Thứ 4, 20/11/2024, 16:23[GMT+7]

Đổi mới hình thức giáo dục truyền thống trong trường học

Thứ 6, 30/04/2021 | 23:32:24
2,717 lượt xem
Những năm gần đây, hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc được ngành Giáo dục tăng cường đổi mới và thực hiện sôi nổi, mang lại hiệu quả thiết thực.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Thụy Dân (Thái Thụy) thực hiện nghi lễ chào cờ tại nghĩa trang 21/10.

Công tác giáo dục truyền thống cách mạng thời gian qua được các trường học trong tỉnh gắn với hành trình về các “địa chỉ đỏ”. Đó là các di tích lịch sử, công trình văn hóa. Công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam nằm trong quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình là một trong những địa chỉ được nhiều trường học lựa chọn để đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm và kể những câu chuyện về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. 

Mới đây nhất, Trường Mầm non Tâm Việt (thành phố Thái Bình) đã tổ chức cho các cháu mẫu giáo đến công trình văn hóa này. Cô giáo Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trong màu áo chú bộ đội, các con được trực tiếp nhìn thấy Tượng Bác, được nghe các cô giáo giới thiệu về cuộc đời của Bác. Các cô giáo cũng kể những câu chuyện về tình yêu vô bờ bến mà Bác Hồ dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Được tham quan, được nghe kể những câu chuyện xúc động, các con còn được thể hiện bài võ tập thể giúp rèn luyện thân thể, nâng cao thể lực. Đây là một trong những hoạt động rất ý nghĩa trong các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho các con ngay từ tuổi mầm non.

Đã thành thông lệ hàng năm, để giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh, Trường Tiểu học và THCS Thụy Dân (Thái Thụy) lại tổ chức cho học sinh toàn trường đến thắp hương tri ân, tưởng niệm cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh lớp 7 của Trường đã vĩnh viễn ra đi do bị giặc Mỹ ném bom xuống Trường lúc cô và trò đang hăng say dạy và học. 

Thầy giáo Nguyễn Đức Thuận, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ đầy xúc động:  Chiến tranh đã qua đi, nỗi đau còn để lại, xã Thụy Dân cũng có nghĩa trang liệt sĩ như bao làng quê khác. Nhưng nơi đây còn được biết đến với nghĩa trang 21/10, đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của cô giáo, liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân và 30 em học sinh đã ra đi. Những đau thương, mất mát ngày ấy mãi không bao giờ nhân dân địa phương có thể quên được. Cô giáo, liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân đã viết: “...Để sánh vai với người chiến sĩ ở trận tuyến giết giặc cứu nước, thì ở hậu phương, ở mái trường thân yêu này, đêm - ngày mình sẽ miệt mài bên trang giáo án, quyết tâm đóng góp công sức của mình làm cho sự nghiệp trồng người ngày càng thêm thay da, đổi thịt...”. 

Khi được nghe những câu chữ lắng đọng ngay tại nghĩa trang 21/10, em Nguyễn Thị Mai, học sinh Trường Tiểu học và THCS Thụy Dân rất xúc động: Chiến tranh đã qua đi nhưng qua những câu chuyện mà các thầy cô giáo kể lại, em rất cảm phục thế hệ ông cha ta ngày trước, càng cảm phục hơn những thầy cô giáo nguyện một lòng vì sự nghiệp trồng người của quê hương. Em tự nhủ sẽ cố gắng phấn đấu học tốt hơn nữa để xứng đáng là học sinh dưới ngôi trường giàu truyền thống cách mạng.

Màn trình diễn võ tập thể của các cháu Trường Mầm non Tâm Việt (thành phố Thái Bình).

Để giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh, cùng với việc đưa các em đến các di tích văn hóa, công trình văn hóa, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được các nhà trường chú trọng thực hiện, không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc mà còn nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong học sinh. 

Em Trần Đức Anh, học sinh Trường THPT Lý Bôn chia sẻ: Trong một lần được cùng các thầy cô giáo và các bạn đến thăm hỏi, động viên mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mít, xã Việt Hùng (Vũ Thư), em rất xúc động và càng thấy biết ơn sự hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sĩ và sự chịu đựng, vươn lên của các bà, các mẹ ngày trước. Qua những hoạt động này, nhắc nhở mỗi đoàn viên, thanh niên chúng em cần làm nhiều việc tốt hơn tri ân công lao to lớn của những người có công đồng thời phải rèn luyện, phấn đấu nhiều hơn để đóng góp công sức nhỏ bé của mình trong công cuộc xây dựng đất nước, xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ đi trước.

Có thể khẳng định, công tác giáo dục truyền thống cách mạng đã thực sự đổi mới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Từ đó, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, giúp các em nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong học tập, lao động, biết vượt qua khó khăn, có ý chí và khát vọng phấn đấu để trở thành những công dân có ích, đóng góp tích cực vào sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước, làm rạng danh thêm truyền thống đất và người Thái Bình.

Đặng Anh