụ tốt cho việc dạy và học các loại hình văn hóa, nghệ thuật trong nhà trường.

Tiến sĩ  Bùi Thị Dung

Quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình

Nhà giáo Lương Tuấn Oanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình

Nhìn lại 45 năm qua, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình đã trưởng thành về nhiều mặt, đạt nhiều thành tựu trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm văn hóa nghệ thuật, trong đó nét nổi trội là đào tạo bồi dưỡng nghệ thuật sân khấu chèo. Ngay từ những ngày còn sơ khai, nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường là đào tạo lực lượng múa hát chèo, cung cấp cho cơ sở, tạo nên phong trào văn hóa văn nghệ sôi nổi ở các địa phương trong tỉnh, phục vụ đắc lực cho biểu diễn nghệ thuật quần chúng. Hiện nay, việc quan tâm đầu tư, mời các NSND, NSƯT, nghệ sĩ từ các đoàn chèo chuyên nghiệp về trực tiếp giảng dạy giúp các em học sinh, sinh viên được học nghề trực tiếp với từng nghệ sĩ kỳ cựu, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.


Thạc sĩ Trần Nhật Tân, Trưởng phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình

Công tác đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình. Ngay từ ngày mới thành lập cho đến nay, nhà trường luôn quan tâm, chú trọng lĩnh vực này, bởi đây là yếu tố quyết định, là một trong những hoạt động khẳng định vị thế, uy tín và sự phát triển của nhà trường. Với định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhà trường tiếp tục mở thêm 3 mã ngành cao đẳng mới: Hướng dẫn du lịch, Tổ chức sự kiện, Thời trang. Trường cũng tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh để thu hút người học, bảo đảm lưu lượng học sinh, sinh viên hàng năm. Bên cạnh đó, Trường tích cực tham gia bồi dưỡng hạt nhân văn hóa, nghệ thuật; phong trào văn hóa văn nghệ ở các địa phương trong tỉnh nhằm phát huy sự sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Họa sĩ Hoàng Trung Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình

Với chức năng, nhiệm vụ trong hệ thống các chuyên ngành đào tạo, Khoa Mỹ thuật có nhiều đóng góp đáng tự hào trong suốt quá trình hình thành và phát triển Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình. Cùng với việc học tập thì hoạt động sáng tác tranh, tượng luôn được các giảng viên quan tâm hướng dẫn học sinh, sinh viên trong suốt quá trình rèn luyện chuyên môn, từ đó tham gia nhiều cuộc thi tài năng học sinh, sinh viên toàn quốc. Năm 2000, dù là lần đầu tiên Trường tham gia triển lãm mỹ thuật học sinh, sinh viên toàn quốc nhưng đã đạt 1 giải nhất và 2 giải nhì, 3 giải khuyến khích. Gần đây, giải nhất triển lãm tranh của học sinh, sinh viên năm 2018 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mà trường đã đạt được là dấu mốc ấn tượng của chất lượng đào tạo chuyên ngành mỹ thuật. Ngoài ra, việc thường xuyên tổ chức triển lãm hàng năm nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 giữa cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên trong nhà trường cũng tạo nên môi trường thử sức đam mê sáng tạo.

Nghệ sĩ Quốc Phòng, Nhà hát Chèo Hà Nội

Đã hơn 10 năm kể từ ngày tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình, tôi luôn biết ơn mái trường này, nơi có các thầy cô đã dành trọn cả cuộc đời tâm huyết với công tác giảng dạy, dìu dắt các thế hệ học sinh, sinh viên. Tôi luôn tự hào bởi được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Thái Bình, một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo và được trưởng thành từ Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình, địa chỉ uy tín mà từ nơi đây nhiều diễn viên, nhạc công chèo đã được dìu dắt, giờ đây đang cống hiến tài năng của mình trên mọi miền Tổ quốc. Mong rằng, sự nghiệp “trồng người”, “lái đò” của các thầy cô giáo sẽ mang đến cho đất nước nhiều tài năng nghệ thuật hơn nữa, từ đó nhân lên trong những người trẻ tình yêu với văn hóa dân gian.

Nghệ sĩ Tuyết Tuyết, Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội


Mới đó mà đã 15 năm tôi bước chân ra khỏi mái trường, rời xa thầy cô và tung cánh đi tìm chân trời tương lai. Ngày ấy, tôi là cô học trò nghèo xuất thân từ gia đình nông dân thuần túy nhưng trong lòng luôn mang niềm đam mê nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống. May mắn, trong những năm học tập tại Trường tôi đã được thầy cô dạy bảo tận tình. Dù theo học đàn nguyệt nhưng hàng ngày được học cạnh lớp chèo nên những làn điệu chèo cũng thấm đẫm trong trái tim tôi. Những kiến thức được học dưới mái Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình là hành trang vững chắc để tôi có thể tự tin biểu diễn nghệ thuật dân tộc ở nước ngoài và hiện nay là truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Minh Đức