Thứ 7, 23/11/2024, 13:51[GMT+7]

Kỷ niệm 15 năm ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008 - 2/10/2023) Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 02/10/2023 | 09:28:33
15,266 lượt xem
Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, những năm qua, các cấp hội khuyến học luôn chủ động lồng ghép các mô hình khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng nông thôn mới. Kỷ niệm 15 năm ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008 - 2/10/2023) và triển khai tuần lễ học tập suốt đời (2 - 9/10/2023), phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh xung quanh nội dung trên.

Ông Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh trao quà cho học sinh vượt khó hiếu học.

Phóng viên: Hiện nay, phong trào khuyến học, khuyến tài đang phát triển mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng ở các địa phương, đơn vị. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về phong trào này?
Ông Vũ Mạnh Hiền: Khuyến học, khuyến tài được hiểu là những hoạt động vận động, khuyến khích người dân ở mọi độ tuổi học tập thường xuyên, học suốt đời để có tri thức mới, hình thành những kỹ năng mới giúp lao động hiệu quả hơn, cuộc sống văn minh, hạnh phúc hơn. Nhiều người nghĩ rằng hoạt động khuyến học chỉ là vận động các phần thưởng, phần quà, các suất học bổng rồi trao cho học sinh. Nhưng đó mới chỉ là một phần hoạt động, không phải là mục tiêu của khuyến học, khuyến tài. Mục tiêu của khuyến học, khuyến tài là thúc đẩy xây dựng cả nước ta trở thành một xã hội học tập, tức một xã hội mà ai cũng muốn học và phải học, từ trẻ em đến người lớn, ở mọi ngành nghề, xuất thân, điều kiện, dân tộc, giới tính... Hay nói cách khác, “xây dựng cả nước thành một xã hội học tập” là mục tiêu chính, còn khuyến học, khuyến tài là phương tiện để đạt được mục tiêu đó.

Phóng viên: Đến nay, các mô hình học tập, nhất là hệ thống trung tâm học tập cộng đồng trên toàn tỉnh đã trở thành “bà đỡ” giúp nhiều người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giảm nghèo hiệu quả, đồng thời tạo ra chuyển biến tích cực trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề, có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Theo ông, vai trò của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là gì?
Ông Vũ Mạnh Hiền: Theo Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã chỉ rõ: Mỗi tổ chức cần có biện pháp phù hợp thúc đẩy việc học tập suốt đời của các thành viên, hội viên trong tổ chức để góp phần cùng với gia đình, dòng họ, thôn bản, tổ dân phố, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu, bệnh viện, đơn vị lực lượng vũ trang... không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, coi đó là nội dung quan trọng trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Hội Khuyến học tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” trong các cơ quan, trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, doanh nghiệp... và trong lực lượng vũ trang. Trong những năm qua, các cấp hội khuyến học đều thực hiện tốt các văn bản của trung ương, của tỉnh về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đặc biệt là Chương trình 387 và Chương trình 677 của Thủ tướng Chính phủ tổ chức phát động xây dựng các mô hình “Công dân học tập”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” ở tất cả các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố rất sôi nổi. Các mô hình học tập sau một thời gian triển khai, tổ chức thực hiện đã góp phần tích cực hoàn thành các mục tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới như: tham gia xây dựng quy hoạch, xây dựng đường giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, nhà ở cho người nghèo, hội viên khó khăn về nhà ở; giúp mọi người dân nâng cao dân trí thông qua việc học thường xuyên, học suốt đời, tiếp cận pháp luật; các trung tâm học tập cộng đồng giúp người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề để xóa đói giảm nghèo; hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thúc đẩy phát triển chất lượng giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực nhất là nhân lực tại chỗ... Để xây dựng thành công một xã hội học tập góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, các cấp hội khuyến học tiếp tục được củng cố, kiện toàn, đa dạng hóa các mô hình, hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức nghiên cứu, nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; bởi vì các trung tâm này được xem là thiết chế để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, nhu cầu đào tạo nghề của mọi tầng lớp nhân dân.

Phóng viên: Hội viên hội khuyến học có trách nhiệm như thế nào trong xây dựng nông thôn mới, thưa ông?
Ông Vũ Mạnh Hiền: Trước hết, cần nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới là “của dân, do dân và phục vụ lợi ích vì nhân dân”. Do đó, mọi người dân đều phải có trách nhiệm, tuy nhiên trách nhiệm của hội viên hội khuyến học cụ thể là: tích cực vận động gia đình, dòng họ, cộng đồng... tham gia phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Tuyên truyền, vận động để hội viên và người dân có ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới; động viên con em trong độ tuổi đi học đến trường và học hành chăm chỉ, không có tình trạng bỏ học giữa chừng. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho đề án xây dựng nông thôn mới của địa phương mình. Cùng cộng đồng dân cư chủ động đề xuất với chính quyền địa phương những công việc cần làm trước, những việc cần làm sau để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong xã và phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương. Tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới và vận động cộng đồng cùng tham gia với cấp ủy, chính quyền để xây dựng nông thôn mới. Tham gia quản lý và giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn xã, tổ chức nhóm hộ gia đình trực tiếp nhận xây dựng các công trình vừa và nhỏ trên địa bàn thôn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Trường Đại học Thái Bình trao quà cho học sinh nghèo vượt khó. 

Đặng Anh 

(Thực hiện )