Thứ 4, 20/11/2024, 10:31[GMT+7]

Nâng cao chất lượng giáo dục: Nhìn từ việc sắp xếp quy mô, mạng lưới trường học

Thứ 2, 22/02/2021 | 09:12:24
2,285 lượt xem
Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường học, đặc biệt là sáp nhập trường học là một trong những giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm và tinh gọn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục. Sau 2 năm thực hiện sáp nhập trường học, các trường liên cấp, liên xã trên địa bàn tỉnh đã từng bước khắc phục khó khăn, ổn định hoạt động, nâng cao chất lượng giáo dục.

Ổn định sau sáp nhập

Theo thống kê, quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo năm học 2019 - 2020, cấp mầm non có 299 trường, trong đó 286 trường công lập, 13 trường tư thục (tăng 1 trường tư thục), có 40 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục có giấy phép hoạt động, tăng 4,7%; cấp tiểu học có 119 trường (giảm 176 trường); cấp THCS có 106 trường (giảm 161 trường), trong đó có 13 trường liên xã; trường phổ thông có 2 cấp học (tiểu học và THCS) có 167 trường; cấp THPT giữ nguyên với 39 trường, giáo dục thường xuyên có 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, thành phố và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sau sáp nhập, ngành Giáo dục đã tiếp tục có những giải pháp để hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương, các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện tốt hơn nhiệm vụ dạy và học. Một số địa phương đã chủ động đưa các nội dung về quy hoạch cơ sở giáo dục vào nghị quyết; tiếp tục triển khai thực hiện xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn lực của xã hội nhằm phát triển giáo dục đào tạo, thực hiện quy định về ưu đãi đất đai góp phần tháo gỡ khó khăn về kinh phí cho giáo dục đào tạo. Hầu hết các trường sau khi sáp nhập vẫn thực hiện dạy học tại các cơ sở cũ, một số trường học xuống cấp đã được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, tu bổ cơ sở vật chất. Theo thống kê, đến nay, các trường trong tỉnh đã cơ bản đủ diện tích đất theo quy định của trường chuẩn quốc gia; tỷ lệ phòng học kiên cố tăng nhanh, trong đó cấp mầm non đạt 95,5%; tiểu học đạt 92,9%; THCS đạt 94,6%; trung học phổ thông đạt 98%; trường tiểu học và THCS đạt 94%.

Giờ lên lớp của học sinh Trường Tiểu học Vũ Phúc (thành phố Thái Bình).

Tự tin bước vào giai đoạn mới

Có thể nói, việc sắp xếp các trường, điểm trường, lớp được tinh gọn đã tạo thuận lợi cho công tác quản lý. Thái Thụy là một trong những huyện có số lượng trường sáp nhập nhiều nhất tỉnh. 

Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy cho biết: Sau 1 năm hoàn thành kế hoạch sáp nhập trường học, bộ máy của các cơ sở giáo dục được tinh gọn nhất là đối với cán bộ quản lý, nhân viên; nhiều trường tiểu học và THCS sáp nhập sát nhau, có cùng khuôn viên tạo điều kiện cho công tác quản lý, tổ chức hoạt động. Mạng lưới trường, lớp phù hợp, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh; sĩ số lớp học bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chăm sóc, giáo dục học sinh. Việc đưa học sinh ra các trường chính hoặc ghép với các điểm trường tạo điều kiện cho học sinh học tập tốt hơn. Một số trường học xây dựng được nhà ăn tạo điều kiện cho học sinh trong quá trình học tập ở trường. Đặc biệt, nhờ thực hiện đầy đủ và kịp thời chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nên đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, nâng cao chất lượng chuyên môn. Năm học 2019 - 2020, kết quả tuyển sinh vào lớp 10 THPT tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục của Thái Thụy luôn ở tốp đầu của tỉnh; công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh được duy trì và ngày càng nâng cao về chất lượng.

Là một trong những huyện hoàn thành sáp nhập trường học đầu tiên của tỉnh, đến nay, các trường liên cấp, liên xã trên địa bàn huyện Vũ Thư đã đi vào hoạt động ổn định, chất lượng giáo dục cũng đã có chuyển biến rõ nét, đặc biệt là chất lượng học sinh giỏi. 

Ông Vũ Minh Quyết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Năm học vừa qua, Vũ Thư tiếp tục khẳng định chất lượng tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi ở các tuyến trường, cụm trường và huyện. Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh xếp tốp đầu trong 8 huyện, thành phố với 46/80 em đạt giải chiếm gần 60%, tăng 3 giải so với năm học trước. Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh có 2 sản phẩm đạt giải nhất, nhì ở lĩnh vực cơ khí và hệ thống nhúng. Tư tưởng, thái độ, sự ủng hộ của phụ huynh và nhân dân có chiều hướng tốt hơn, yên tâm cho con em theo học tại các trường đã sáp nhập. Các nhà trường ổn định về tư tưởng, tổ chức, tin tưởng vào chủ trương sáp nhập.

Nhờ việc vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những bất hợp lý, không né tránh những vấn đề mới nảy sinh... việc sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường, lớp ở tỉnh ta đã đạt được những tín hiệu tích cực. Đây là nền tảng để ngành Giáo dục Thái Bình tự tin bước vào giai đoạn mới với chủ trương lớn về đổi mới giáo dục, hứa hẹn gặt hái nhiều thành công.

Đặng Anh