Thứ 5, 19/09/2024, 22:15[GMT+7]

Xã hội hóa - thêm nguồn lực cho giáo dục

Thứ 4, 21/08/2024 | 09:18:54
1,701 lượt xem
Xác định tầm quan trọng của công tác xã hội hóa đối với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tạo dựng môi trường giáo dục từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu dạy và học, những năm qua, ngành giáo dục và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh triển khai hoạt động này, đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó góp phần phát triển các loại hình trường, lớp, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có thêm điều kiện tới trường.

Nhờ thực hiện tốt công tác xã hội hóa, học sinh Trường THCS Trọng Quan (Đông Hưng) được học trong môi trường giáo dục hiện đại, thân thiện.

Những năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng trường học trên địa bàn tỉnh lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có một tỷ lệ không nhỏ kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa. Điều dễ nhận thấy, nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn nhà nước, việc đầu tư cho giáo dục sẽ không đạt được kết quả như thế. 

Tại thành phố Thái Bình, số trường tư thục tăng nhanh, đáp ứng cơ bản nhu cầu của người học. Trường Mầm non Stemony (xã Vũ Phúc) là trường mới thành lập với tổng diện tích 2.500m2, gồm 15 phòng học và 5 phòng chức năng; 2/3 diện tích của trường được bao phủ bởi cây xanh, cây ăn quả, các khu vui chơi đồi cỏ, suối nhân tạo... 

Bà Đỗ Thị Tuyết Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với cơ chế “mở” của tỉnh đối với các trường tư thục, nhà trường được đầu tư, xây mới hệ thống phòng học, phòng chức năng, khu vui chơi hiện đại; đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt tình, được đào tạo chuyên môn thường xuyên. Đặc biệt, nhà trường được trang bị phòng STEAM Lab rộng, hiện đại và áp dụng phương pháp giáo dục STEAM bài bản, chuyên sâu giúp trẻ thỏa sức sáng tạo. Vì vậy, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động nhà trường nhận được sự đánh giá cao của phụ huynh về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. 

Với quan điểm nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, năm học vừa qua, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, Trường THCS Trọng Quan (Đông Hưng) đã được khoác lên mình “tấm áo mới”. 

Ông Đinh Quang Long, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chủ trương khi thực hiện xã hội hóa của nhà trường đó là không phân bổ, không chia đầu người, không có mức trần, không huy động đóng góp các công trình cần nhiều kinh phí cho phụ huynh. Trong năm học 2023 - 2024, cựu học sinh của trường đã tài trợ toàn bộ việc tu sửa, quét vôi ve và trang trí trường, lớp. Ngoài ra, tại các lớp học, bàn ghế, các thiết bị thông minh cũng được huy động từ nguồn xã hội hóa. 

Theo kinh nghiệm của Trường THCS Trọng Quan, để công tác xã hội hóa giáo dục đạt hiệu quả, trước tiên cần làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh, nhân dân hiểu rõ và nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và xã hội hóa giáo dục. Khi thực hiện cần rõ ràng, minh bạch tạo niềm tin với các cấp lãnh đạo, phụ huynh và nhân dân; phải thực hiện nghiêm theo các văn bản chỉ đạo về các khoản thu, chi trong trường học, tránh để công tác xã hội hóa giáo dục rơi vào tình trạng lạm thu. Nhờ vậy, đến nay Trường THCS Trọng Quan được đầu tư khá hoàn chỉnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. 

Có thể thấy, việc huy động nguồn lực xã hội đã góp phần giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, giảm áp lực tuyển sinh cho các trường công lập, mở ra cơ hội cho người học, chủ động lựa chọn cơ sở giáo dục phù hợp với thu nhập của người dân; góp phần thực hiện hiệu quả công tác phổ cập, xóa mù chữ, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2021 đến năm 2023, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã huy động được khoảng 196 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất. Để góp phần phát triển giáo dục, ngày 27/3/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 573/QĐUBND về phê duyệt đề án xã hội hóa giáo dục mầm non, phổ thông tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng việc khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập; huy động các nguồn lực xã hội hóa phục vụ các hoạt động giáo dục như tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động giáo dục nghệ thuật, thẩm mỹ, hoạt động thể thao, hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống theo hình thức xã hội hóa. Cùng với đó, sử dụng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục dưới hình thức liên kết với các đơn vị cung ứng dịch vụ; sử dụng các thiết chế văn hóa ở cơ sở do nhà nước đầu tư; tổ chức cho học sinh ăn bán trú; học sinh đi học bằng xe chung theo hình thức xã hội hóa; chuyển đổi mô hình và thực hiện cơ chế tự chủ ở các cơ sở giáo dục công lập... 

Nhờ cơ chế “mở” của tỉnh đối với loại hình tư thục, trong thời gian qua đã có một số tổ chức đến Thái Bình tìm hiểu và có ý tưởng đầu tư xây dựng trường học liên cấp. Các trường tư thục nằm ở vị trí thuận lợi, được quy hoạch tổng thể, khuôn viên xanh, sạch, đẹp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư đồng bộ theo định hướng trường chuẩn quốc gia sẽ góp phần giảm tải áp lực cho các trường công lập, từ đó đáp ứng nhu cầu người học, nâng cao chất lượng giáo dục.

 Cựu học sinh Trường THCS Trọng Quan (Đông Hưng) tài trợ toàn bộ việc quét vôi, ve, trang trí trường, lớp.

Đặng Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày