Thứ 4, 20/11/2024, 03:57[GMT+7]

Trường Chính trị tỉnh: Đổi mới phương pháp giảng dạy học phần Khoa học hành chính

Thứ 2, 23/11/2020 | 08:40:45
2,242 lượt xem

Lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực I trao bằng tốt nghiệp cho các học viên. Ảnh: Thành Tâm

Công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh hiện nay là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Trong đó, công tác giảng dạy, học tập học phần Khoa học hành chính đã đạt được những kết quả nhất định. Giáo trình, tài liệu dạy học dùng cho học phần Khoa học hành chính về cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học; giảng viên đã chủ động, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy; thường xuyên gắn lý luận với thực tiễn, bước đầu khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, chuyển tải nhiều nội dung đến với học viên.

Khoa học hành chính hay quản lý hành chính nhà nước là một trong những môn học đòi hỏi rất cao sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong quá trình giảng dạy. Bởi thực tiễn hoạt động quản lý hành chính vô cùng phong phú, đa dạng và có không ít vấn đề phức tạp, nhạy cảm, khó tiếp cận, lý giải bằng lý luận đơn thuần. Thậm chí, có thể nói còn có nhiều vấn đề mà hệ thống lý luận chuẩn của chúng ta vẫn chưa theo kịp để giải thích được một cách thực sự thấu đáo. Đương thời Mác, Ăngghen, Lênin cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có chung quan điểm rằng hệ thống lý luận mà họ đã xây dựng không phải là thứ lý luận bất biến “chết cứng” mà là hệ lý luận mở. Nó đòi hỏi mỗi thế hệ, tùy thuộc vào các điều kiện lịch sử cụ thể đều phải không ngừng bổ sung, sáng tạo thêm. Đặc biệt, lý luận phải luôn được đối chiếu, kiểm chứng, lý giải bằng chính các hoạt động thực tiễn sinh động. Cụ thể, tại các chuyên đề thuộc môn học Khoa học hành chính đang được giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh hiện nay, trong đó, chương trình trung cấp chính trị - hành chính, phần học hành chính chủ yếu tập trung nghiên cứu về chính quyền cơ sở. Hiện nay, thực tiễn tổ chức chính quyền cơ sở ở nước ta đang đặt ra rất nhiều vấn đề mới. Chẳng hạn, Đảng và Nhà nước ta đang cho triển khai thí điểm những phương án tổ chức mới tại cơ sở (cấp xã) như: cử tri bầu trực tiếp chủ tịch UBND, nhất thể hóa chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND hay không tổ chức HĐND ở địa bàn các phường (chính quyền cơ sở ở đô thị...). Vì vậy, khi giảng dạy chuyên đề này, giảng viên nên sử dụng phương pháp làm việc nhóm để thảo luận về các chủ trương trên.

Khi thảo luận học viên trao đổi thẳng thắn làm cho không khí buổi học sinh động lên rất nhiều. Hoặc khi nói về các nguyên tắc trong quản lý hành chính ở nước ta hiện nay có rất nhiều vấn đề rất khó luận giải nếu không đưa ra được những tình huống thực tiễn có tính thuyết phục. Ví dụ như nguyên tắc phân định và kết hợp được giữa chức năng quản lý nhà nước về kinh tế với chức năng quản lý, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi để hình thành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta trong quá trình đổi mới. Giảng viên cần phải giúp học viên hiểu sâu hơn về các vấn đề lý luận như: phân biệt chức năng quản lý công với chức năng chủ sở hữu của nhà nước trong chế độ kinh tế XHCN; mối quan hệ giữa tác động quản lý của nhà nước với sự vận hành của các quy luật cơ bản trong nền kinh tế thị trường cũng như đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà chúng ta đang xây dựng... Thực tế khi so sánh sự thiết kế của hai chương trình cũ và mới, điều dễ nhận thấy là: Môn Quản lý hành chính, chương trình trung cấp lý luận chính trị có nội dung về lý luận quản lý hành chính nhà nước khá bao quát. Nội dung chương trình được chia làm hai phần: Phần những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước và phần nghiệp vụ và kỹ thuật hành chính. Những kiến thức trong môn học này có thể vận dụng vào quản lý nhà nước ở tất cả các cơ quan trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp. Trong khi đó, chương trình, giáo trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính có tính thực tiễn rất cao với tư tưởng chủ đạo là hướng về cơ sở. Nội dung bài giảng có nhiều điểm bổ sung mới so với chương trình, giáo trình cũ. Trong giảng dạy nói chung, có khi nói những vấn đề lý luận chung lại dễ hơn nói những vấn đề cụ thể. Nội dung môn Khoa học hành chính hầu như đề cập đến tất cả các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước của chính quyền cơ sở. Để chuyển tải những kiến thức trên, đồng nghĩa với việc giảng viên phải đọc một khối lượng văn bản quy phạm pháp luật rất lớn nhưng những văn bản này lại được sửa đổi, bổ sung thường xuyên. Để làm tốt điều này các giảng viên cần thường xuyên cập nhật các văn bản mới, như vậy mới có thể trích dẫn chính xác hơn.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy học phần Khoa học hành chính cần thiết phải đổi mới nhiều yếu tố từ nội dung chương trình, giáo trình, đội ngũ giảng viên đến phương pháp dạy và học, sao cho phù hợp với yêu cầu đặt ra, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau: Thứ nhất, các sự kiện, tình huống được đưa vào bài giảng phải được cân nhắc chọn lọc kỹ lưỡng. Đảm bảo những sự kiện, tình huống đó phải gắn được với các nội dung lý luận (lý thuyết) cần trình bày. Thực tiễn được đề cập phải có khả năng làm rõ thêm quan điểm lý luận và có thể lý giải bằng lý luận chứ không phải đưa ra để dẫn tới mơ hồ, hoài nghi cho học viên. Thực tiễn mà giảng viên nắm bắt được có thể thông qua hoạt động trực tiếp, nghiên cứu thực tế hoặc qua sách báo, phương tiện nghe, nhìn khác song khi đưa vào bài giảng phải có tính mục đích. Thứ hai, các sự kiện, tình huống, số liệu đưa ra cần phải có nguồn đáng tin cậy. Không võ đoán hoặc trích dẫn những nguồn tư liệu không bảo đảm tính khách quan, chính xác. Thứ ba, việc đưa ra các sự kiện, tình huống thực tế không nên quá nhấn mạnh vào các khía cạnh tiêu cực, các “mảng tối” của xã hội. Trên thực tế xu hướng phát triển, tiến bộ vẫn là xu hướng chủ đạo trong dòng chảy của xã hội chúng ta hiện nay. Người giảng viên cần quán triệt và nhận thức đúng quan điểm “chống” để “xây” khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Thạc sĩ  Trần Lệ Chi
(Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh)