Thứ 4, 20/11/2024, 09:46[GMT+7]

Tủ sách phụ huynh trên quê lúa Thái Bình

Thứ 6, 01/03/2013 | 18:09:08
4,401 lượt xem
Trong điều kiện của tỉnh ta nói riêng cũng như các tỉnh thành trong cả nước nói chung, mức đầu tư kinh phí của Nhà nước cho hoạt động thư viện  còn nhiều khó khăn hạn chế, mô hình tủ sách phụ huynh ra đời đưa vào hoạt động là một mô hình hay, thiết thực, phù hợp.

Khai trương tủ sách phụ huynh lớp 7B THCS An Tràng (Quỳnh Phụ).

Mô hình được khởi xướng bắt đầu từ sáng kiến của người “Nhóm lửa tủ sách dòng họ” - anh Nguyễn Quang Thạch. Với suy nghĩ đưa sách về nông thôn giúp nhiều người dân nhất là đối tượng học sinh có sách đọc, tháng 6/2010 anh Nguyễn Quang Thạch cùng các thầy cô giáo Trường THCS xã An Dục (Quỳnh Phụ) bắt tay xây dựng tủ sách phụ huynh đầu tiên.  

 

Với phương châm sử dụng nguồn cộng đồng bên ngoài địa phương cùng phụ huynh học sinh xây dựng vốn sách, ban Giám hiệu nhà trường đã bàn bạc được hội phụ huynh thống nhất cao, đưa ra phương thức thực hiện. Nhà trường đầu tư kinh phí đóng tủ đựng sách, mỗi phụ huynh góp 50.000 đồng mua sách. Vốn sách ban đầu được người thiết kế mô hình đóng góp 500.000 đồng cùng với số tiền 1.850.000 đồng do 37 phụ huynh đóng góp, tủ sách phụ huynh đặt trong lớp học đầu tiên với 130 cuốn ra đời. Tủ sách phụ huynh do các em tự quản lý, mỗi lớp cử 3 học sinh có ý thức tốt quản lý ghi chép vào sổ đăng ký quản lý tài sản, ghi sổ cho mượn về nhà. Chỉ 4 tháng sau khi tủ sách đầu tiên ra đời, tất cả các lớp của Trường THCS An Dục đã có tủ sách.

 

Về Trường THCS An Dục được tiếp xúc với các em, chúng tôi thấy rất rõ hiệu quả của tủ sách mang lại. Ðiều khẳng định đầu tiên đây chính là môi trường tạo nên thói quen tốt cho học sinh - thói quen đọc sách. Em Hoà Thị Hương Giang học sinh lớp 9A1 cho chúng tôi biết: “Trước khi có tủ sách phụ huynh, em không mượn sách từ thư viện nhà trường mà chỉ mượn một số cuốn từ bạn bè, họ hàng. Từ khi có tủ sách để tại lớp, em đã mượn sách thường xuyên hơn. Sau một thời gian ngắn em đã đọc gần hết số sách của tủ sách lớp em quản lý. Năm học 2010-2011 em đạt học sinh giỏi cấp huyện là do được đọc một số cuốn sách hóa học mượn từ tủ sách”. Còn em Phạm Thị Phương học sinh lớp 7A3 cho biết: ”Khi chưa có tủ sách phụ huynh, những học sinh bình thường như chúng em ít khi mượn sách ở thư viện nhà trường vì số sách ở đây còn có hạn. Chỉ các bạn tham gia đội tuyển vào dịp các kỳ thi mới được mượn.

 

Với tủ sách phụ huynh thì khác, tất cả các bạn trong lớp đều được mượn sách, không có bất kỳ sự phân biệt nào. Gần như đã thành thói quen, hàng ngày các bạn thường đọc sách trong thời gian rỗi vào giờ ra chơi. ”Ý kiến của em Hoà Thị Dung học sinh lớp 9A1”. Trong một năm học, em đã đọc gần hết số sách ở tủ sách, với việc đọc này đã giúp em tích luỹ được nhiều kiến thức hơn, trong đó có nhiều kiến thức không có trong sách giáo khoa”. Em Nguyễn Thành Luân học sinh lớp 8A3 cho biết: ”Em đã đọc một số cuốn sách và còn mượn thêm một số chuyện cổ tích về nhà đọc cho em trai bốn tuổi nghe. Tủ sách đã giúp em nhiều kiến thức về toán và văn. Việc mượn sách ở lớp thuận lợi hơn ở thư viện nhà trường, thư viện xã em không có, còn thư viện huyện ở xa em không có điều kiện đến đó mượn sách về đọc”.

