Thứ 7, 16/11/2024, 11:07[GMT+7]

Học đi đôi với hành

Thứ 2, 10/12/2012 | 10:09:10
3,276 lượt xem
Ðó là lời dạy của ông cha ta từ xưa, theo cách hiểu hiện nay là những kiến thức đã học trong sách vở phải được vận dụng vào thực tiễn. Có như vậy việc học mới có tác dụng thiết thực cho cuộc sống. Hiện nay, trong công tác giáo dục - đào tạo ở nước ta đã bộc lộ rõ một nhược điểm là, nặng về kiến thức sách vở mà nhẹ về ứng dụng thực tiễn.

Ở các bậc học phổ thông, dư luận xã hội cho rằng học sinh bị "nhồi nhét" quá nhiều kiến thức, cảnh học sinh tiểu học cõng trên lưng những cặp sách nặng vẫn diễn  ra. Học sinh thụ động, học một cách máy móc, học thuộc lòng, có khi chưa hiểu điều mình đang học. Nhiều kiến thức vượt quá sự hiểu biết của lứa tuổi và học sinh cắm cúi học, gần như thời gian cho nghỉ ngơi và vui chơi quá ít. Chính vì quá tải mà các kiến thức cứ trôi đi ít đọng lại trong trí nhớ của các em còn nói gì đến việc chủ động cảm nhận tìm hiểu.

Ở bậc đại học cũng diễn ra tình trạng tương tự. Sinh viên học nhiều kiến thức, vùi đầu vào sách vở mà không hiểu sâu hoặc không biết ứng dụng vào thực tiễn như thế nào. Chỉ tiêu đào tạo đề ra chưa đồng bộ với  nhu cầu xã hội, chưa đáp ứng đòi hỏi của sản xuất, kinh doanh, của các doanh nghiệp. Cho nên đã xảy ra tình trạng nhiều sinh viên ra trường rất khó kiếm việc làm hoặc phải làm trái nghề. Không ít sinh viên được các doanh nghiệp nhận vào làm nhưng phải đào tạo lại mới có tay nghề thích ứng với công việc. Chỉ chạy theo kiến thức sách vở, chạy theo bằng cấp đã khiến cho người học ngày càng xa rời thực tiễn. Ðã có trường hợp, người có trong tay nhiều bằng cấp song lại loay hoay, lúng túng trước một công việc cụ thể. Ở cấp độ cao hơn nữa, nhiều công trình nghiên cứu khoa học chưa bám sát thực tiễn, còn rất ít công trình nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao. Chưa có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị giải quyết những vấn đề nóng bỏng mà cuộc sống đang đặt ra như: bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, sử dụng năng lượng, phòng, chống dịch bệnh... Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, các phát minh sáng chế xuất hiện hằng ngày, ở các nước phát triển, giáo dục - đào tạo luôn luôn bám sát tốc độ biến đổi ấy để tránh bị lạc hậu. Học phải gắn liền ứng dụng  thực tiễn thì giáo dục - đào tạo mới thể hiện được vai trò nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu CNH, HÐH đất nước.

Ðể giải quyết sự mất cân đối nêu trên cần có sự đổi mới về nội dung chương trình học tập, phương thức giảng dạy và học tập, đào tạo phải bám sát nhu cầu của xã hội, bám sát thực tiễn phát triển khoa  học và công nghệ ở trong nước và trên thế giới.

Nên chăng, ở bậc phổ thông cần có sự giảm tải về nội dung chương trình, bảo đảm những kiến thức phổ thông chủ yếu nhất. Trước kho tri thức khổng lồ, không thể ôm đồm, song cũng không thể lựa chọn một cách tùy tiện, đó là công việc rất khó khăn đòi hỏi đầu tư nhiều công sức với những bước đi thích hợp, tránh trường hợp đã từng xảy ra khi cải cách chữ viết khiến cả một thế hệ học sinh viết chữ xấu. Hiện nay, ai cũng mong mỏi nước ta có những trường đại học danh tiếng, sánh vai với các trường đại học nổi tiếng trong khu vực và thế giới, đồng thời bằng cấp của nước ta có giá trị, được quốc tế công nhận. Muốn làm được điều đó, chỉ có cách là không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Nước ta có nhiều trường đại học phát triển không đều nhau về đội ngũ giáo viên, sinh viên, về cơ sở vật chất, về phương tiện học tập, nghiên cứu. Nếu cứ chờ đợi nhau, dàn hàng ngang để tiến thì thật khó xuất hiện những con chim đầu đàn nổi trội, xuất hiện bước đột phá. Chủ nghĩa bình quân trong giáo dục - đào tạo, nghiên cứu thường chỉ đem lại những kết quả trung bình.

Gần đây Trường đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học đầu tiên được Bộ Giáo dục và Ðào tạo thí điểm giao quyền tự chủ trong một số nội dung về hoạt động đào tạo. Trường đã cố gắng tìm những phương thức đào tạo gắn liền với thực tiễn, tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn nghề nghiệp trong đó tiến hành đào tạo thạc sĩ nghề nghiệp  theo mô hình của nhiều nước trên thế giới. Tất nhiên khi tự chủ với phương thức đào tạo này, trường phải có đủ điều kiện và năng lực để bảo đảm chất lượng đào tạo, đồng thời tự chủ luôn cả việc xây dựng thương hiệu và danh tiếng của mình. Ðó là một hướng đi tích cực để học tập gắn liền với thực tiễn. Giáo dục - đào tạo ở nước ta cần có nhiều bước đột phá như thế.

Theo nhandan

  • Từ khóa