 

Không chỉ là nơi tạo môi trường, tạo thói quen tốt cho các em, hoạt động của tủ sách phụ huynh còn giúp các em có thể chủ động lựa chọn sách để đọc và có thể đọc vào bất cứ lúc nào. Thay vì việc một tuần một lần cả lớp nghe một bạn học sinh đọc báo. Với sự chủ động của mỗi cá nhân đã tạo nên sự hứng thú và quan trọng là tạo nên thái độ chủ động, tự tìm sách để đọc. Ðiều quan trọng hơn đó là thông qua việc đọc đã giúp các em lĩnh hội kiến thức một cách chủ động cùng với việc tạo sự say mê bổ ích cho lứa tuổi học trò, giúp các em tránh được tệ nạn với trò chơi game. Việc sử dụng tủ sách tại các lớp còn có tác dụng lan truyền tốt, một số em trước đây chưa có ý thức với việc đọc, nay đã mượn sách đọc và đã có nhiều chuyển biến trong kết quả học tập. Nhiều bậc phụ huynh đã nhờ con em mình mượn sách của lớp về đọc. Ðối với giáo viên, tủ sách cung cấp cho các thầy cô giáo rất nhiều cuốn sách mà thư viện nhà trường không có. Ðặc biệt, việc đọc của các em có tác động lớn đến người thầy. Bởi lẽ, khi các em đọc sách, trình độ được nâng cao, để đáp ứng được yêu cầu của học sinh buộc người thầy phải tự thay đổi mình, phải đọc sách.   

 

Một con số ấn tượng là năm học 2009-2010 khi chưa có tủ sách phụ huynh, Trường THCS An Dục với 303 học sinh nhưng chỉ có 180 bản sách được mượn từ thư viện nhà trường. Từ khi có tủ sách phụ huynh, đã có trên 2.000 cuốn sách được mượn đưa về nhà và trên 20.000 lượt sách được đọc tại lớp/1 năm. Một điều được khẳng định nữa đó là tủ sách phụ huynh đã cung cấp cho các em những kiến thức không chỉ cần trong học tập, mà còn cung cấp cho các em nhiều kiến thức xã hội. Chính nhờ có phần tác động của tủ sách mà thành tích các đội tuyển học sinh giỏi văn, toán của Trường THCS An Dục đã vươn lên đạt thứ hạng cao so với các trường trong huyện Quỳnh Phụ. Bên cạnh những hiệu quả kể trên, một hiệu quả nữa phải nói đến, đó là hiệu quả về mặt kinh tế, mỗi học sinh góp tiền mua một cuốn sách đổi lại các em được đọc hàng trăm cuốn. Mặt khác, khi các em lên lớp, các tủ sách được chuyển lại cho lớp dưới mới lên ngay khi bước vào năm học mới. Việc này đã giúp tiết kiệm được kinh phí mua sách, các em có ngay sách phù hợp để đọc. Hàng năm phụ huynh đóng thêm số tiền mua  sách mới cho con em mình, vì thế số lượng sách trong các tủ mỗi năm đều được tăng lên. 

 

Các tủ sách phụ huynh tại Trường THCS An Dục đi vào hoạt động hiệu quả nền nếp, nhiều trường trong huyện Quỳnh Phụ đã đến học tập về triển khai ở đơn vị mình. Lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Quỳnh Phụ đã ra kế hoạch tất cả các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn xây dựng tủ sách phụ huynh, đồng thời kêu gọi mỗi giáo viên ủng hộ số tiền 20.000 đồng, đưa tổng số tiền đóng góp cho hoạt động này lên tới gần 60 triệu đồng. Kết quả, hiện nay tại huyện Quỳnh Phụ đã xây dựng được 900 tủ sách phụ huynh, đạt 100% số lớp có tủ sách. Số lượt sách luân chuyển tại các tủ sách đạt đến  45.000 bản sách đã chứng minh hiệu qủa sử dụng sách trong đối tượng học sinh và giáo viên ở Quỳnh Phụ. Tiếng lành đồn xa về mô hình tủ sách phụ huynh, đến nay nhiều nhà tài trợ đã gửi kinh phí, sách báo về ủng hộ nhiều trường học ở một số huyện tỉnh Thái Bình xây dựng tủ sách. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng được  950 tủ sách phụ huynh.

 

Thiết nghĩ, trong điều kiện của tỉnh ta nói riêng cũng như các tỉnh thành trong cả nước nói chung, mức đầu tư kinh phí của Nhà nước cho hoạt động thư viện  còn nhiều khó khăn hạn chế, mô hình tủ sách phụ huynh ra đời đưa vào hoạt động là một mô hình hay, thiết thực, phù hợp. Ðể mô hình này được phổ biến và nhân rộng, hoạt động ngày một hiệu quả trên địa bàn cả nước, mong muốn có sự quan tâm của nhiều địa phương, các cấp ngành, các nhà quản lý, các tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp sức xây dựng, ủng hộ, góp phần thiết thực vào việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Bài, ảnh:  Lê Thị Thanh Ðài

(Thư viện tỉnh)

 

  • Từ khóa